Những yêu cầu trọng tâm từ Kết luận số 174

Ngày 4/7, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 174-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục hoàn thiện, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính hai cấp.

Xã Quảng Sơn bảo đảm bộ máy cấp xã hoạt động thông suốt, không để người dân phải chờ đợi. Ảnh: Hoàng Hoài

Xã Quảng Sơn bảo đảm bộ máy cấp xã hoạt động thông suốt, không để người dân phải chờ đợi. Ảnh: Hoàng Hoài

Kết luận nêu rõ mục tiêu tổng quát là xây dựng bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương thông suốt, thống nhất và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thực hiện mô hình đơn vị hành chính hai cấp ở nhiều địa phương sau sắp xếp. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra một loạt yêu cầu và chỉ đạo cụ thể trên nhiều phương diện, từ tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đến quản lý cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin.

Kết luận 174 yêu cầu khẩn trương rà soát và hoàn thành toàn bộ công tác phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã; đối với những xã, phường, đặc khu thiếu cán bộ chuyên môn, cấp tỉnh phải bố trí, tăng cường kịp thời, đầy đủ, hỗ trợ, giúp đỡ để bảo đảm thực hiện công việc hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, đề xuất biên chế của địa phương giai đoạn 2026 - 2031.

Tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thôi công tác, nghỉ hưu sớm do sắp xếp theo hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để Nhân dân nắm được những quy định và địa điểm, cách thức làm việc mới của các cơ quan nhà nước ở địa phương; củng cố và duy trì sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân đối với việc triển khai đơn vị hành chính 2 cấp...

Kết luận 174 yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi và ban hành đồng bộ các quy định pháp lý nhằm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính ở cả Trung ương và địa phương. Sự thống nhất giữa các cấp, các ngành và giữa các văn bản là yêu cầu mang tính nguyên tắc, giúp bộ máy hành chính vận hành thông suốt, hạn chế xung đột pháp lý và tránh tình trạng chồng chéo, phân tán. Cần phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhằm phát huy tính tự chủ, sáng tạo của địa phương nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương.

Một nội dung quan trọng khác được nêu trong Kết luận là yêu cầu theo dõi sát sao tình hình vận hành bộ máy hành chính tại các địa phương sau khi sắp xếp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn trong hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính hay cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.

Đối với các địa phương, đặc biệt là những nơi thiếu hụt cán bộ chuyên môn, yêu cầu cấp tỉnh phải khẩn trương tăng cường nhân sự, bố trí hợp lý, bảo đảm hoạt động hành chính không bị đình trệ. Kết luận cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện xác định vị trí việc làm, xây dựng kế hoạch biên chế giai đoạn 2026 - 2031 phù hợp với tình hình mới.

Công tác cán bộ tiếp tục là một trọng tâm lớn. Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng chú trọng làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp, đồng thời giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ.

Đặc biệt, yêu cầu triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ, nhất là ở cơ sở, được đặt ra như một giải pháp dài hạn. Các địa phương cũng được chỉ đạo phối hợp với Trung ương Đoàn đưa thanh niên, sinh viên tình nguyện có chuyên môn về công nghệ thông tin hỗ trợ các xã, phường ở vùng sâu, vùng xa - những nơi còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ và cải cách hành chính.

Kết luận 174 không chỉ đặt mục tiêu hoàn thiện bộ máy hành chính mà còn gắn kết với công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Việc bảo đảm tổ chức thành công các sự kiện chính trị quan trọng này phải được gắn chặt với hiệu quả điều hành của bộ máy hành chính mới sau sắp xếp. Bộ Chính trị cũng yêu cầu rà soát, tinh gọn đầu mối tổ chức trong hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng...

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/nhung-yeu-cau-trong-tam-tu-ket-luan-so-174-381542.html