Những ý tưởng sáng tạo trong phim khoa học viễn tưởng
Thế giới thực tế ảo, cấy ý tưởng qua giấc mơ hay nghịch đảo thời gian là những đề tài mang tính đột phá trong thể loại phim viễn tưởng của Hollywood.
Chương trình máy tính có tri giác trong Tron (1982): Nhân vật chính của Tron là Flynn (Jeff Bridges) - một cựu kỹ sư phần mềm của ENCOM. Trong lúc tìm cách xâm nhập vào hệ thống công ty cũ, anh vô tình bị số hóa vào máy tính để rồi phát hiện ra cả một thế giới mới. Ở đó, mỗi chương trình đều có ý thức riêng và kết hợp cùng nhau để tạo ra một cộng đồng không khác gì ngoài đời thực. Vào thời điểm đầu thập niên 1980, khi công nghệ thông tin còn sơ khai, ý tưởng của Tron được coi là đi trước thời đại. Hiện thương hiệu được phát triển phần ba mang tên Tron: Ares với ngôi sao Jared Leto.
Lựa chọn mã gene cho con người trong Gattaca (1997): Gattaca lấy bối cảnh tương lai khi những đứa trẻ đều được can thiệp di truyền trước khi chào đời. Vincent Freeman (Ethan Hawke) ra đời theo phương pháp truyền thống nên bị chẩn đoán là yếu đuối và đoản mệnh ở tuổi 30. Anh bị coi là công dân cấp thấp, chỉ làm công việc tay chân. Song, Vincent đã mua lại danh tính của Jerome Eugene Morrow (Jude Law) - một người có bộ gene hoàn hảo nhưng bị liệt nửa thân dưới - để hoàn thành giấc mơ du hành vũ trụ. Ẩn sau những tranh cãi về đạo đức trong việc chỉnh sửa mã gene, Gattaca muốn nói lên rằng sự thành công là dựa vào nỗ lực của mỗi cá nhân, chứ không phải định kiến xã hội áp đặt cho họ.
Ngăn chặn tội ác trước khi xảy ra trong Minority Report (2002): Sẽ ra sao nếu có thể ngăn chặn tội ác trước khi chúng xảy ra? Câu hỏi được Steven Spielberg phần nào giải đáp trong Minority Report. Ý tưởng phim xoay quanh ba chị em có khả năng nhìn thấy trước tội ác. Đại úy John Anderton (Tom Cruise) của đội cảnh sát PreCrime sẽ phân tích ảo ảnh của họ để tìm ra thời gian, địa điểm vụ án. Rắc rối ập đến khi chính John bị dự đoán trở thành hung thủ của một vụ giết người sau 36 tiếng. Trong phim, công nghệ vấp phải sự phản đối khi một người không thể bị coi là tội phạm nếu chưa thực hiện hành vi phi pháp.
Thế giới thực tế ảo trong loạt The Matrix: Ý tưởng những cỗ máy tự ý thức và đánh bại con người để thống trị thế giới trong The Matrix là không mới. Sự sáng tạo của chị em đạo diễn nhà Wachoski nằm ở chỗ chúng sử dụng nhân loại làm những viên pin năng lượng sống. Để đạt mục đích, cỗ máy tạo ra ma trận thực tế ảo, mô phỏng thế giới những năm 2000, rồi đẩy con người chìm vào giấc mơ không bao giờ tỉnh giấc. Những chương trình máy tính được chúng cài vào nhằm kiểm soát những ai có xu hướng phát hiện ra sự thật. Đến nay, thương hiệu đang trong quá trình thực hiện phần bốn.
Đánh cắp giấc mơ trong Inception (2010): Trong thời đại công nghệ số và mạng xã hội ngày một phát triển, ý tưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành bại. Do đó, nhóm của Dom Cobb (Leonardo DiCaprio) chuyên sử dụng một cỗ máy xâm nhập vào giấc mơ của đối tượng để đánh cắp thông tin và bán cho các tập đoàn lớn. Anh và các cộng sự được Saito (Ken Watanabe) thuê thực hiện một nhiệm vụ khó nhằn hơn là cấy ý tưởng vào tiềm thức của một cá nhân. Inception không chỉ tạo ra thế giới giấc mơ phá vỡ mọi nguyên tắc, mà còn nói lên tầm quan trọng của “ý tưởng khởi nguồn” hay tiềm thức của mỗi con người.
Con tàu chống tận thế trong Snowpiercer (2013): Dựa trên nguyên tác truyện tranh, Snowpiercer lấy bối cảnh hậu tận thế khi Trái Đất bị đóng băng do biến đổi khí hậu. Những người sống sót tập trung trên một con tàu chạy vòng quanh thế giới bằng động cơ vĩnh cửu. Một cuộc chiến đẫm máu chực chờ bùng nổ khi những người trên toa hạng nhất được sống sung túc, còn toa cuối thì bẩn thỉu, nghèo khổ. Sự phân hóa giàu nghèo là đề tài ưa thích của đạo diễn Bong Joon-ho. Ở Snowpiercer, con tàu là hình ảnh ẩn dụ của Trái Đất. Sự phân hóa giai cấp thể hiện rõ rệt về chất lượng thực phẩm, không gian sống, y tế, dịch tễ... Đồng thời, nguồn tài nguyên của con tàu bị giới hạn và không thay đổi. Khi dân số ngày càng tăng, một cuộc chiến là điều buộc phải xảy ra.
Nghịch đảo vật chất và thời gian trong Tenet (2020): Tenet là bom tấn viễn tưởng tiếp theo của Christopher Nolan. Trung tâm tác phẩm là công nghệ nghịch đảo vật chất và thời gian. Nhờ nó, con người ở tương lai muốn tìm cách tiêu diệt thế giới hiện tại, còn một nhóm mật vụ quyết tâm ngăn chặn điều đó bằng chính phương thức ấy. Đạo diễn Nolan nhấn mạnh đây không phải là tác phẩm du hành thời gian, và Tenet sẽ gợi nhắc nhiều tới Memento (2000) - bộ phim kể theo lối “giật ngược” trong buổi đầu sự nghiệp của ông.