Những yếu tố tạo nên sức mạnh của hải quân Australia
Australia được đánh giá là có lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực Nam Thái Bình Dương, có khả năng thực hiện các chiến dịch trên toàn thế giới.
Hải quân Australia có nhiệm vụ đảm bảo tiến hành thắng lợi các hành động quân sự trong, ngoài vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế quốc gia; bảo vệ duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và giao thông trên biển; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trong nước và quốc tế.
Trong chiến lược xây dựng của mình, hải quân Australia chủ trương phát triển cân đối mọi binh chủng, nâng cao khả năng chiến đấu và khả năng tiến công của hạm đội.
Biên chế hiện có
Với biên chế 14.200 quân thường trực, 8.500 quân dự bị, hải quân Australia có khoảng 60 tàu chiến và tàu bổ trợ các loại. Trong đó có 6 tàu ngầm điện diesel lớp Collins, 1 tàu khu trục lớp Hobart, 8 tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac, 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Adelaide, 13 tàu tuần tra lớp Armidale, 6 tàu quét mìn lớp Huon, 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra...
Tàu ngầm điện diesel lớp Collins do Đức chế tạo, có lượng choán nước khi lặn 3.400 tấn và có tầm hoạt động tới hơn 21.000km. HMS Hobart là tàu chiến mạnh nhất của hải quân Australia. Tàu có chiều dài 147m, rộng 18,6m, lượng choán nước tiêu chuẩn 7.000 tấn. Tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, pháo hạm 127mm, 48 ống phóng thẳng đứng Mk41, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 2 cụm phóng ngư lôi và một số vũ khí phòng thủ khác.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac có lượng choán nước tiêu chuẩn 3.600 tấn. Tàu được trang bị đầy đủ vũ khí với khả năng tấn công và phòng thủ mạnh mẽ. Tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra có chiều dài 230m, rộng 32m, lượng choán nước tiêu chuẩn 27.000 tấn. Tàu có thể chở theo 110 xe thiết giáp, hơn 1.000 binh sĩ và 4 tàu đổ bộ xe tăng. Boong tàu đủ rộng cho 5 trực thăng hoạt động cùng lúc. Nhà chứa máy bay có thể mang theo 8 trực thăng, tối đa tới 18 chiếc.
Không quân của hải quân có 40 máy bay trực thăng, trong đó có 16 máy bay chống ngầm S-70B-2 Sea Hawk, 11 chiếc SH-2G (A) Super Sprite, 7 chiếc MK- 50A/B Sea King, 6 chiếc AS-350B, 3 chiếc 206B Kaiowa, và 2 chiếc HS-748 chuyên dùng làm nhiệm vụ huấn luyện và tác chiến điện tử. Để hỗ trợ tác chiến, hải quân có 71 chiếc tiêm kích/bom F/A-18 Hornet, 17 chiếc cường kích F-111C, 15 chiếc F-111G Harpoon, 4 chiếc trinh sát điện tử RF-111C và 18 chiếc máy bay tuần tiễu P-3C Orion II.
Hướng đi sắp tới
Hải quân Australia những năm tới vẫn tiếp tục hoàn thiện và phát triển đồng bộ tất cả các cơ cấu chủ yếu của nó như tàu ngầm, tàu nổi, tàu rải và quét mìn, tàu tuần tra... với việc nâng cấp vũ khí trang bị cho các loại tàu này. Đối với đội ngũ tàu ngầm, mục tiêu là tạo khả năng tham gia các chiến dịch đặc biệt và kéo dài tuổi phục vụ cho số tàu hiện có, đồng thời đóng mới thêm một số tàu. Hải quân Australia dự kiến mua thêm 3 tàu khu trục Hobart.
Số tàu còn lại, sẽ được trang bị thêm tổ hợp pháo cao xạ Vulcan-Phalanx, thiết bị đánh chặn tên lửa Nulka, tên lửa có điều khiển tầm gần Sea Sparrow cải tiến để tăng cường khả năng chống tên lửa đối hạm, thiết bị dò thủy lôi, tên lửa có cánh Harpoon và máy bay trực thăng SH-2G(A) Super Sprite. Hải quân Australia cũng đã thay thế toàn bộ ngư lôi Mk46 được trang bị cho đội ngũ tàu nổi, máy bay trực thăng S-70B2 Sea Hawk và máy bay trinh sát biển P-3C Orion.
Đội ngũ tàu rải/quét mìn phát triển theo 4 hướng: 1. Phát triển hệ thống tàu AMASS dùng để phát hiện, vô hiệu hóa các loại thủy lôi thả neo, thủy lôi thủy âm và thủy lôi từ tính; 2. Chế tạo tàu dò tìm/quét mìn kiểu Bay được trang bị hệ thống tìm-phá mìn Atlas MWS 80-5; 3. Xây dựng trung tâm chống mìn với chức năng điều phối các hoạt động rà phá thủy lôi; 4. Mua các loại thủy lôi đa năng để tạo một hàng rào thủy lôi bảo vệ cho tàu ngầm, tàu nổi và máy bay tuần tra.
Lực lượng tác chiến lưỡng thê của Hải quân Australia đã tiến hành cải tiến các tàu đổ bộ Newport thành tàu chở máy bay lên thẳng có thể mang 4 máy bay trực thăng vận tải kiểu Black Hawk hay 3 máy bay Sea King, 450 binh sĩ và 250 tấn hàng hóa, nhiên liệu. Hiện Australia đang thực hiện chương trình nâng cấp, kéo dài tuổi phục vụ đến 35 năm đối với xuồng đổ bộ kiểu Balikpapan và mua sắm một số loại xuồng kiểu mới.
Lực lượng tuần tiễu hải quân đang trong quá trình chuyển đổi đội xuồng Frimantle sang tàu tuần tiễu ven bờ kiểu thương mại Swwath với hành trình lớn hơn, vũ khí trang bị hiện đại hơn. Một số xuồng tuần tiễu loại nhỏ kiểu Pacific cũng nằm trong kế hoạch mua sắm.
Để hỗ trợ cho hải quân, Australia phát triển mạnh hệ thống cảnh báo sớm đòn đánh tên lửa vũ trụ, hoàn thiện hệ thống điều hành, hiện đại hóa các phương tiện tình báo trinh sát. Australia nằm trong số các quốc gia có một mạng lưới tương đối hoàn chỉnh các trạm ra-đa sau đường chân trời, các trạm quan sát địa tĩnh và các phương tiện theo dõi tàu mặt nước, tàu nổi trong một lãnh hải rộng lớn đến tận Indonesia.