Những yếu tố cản trở nỗ lực phân phối vắc xin đậu mùa khỉ ở châu Phi

Trang Nation của Kenya dẫn lời giáo sư tiêm chủng học Anna-Lise Williamson (Đại học Cape Town) chỉ ra những yếu tố cản trở nỗ lực phân phối vắc xin đậu mùa khỉ ở châu Phi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế với đậu mùa khỉ lần thứ 2 trong vòng 2 năm. Căn bệnh từ Cộng hòa Dân chủ Congo lan sang vài nước láng giềng và chỉ trong vòng một tuần có hơn 1.400 ca mắc mới. Muốn ngăn chặn dịch bệnh phải dùng đến vắc xin.

Vắc xin cũ

Vi rút gây đậu mùa khỉ cùng họ với vi rút gây đậu mùa thông thường. Bên cạnh hai loại này, nhóm vi rút orthopox còn có không ít loại lây nhiễm cho người như vi rút gây đậu mùa bò, vi rút gây đậu mùa lạc đà, vi rút vaccinia.

Vắc xin đậu mùa thông thường cung cấp khả năng bảo vệ với cả đậu mùa khỉ (hai chủng Clade 1 cùng Clade 2). Đậu mùa thông thường bị xóa sổ trên toàn thế giới vào năm 1980 nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.

Đợt tiêm chủng đậu mùa thông thường ở châu Phi diễn ra gần đây nhất là khoảng năm 1980. Như vậy nhóm dân số trẻ tuổi tại lục địa đen chưa được tiêm vắc xin, dễ nhiễm cả đậu mùa thông thường lẫn đậu mùa khỉ.

Vắc xin đậu mùa thông thường loại cũ dựa trên vi rút vaccinia, thường gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Chiến dịch tiêm chủng định kỳ không còn nữa, nhưng do lo sợ nguy cơ dịch tái bùng phát hoặc vi rút bị dùng làm vũ khí sinh học nên nhiều quốc gia tích trữ vắc xin. Chẳng hạn Mỹ sở hữu lượng vắc xin đủ để đảm bảo mỗi người dân đều an toàn trước đậu mùa thông thường.

Vắc xin mới

Giờ đây đã xuất hiện vắc xin thế hệ mới an toàn hơn. Hai trong số đó là Jynneos (Mỹ) và Imvanex (châu Âu) được phân phối rộng rãi trong đợt dịch đậu mùa khỉ năm 2022. Tuy nhiên chúng không hoàn hảo: thời gian bảo vệ không dài, chưa thể dùng cho trẻ em, đắt đỏ và nguồn cung ít. Ngoài hai loại trên, một vắc xin mới vừa ra mắt có thể tiêm cho trẻ em là LC16.

Yếu tố cản trở nỗ lực phân phối vắc xin ở châu Phi

Đầu tiên chính là giá. Năm 2022, công ty Bavarian Nordic bán Jynneos với giá 110 USD/liều. Quốc gia thu nhập thấp chẳng đủ tiền mua chúng nên chỉ chờ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt hỗ trợ.

Khi WHO phê duyệt, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cùng Liên minh Vắc xin toàn cầu (GVA) có thể triển khai mua sắm để cung cấp cho nước nghèo đang cần. Nếu muốn tăng tốc quá trình, Tổng thư ký WHO sẽ kích hoạt cơ chế đặc biệt giúp lấy từ bất cứ nguồn nào có sẵn cho tình huống khẩn cấp.

Nguồn cung hạn chế cũng cản trở nỗ lực phân phối. Mỹ, Canada, châu Âu với tài chính dồi dào mua lượng lớn vắc xin để kiểm soát nguy cơ đậu mùa khỉ bùng phát trong nhóm dân số nguy cơ cao.

Tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Phi Jean Kaseya cho biết lục địa đen cần đến 10 triệu liều vắc xin mới ngăn được dịch đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, việc cung cấp đủ vắc xin cho tất cả mọi người hoàn toàn bất khả thi, thay vào đó chỉ có thể triển khai chiến dịch tiêm chủng ưu tiên đối tượng dễ mắc bệnh nhất như nhân viên y tế, nhân viên phòng thí nghiệm, người có nhiều bạn tình, người tị nạn, trẻ em.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhung-yeu-to-can-tro-no-luc-phan-phoi-vac-xin-dau-mua-khi-o-chau-phi-223314.html