Những ý tưởng đầu tiên về chiếc máy tính 'biết thở'
Trong suốt những năm cuối thập niên 1800 và đầu thập niên 1900, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tại Mỹ có một đội ngũ chuyên để tính toán số liệu.
Năm 1945, các đài phát thanh trên toàn thế giới thông báo chiến tranh cuối cùng đã kết thúc. Bên ngoài Tokyo, chàng kĩ sư trẻ Akio Morita vẫn khoác lên mình bộ quân phục khi nghe thiên hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng, vì anh chỉ nghe bài phát biểu một mình chứ không phải cùng các sĩ quan hải quân khác, nên không bị buộc phải tự sát theo nghi thức. Bên kia biển Hoa Đông, Trương Trung Mưu (người sáng lập ra ngành chất bán dẫn) ăn mừng chiến tranh kết thúc và Nhật Bản bại trận bằng việc nhanh chóng trở lại với thú vui của thanh niên như chơi quần vợt, xem phim và chơi bài cùng bạn bè.
Tại Hungary, Andy Grove (nhà sáng lập Intel) và mẹ rón rén bò ra khỏi hầm trú bom dù sau đó cuộc sống của họ thời kỳ hậu chiến cũng vất vả không kém gì trong cuộc chiến.
Kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai được xác quyết bởi sản lượng công nghiệp, nhưng rõ ràng các công nghệ mới đang làm thay đổi sức mạnh quân sự. Các cường quốc đã sản xuất hàng nghìn máy bay và xe tăng, nhưng cũng đã xây dựng nhiều cơ sở nghiên cứu phát triển các thiết bị mới như tên lửa và radar. Hai quả bom nguyên tử đã phá hủy Hiroshima và Nagasaki làm dấy lên nhiều suy đoán rằng kỷ nguyên nguyên tử mới ra đời có thể thay thế kỷ nguyên được định hình bởi than và thép.
Vào năm 1945, Trương Trung Mưu và Andy Grove vẫn là học sinh, và còn quá trẻ để có thể suy nghĩ nghiêm túc về công nghệ hay chính trị. Tuy vậy, Akio Morita dù mới ngoài 20 tuổi đã nghiên cứu phát triển tên lửa tầm nhiệt trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến. Còn rất lâu nữa Nhật Bản mới có tên lửa dẫn đường hoạt động được, nhưng dự án đã cho Morita một cái nhìn thoáng qua về tương lai.
Có thể hình dung đến những cuộc chiến thẳng lợi không phải nhờ những chiếc đinh tán trên dây chuyền lắp ráp mà bởi những vũ khí có thể xác định mục tiêu và tấn công tự động. Ý tưởng này có vẻ giống khoa học viễn tưởng, nhưng Morita đã lờ mờ nhận thức được những bước phát triển mới của điện toán có thể giúp máy móc "suy nghĩ" bằng cách giải các bài toán như cộng, nhân hoặc tìm căn bậc hai.
Tất nhiên, ý tưởng sử dụng các thiết bị để tính toán không mới. Con người đã biết sử dụng ngón tay để tính toán kể từ thời loài Homo sapiens bắt đầu tìm cách đếm. Người Babylon cổ đại đã phát minh ra bàn tính để tính toán các con số lớn, và trong nhiều thế kỷ, con người đã biết nhân chia bằng cách di chuyển các hạt gỗ tới lui trên bàn tính này.
Trong suốt những năm cuối thập niên 1800 và đầu thập niên 1900, sự phát triển của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp đòi hỏi phải có những đội quân "máy tính" con người, nhân viên văn phòng được trang bị bút, giấy và đôi khi là máy tính cơ học đơn giản - các hộp tính có thể cộng, trừ, nhân, chia và tính các phép tính căn bậc hai cơ bản.
Những chiếc máy tính biết thở này có thể lập bảng lương, theo dõi doanh số bán hàng, thu thập kết quả điều tra dân số và sàng lọc dữ liệu về các trận hỏa hoạn và hạn hán cần thiết để định giá các hợp đồng bảo hiểm.
Trong thời kỳ Đại suy thoái Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình Mỹ, với mong muốn tuyển dụng những nhân viên văn phòng thất nghiệp, đã thiết lập Dự án Bảng tính Toán học. Vài trăm "máy tính" con người ngồi tại các dãy bàn trong một tòa nhà văn phòng ở Manhattan và lập bảng logarit và các hàm số mũ. Dự án đã xuất bản hai mươi tám tập kết quả của các hàm phức, với các tiêu đề như Tables of Reciprocals of Integers from 100,000 Through 200,009 (Bảng nghịch đảo của các số nguyên từ 100.000 đến 200.009), được trình bày trên 201 trang bao gồm các bảng số.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-y-tuong-dau-tien-ve-chiec-may-tinh-biet-tho-post1479506.html