Những ý kiến tâm huyết từ hội nghị đổi mới công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản
Hội nghị 'Định hướng hoạt động khoa học công nghệ phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến Than -Khoáng sản đến năm 2025' đã tập hợp được trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết của nhà quản lý, nhà khoa học, và doanh nghiệp trong và ngoài ngành Công Thương. Xin giới thiệu cùng bạn đọc
Ông Ngô Đại Quang - Phó Tổng Giám đốc Vinachem
Tôi vốn tâm đắc với Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025. Nay lại được nghe những tham luận tại Hội nghị này nhiều thông tin bổ ích, có thể học hỏi, vận dụng được nhiều điều. Tôi xin có mấy ý kiến sau.
Thứ nhất, nội dung Chương trình đã có phần đào tạo nguồn nhân lực, trong thời gian tới, tôi mong nội dung này tiếp tục được thể hiện đạm nét hơn.
Thứ hai, ví dụ như ngành hóa chất, quặng apatit hàm lượng cao đã gần hết, phần lớn còn lại hàm lượng thấp nên việc đổi mới công nghệ là cấp bách để chế biến sâu.
PGS. TS Trần Xuân Hà, Hội KHCN Mỏ Việt Nam
Thời gian qua, TKV ưu tiên phát triển công nghệ mới, mang lại hiệu quả về kinh tế, khoa học rất lớn. Các tham luận đã cho thấy điều này. Trước kia, Trường Đại học Mỏ-Địa chất ít tham gia vào Chương trình, nhưng mấy năm gần đây đã tham gia tích cực, hiệu quả hơn với nhiều đề tài, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, TKV và các tập đoàn, doanh nghiệp, bên cạnh chú trọng đổi mới công nghệ, cần quan tâm hơn nữa đến bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên.
Ông Nguyễn Minh Quý - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam
Hiện nay, sau thời gian dài khai thác, tài nguyên không còn dồi dào như trước. Bối cảnh đó đòi hỏi phải ứng dụng, làm chủ công nghệ mới để khai thác sao cho hiệu quả, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có hơn 10 đề tài tham gia trong Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản. Trong đó có các đề tài nghiên cứu quy trình công nghệ mới trong tối ưu hóa chuỗi giá trị các hóa phẩm, chất xúc tác.
Hiện có một khó khăn về tiền nhân công thuê chuyên gia. Nếu đúng như định mức trong Chương trình thì khó có thể thuê chuyên gia nước ngoài, trong khi đặc điểm của ngành Dầu khí có nhiều đề tài lớn, công nghệ mới, cần thuê chuyên gia nước ngoài.
Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành KTKT, Bộ KHCN
Tôi ấn tượng với sáng kiến triển khai Hội nghị này. Trong tình hình thực tế hiện nay, khai thác khoáng sản ngày càng khó khăn, không còn dễ dàng và thuận lợi như trước, nên muốn khai thác hiệu quả, phải hướng trọng tâm vào đổi mới công nghệ.
So với giai đoạn trước, các đề tài nghiên cứu đã hướng đến ứng dụng vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hơn. Đây là cách tiếp cận tốt. Trước đây, chi phí cho các đề tài, nhiệm vụ chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Nay đã huy động từ doanh nghiệp 48%, phần chi từ ngân sách nhà nước chỉ còn 52%.
Đối với ngành Than, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu nếu không có quyết tâm lớn từ TKV, của doanh nghiệp trong ngành thì khó có thể thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu được. Rất mừng là TKV, của doanh nghiệp trong ngành đã quyết liệt đổi mới, chủ động phối hợp với nhà khoa học để triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản. Đó là một thành công cần phát huy và nhân rộng hơn nữa.