Những yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc của người Sumba
Sumba là bộ tộc bản địa sống trên hòn đảo Sumba thuộc Indonesia. Bộ tộc Sumba được biết đến với nền văn hóa, tín ngưỡng truyền thống và các nghề thủ công độc đáo. Người Sumba đã sống trên đảo Sumba trong hàng nghìn năm nay với nền văn hóa phong phú được bảo tồn cùng các công trình kiến trúc cổ được giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay.
Đảo Sumba được mệnh danh là đảo gỗ đàn hương vì trên đảo có rất nhiều cây đàn hương. Việc buôn bán loại gỗ quý này phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 16 và 17, với số lượng lớn gỗ được xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc. Bộ tộc Sumba theo tôn giáo truyền thống của họ có tên gọi “Marapu” - tôn giáo này có sự pha trộn giữa thuyết vật linh, thờ cúng tổ tiên và Ấn Độ giáo. Người Sumba tin rằng linh hồn của tổ tiên tiếp tục dõi theo họ và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của bộ tộc. Đạo Marapu cho rằng con người cần có niềm tin vào cuộc sống và cuộc sống vẫn vĩnh cửu khi con người mất đi.
Bộ tộc Sumba còn có truyền thống kể chuyện, âm nhạc và khiêu vũ thường được sử dụng trong các nghi lễ. Trong các nghi lễ, người Sumba thường cúng tế các con vật như gà, lợn, trâu nước để cầu mùa màng bội thu. Người thủ lĩnh tinh thần trong cộng đồng bộ tộc Sumba có tên gọi là “Rato”. “Rato” chịu trách nhiệm tổ chức và cầu nguyện tại các nghi lễ; đồng thời “Rato” cũng có thể xem bói về tương lai, số phận.
Người Sumba nổi tiếng với các sản phẩm dệt may và nghệ thuật thêu. Các hình mẫu dệt trên quần áo của bộ tộc Sumba còn được các bảo tàng tại phương Tây sưu tầm và trưng bày như Bảo tàng Dệt may ở Thủ đô Washington D.C, Mỹ và Bảo tàng Anh ở Thủ đô London, Anh. Loại vải được sử dụng chủ yếu là vải có tên gọi “ikat” được dệt và nhuộm theo phương thức truyền thống. Màu nhuộm chủ yếu là màu chàm, đỏ, vàng từ hỗn hợp vỏ và rễ cây. Sau khi được nhuộm, các sợi chỉ thêu sẽ được kẹp vào khung dệt để dệt nên các hình thù khác nhau. Các họa tiết được in trên vải “ikat” cũng khác nhau theo từng vùng miền; ở phía Tây đảo Sumba, vải “ikat” được người Sumba in nhiều họa tiết hình học hơn; phía Đông đảo Sumba, người Sumba in vải có nhiều hình trang trí mang tính hình tượng như cảnh làng quê, động vật, sinh vật thần thoại, các nhân vật có ý nghĩa lịch sử hoặc tôn giáo. Trước đây, do quy trình sản xuất phức tạp, “ikat” là loại vải có giá trị cao và chỉ có những người có thu nhập cao trong cộng đồng Sumba mới có thể mua được.
Các loại vải này được may thành khăn choàng, quần áo thường ngày. Đàn ông Sumba thường mặc quần ngắn có tên gọi là “sarong” và đeo thắt lưng; đầu quấn dải khăn xếp có họa tiết. Phụ nữ Sumba cũng mặc quần “sarong”; tóc quấn quanh đầu.
Con ngựa là biểu tượng của địa vị. Ở khu vực nông thôn, bộ tộc Sumba vẫn sử dụng ngựa làm phương tiện di chuyển chính.
Phụ nữ Sumba đóng vai trò quan trọng trong gia đình và đóng góp đáng kể vào thu nhập của gia đình bằng các sản phẩm nông nghiệp, nhưng địa vị trong xã hội của họ khá thấp. Tại các dịp quan trọng trong gia đình, phụ nữ ít khi có tiếng nói. Ở một số vùng, phụ nữ Sumba không có quyền sở hữu tài sản.
Ngoài nghệ thuật dệt may, bộ tộc Sumba còn nổi tiếng với kiến trúc độc đáo. Những ngôi nhà truyền thống của bộ tộc có tên gọi Uma Mbatangu, được dựng bằng gỗ, tre và cỏ khô. Tường nhà được chạm khắc các bức tranh tinh xảo, mô tả các cảnh trong thần thoại và lịch sử của bộ tộc. Mái nhà thường được lợp bằng cỏ khô có tên gọi “alang” hoặc lá cọ tên gọi “lontar”.
Mặc dù có nền văn hóa phong phú, song bộ tộc Sumba phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khó khăn về kinh tế và suy thoái môi trường. Tuy nhiên, bộ tộc vẫn tiếp tục bảo tồn di sản và lối sống của họ, đồng thời truyền lại kiến thức và kỹ năng cho thế hệ tương lai.