Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Phát triển đảng trong DNTN - nhiệm vụ tất yếu

Kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng. Đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh Bình Phước qua nhiều kỳ đại hội từ khi tái lập tỉnh đến nay. Qua đó đã góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nhiều doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị, từ đó kéo theo khu vực KTTN cũng đang dần bộc lộ những biểu hiện bất cập, dẫn đến ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tranh chấp về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội thường xuyên xảy ra. Trong thực tế đã có không ít trường hợp mâu thuẫn trong doanh nghiệp không được lãnh đạo giải quyết kịp thời, trở thành điểm nóng về an ninh trật tự và an toàn xã hội. Từ thực tế đó, làm sao để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, giúp cho khu vực kinh tế này phát triển đúng định hướng thực sự là vấn đề đặt ra hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu. Như vậy, công tác vận động thành lập tổ chức đảng, đoàn thể và kết nạp đảng viên mới trong doanh nghiệp đặt ra cho cấp ủy các cấp, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thực hiện theo 2 hướng: Một là, từ phong trào công nhân và người lao động; hai là từ chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, đội ngũ cốt cán trong doanh nghiệp. Khi xác định đúng hướng, đúng mục tiêu thì công tác vận động thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, thành lập tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp mới đúng bản chất của giai cấp công nhân và người lao động phù hợp với tình hình hiện nay, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có 40 tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN, với 297 đảng viên (trong đó có 1 đảng bộ cơ sở, 25 chi bộ cơ sở, 14 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn). Có 415 tổ chức công đoàn với 68.934 đoàn viên; 55 tổ chức đoàn thanh niên với 2.535 đoàn viên; 38 tổ chức hội liên hiệp thanh niên với 350 hội viên trong các đơn vị KTTN; 14 tổ chức hội phụ nữ với 291 hội viên phụ nữ các đơn vị KTTN.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Trong suốt các nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để chỉ đạo phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị KTTN; gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) nhằm tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp về việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trên thực tế, thời gian qua, đa phần DNTN và các đơn vị KTTN trên địa bàn tỉnh mới chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, doanh thu. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Thậm chí có chủ doanh nghiệp không muốn người lao động đứng trong hàng ngũ của Đảng vì sợ ảnh hưởng đến thời gian làm việc, không bảo đảm ngày công lao động, kết quả sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, công nhân, người lao động trong doanh nghiệp phần vì lo tìm kiếm cuộc sống ổn định và gần như chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà chưa thực sự quan tâm phấn đấu trở thành đảng viên, thậm chí một số còn có ý nghĩ vào Đảng để làm gì. Trong khi sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn cho công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng. Một yếu tố nữa là hầu hết DNTN trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, dẫn đến các chỉ tiêu về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên chưa đạt. Nhiều doanh nghiệp có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ theo quy định Điều lệ Đảng nhưng chủ DNTN lại không muốn thành lập chi bộ.

Và những giải pháp

Trong thời gian tới, để củng cố, phát triển tổ chức đảng, tăng cường kết nạp đảng viên nói chung và trong DNTN nói riêng đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN; đồng thời hoàn thành chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra trong công tác phát triển đảng và thành lập tổ chức đảng trong DNTN; các cấp ủy đảng trong tỉnh cần:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, tổ chức chính trị - xã hội, chủ doanh nghiệp, người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn mới. Đối với những doanh nghiệp FDI cần tuyên truyền trên các tài liệu thông tin, hoạt động đối ngoại để các chủ doanh nghiệp nước ngoài hiểu rõ quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước, của tỉnh về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong DNTN. Từ đó giúp họ hiểu và ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Phải khẩn trương tìm các giải pháp khắc phục ngay tình trạng, vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên các cấp hiện nay, vì trên thực tế có nơi, có lúc chưa được phát huy triệt để. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động còn bất cập. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng đảng ở một số tổ chức đảng, đảng bộ, địa phương còn hạn chế, thiếu nhạy bén dẫn đến còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện các hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, từ đó kéo theo những hạn chế trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp. Mặt khác, kinh phí hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp còn hạn hẹp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp.

Khắc phục tình trạng sự lãnh đạo, hướng dẫn của nhiều cấp ủy cấp trên đối với hoạt động của tổ chức đảng trong DNTN chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều nơi chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung sinh hoạt đảng, nghiệp vụ công tác đảng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp. Việc gặp gỡ, tiếp xúc với chủ doanh nghiệp chưa thực chất, còn có tình trạng cấp ủy “khoán trắng” cho cơ quan thường trực nên kết quả tuyên truyền, vận động còn hạn chế, thiếu sức thuyết phục. Nhiều doanh nghiệp còn viện nhiều lý do để từ chối gặp gỡ, tiếp xúc với cấp ủy. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhà nước tại địa phương nơi có trụ sở doanh nghiệp với tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp còn mang nặng hành chính, còn nhiều khoảng cách kết nối trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ công nhân, chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân lao động thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Phải xác định cho các chủ doanh nghiệp nhận thức rõ hoạt động đảng ở doanh nghiệp là đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với DNTN, tuyên truyền luật pháp, cơ chế, chính sách đối với người lao động. Hoạt động của Đảng là bảo vệ quyền lợi của DNTN, người lao động nhằm giúp doanh nghiệp phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên hiểu và thông suốt về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong đơn vị KTTN. Đồng thời, tìm biện pháp hữu hiệu, phù hợp nhất, sao cho công tác giáo dục, thuyết phục, động viên người lao động trong các DNTN, đơn vị KTTN trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các đối tượng đang là chủ doanh nghiệp hiểu và chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước.

Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai, quán triệt Chỉ thị 33 nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, chủ DNTN và người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể nhân dân trong đơn vị KTTN là mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng những người lao động có ý thức, có kỷ luật, có ý chí độc lập, tự chủ, chủ động tích cực trong lao động, sản xuất, phát huy tối đa nội lực để mang lại hiệu quả và hiệu suất lao động cao nhất cho xây dựng và sự phát triển hưng thịnh của doanh nghiệp trong tương lai chứ không phải là sự ràng buộc đối với doanh nghiệp.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136427/nhung-yeu-to-anh-huong-den-phat-trien-to-chuc-dang-va-dang-vien-trong-doanh-nghiep-tu-nhan