Nhường căn phòng 3m2 cho con trai, mẹ già lầm lũi trong căn nhà rác
Thương con trai, bà Ba nhường căn phòng 3m2 cho con có chỗ sinh hoạt còn mình thì dựng tạm chiếc lán xung quanh đầy rác và phế thải lấy chỗ chui ra chui vào.
Chúng tôi có mặt tại căn nhà sập sệ của bà Trần Thị Ba (73 tuổi, Long Biên, Hà Nội) trong một buổi chiều Hà Nội đang chớm lạnh.
Bước vào nhu nhà ở phía sau chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), nơi mà người ta vẫn hay gọi là "khu ổ chuột" là những khu nhà lụp xụp, tiêu điều đã trở thành nơi cư trú của nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong đó có bà Ba và anh con trai thiểu năng trí tuệ.
Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là túp lều được dựng tạm để mẹ con bà lấy chỗ chui ra chui vào những lúc mưa gió. Xung quanh căn nhà chưa đầy 3m2 ấy được bao bọc toàn đồ bỏ đi, những túi rác, áo mưa rách...
Túp lều xiêu vẹo, dột nát, xung quanh lỉnh kỉnh áo mưa, đồ phế thải là nơi ở của bà Ba đã hàng chục năm nay
Trong nhà, cũng vẫn như mọi khi, anh Bình (con trai bà Ba) gương mặt ngờ nghệch cứ đi đi lại lại, hết trong nhà rồi lại luẩn quẩn ra vào.
Kể về gia cảnh của mình, bà Ba cho biết, bà quê gốc ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định. Vợ chồng bà lấy nhau rồi có 2 đứa con, 1 trai 1 gái. Cuộc sống nghèo khó, vất vả nhưng vợ chồng nương tựa nhau làm lụng nuôi con. Thế nhưng, không được may mắn, chồng bà lại mắc bệnh u não rồi qua đời sớm. Sau khi chồng qua đời, sức khỏe bà lại yếu, 3 mẹ con bà Ba được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng 1 thời gian sau thì trung tâm này bị giải thể. Lang bạt một thời gian, bà Ba đưa hai con về khu chợ Long Biên bươn chải kiếm sống.
Người con trai cả của bà là Nguyễn Văn Bình (SN 1985) cũng không được khôn ngoan như chúng bạn. Càng lớn Bình càng trở nên ngờ nghệch.
Còn cô con gái út là Nguyễn Thị Tý (SN 1990) vì không có điều kiện chăm lo cho con nên bà ngậm ngùi cho làm con nuôi khi Tý vừa tròn 5 tuổi.
Nhắc đến anh Bình, bà ngậm ngùi chia sẻ: “Cuộc sống vất vả tôi cũng cố gắng cho nó đi học cho bằng bạn bằng bè. Nhưng nó dốt quá, không học được gì. Có khi toàn bỏ học đi lang thang tôi phải khổ sở mới tìm được nó về. Đến giờ tôi đã già, sống gần hết cuộc đời rồi mà con trai vẫn cứ ngờ nghệch, lớn rồi nhưng nó có làm được gì đâu, chỉ loanh quanh ở nhà”.
“Công việc của tôi là nhặt phế liệu kiếm từng đồng sống qua ngày. Hằng ngày, cứ tầm 4h sáng khi chợ Long Biên gần tan thì tôi bắt đầu công việc, bới từng đống rác nhặt ve chai, giấy bìa gom lại rồi đưa về khu nhà.
Với công việc nhặt phế liệu tôi được trả công mỗi tháng 600 nghìn đồng. Số tiền đó cũng đủ để thi thoảng dẫn con đi mua cho nó bộ quần áo và mua thức ăn hai mẹ con sinh sống", bà Ba cho hay.
Cảnh góa phụ 1 mình nuôi con, bà Ba chỉ mong trời thương cho bà thêm sức khỏe. Còn sống ngày nào bà sẽ có gắng đi làm nhặt nhạnh thêm để mẹ con bà đỡ khổ. Nếu chẳng may lăn ra ốm, mẹ con bà sẽ không biết phải xoay xở ra sao.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nỗi niềm lớn nhất của người mẹ này chính là mong cho con trai có được ai đó thương cảm về sống chung nhà, chăm sóc cho nhau.
“Nay tôi cũng tuổi cao sức yếu rồi. Nhìn con nó như thế, lỡ tôi khuất núi không biết con cái sẽ ra sao nữa", bà Ba nói.
Trong không gian chật chội, anh Bình đã lớn nên bà Ba dành chỗ ở rộng 3m2 để anh Bình sinh hoạt. Bà không muốn con ở chỗ bẩn, khổ cực, chật chội. Còn về phần mình bà dựng tạm cái lán lấy chỗ chui ra chui vào những khi mưa gió, rét mướt. Xung quanh lán là lỉnh kỉnh những đồ đạc, chai lọ và phế thải.
“Ở đây sợ nhất lúc mưa gió, rét mướt. Có nhiều hôm mưa to ở trong nhà mà cứ ngỡ như ngoài trời, vẫn phải mặc áo mưa cho khỏi ướt đấy. Khổ mãi cũng thành quen”. Nói rồi, bà Ba lại lấy thêm mảnh áo mưa dắt vào những chỗ lán hở để che mưa.
"Tôi cũng mong một ngày nào đó được gặp lại con gái mình, vì cuộc sống quá khốn khó mà phải để con cho người khác nuôi. Tôi cũng không biết giờ này nó ở đâu, có còn nhớ người mẹ già này và oán trách gì tôi không ", bà Ba nghẹn lại khi nói về cô con gái.
Nghe những lời tha thiết của người mẹ già mà lòng mình như quặn lại. Cả cuộc đời của bà là chuỗi ngày cơ cực, nay đến tuổi xế chiều gánh nặng vẫn đeo đẳng cả trên vai lẫn trong tâm hồn của người mẹ luôn đau đáu về con.