Nhượng quyền khai thác cao tốc Bắc-Nam: Cần điều kiện hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư
Mặc dù Dự án cao tốc Bắc Nam đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng để tiến hành khởi công ở nhiều tỉnh nhưng công tác nhượng quyền khai thác đã được tính đến. Cụ thể, sau khi công tác xây dựng hoàn thành, Bộ GTVT sẽ nhượng quyền khai thác cả 8 dự án để thu hồi vốn nộp ngân sách Nhà nước. Song, một số chuyên gia cho rằng, phương án này khó khả thi.
Đã đạt 70% công tác giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, toàn bộ 11/11 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm lập phương án đền bù. Các địa phương đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng là 457,4km/653,6km đạt 70% (một số tỉnh đạt tỷ lệ cao hơn như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long).
Theo kế hoạch, các tỉnh sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý 2/2020. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT thừa nhận đến nay hầu hết các địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp; bồi thường đất ở đang ở giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt. Thậm chí, một số địa phương chưa thi công xây dựng khu tái định cư (Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang).
Khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất lớn, hiện mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời. Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, nếu các địa phương, các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ trong quý 2/2020.
Sau khi cao tốc Bắc-Nam xây dựng xong và đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện sẽ được phân lưu khiến nhà đầu tư BOT quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và phương án tài chính đã tính toán ban đầu và đương nhiên sẽ kéo dài thời gian thu phí.
Là đơn vị đã thực hiện đầu tư và đang thu phí hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Cầu Giát (Nghệ An) và dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy-tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh theo hình thức BOT, theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn CIENCO4, việc đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ phân lưu, ảnh hưởng đến phương án tài chính hoàn vốn của các dự án BOT này.
“Trong trường hợp áp dụng hình thức nhượng quyền thu phí, CIENCO4 đề nghị Bộ GTVT xem xét đến việc ảnh hưởng đến hợp đồng BOT đối với các dự án trên quốc lộ 1 để đảm bảo phương án hoàn vốn cho các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn CIENCO4”, ông Huỳnh đề xuất.
Nhượng quyền khai thác tuyến cao tốc chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam
Nhượng quyền khai thác là một hình thức hợp tác công-tư (PPP). Nhà đầu tư bỏ vốn và được nhận quyền khai thác tuyến đường để hoàn vốn. Thời gian thu phí kéo dài bao lâu là dựa trên cơ sở giá trị chuyển nhượng. Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, thời gian nhượng quyền khai thác thường kéo dài 25-30 năm.
Trước đó, VEC xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm: Nội Bài-Lào Cai; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Bến Lức-Long Thành; Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Đà Nẵng-Quảng Ngãi. 5 tuyến này dài 540 km, có tổng mức đầu tư lên tới 125.572 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án nào chốt được với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phó GS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, nhượng quyền khai thác 8 dự án cao tốc Bắc-Nam để thu hồi vốn nộp ngân sách Nhà nước từ các dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công như đề xuất của Bộ GTVT đó là kỳ vọng của Bộ. Mô hình nhượng quyền khai thác cũng là một loại hợp đồng của phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, ông cho rằng để thu hút nhà đầu tư vào các đối tượng này cũng cần có các điều kiện hấp dẫn.
Theo ông Chủng, nhà đầu tư phải nhìn thấy có lợi ích thông qua phương án tài chính để sẵn sàng đầu tư nguồn vốn, nhân lực, thiết bị, kỹ năng quản trị để ngoài viêc tập trung cho công tác quản lý vận hành an toàn tuyến cao tốc theo các tiêu chuẩn khắt khe, họ còn có nhiệm vụ rất quan trọng là bảo trì để tuyến đường không bị xuống cấp trong suốt thời gian của hợp đồng.
“Vì vậy, các tiêu chí sẽ được xem xét thận trọng. Ngoài tiêu chí quan trọng là lưu lượng xe, dự báo kinh tế phát triển khả quan của vùng, khu vực... điều các nhà đầu tư quan tâm là tính đồng bộ, liên thông của toàn tuyến cao tốc và đặc biệt là chất lượng của công trình đường cao tốc”, ông Chủng cho hay.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, một trong những lý do khiến các nhà đầu tư còn phải “xem xét” và vẫn còn lưỡng lự khi đưa ra quyết định đó là việc phần lớn các dự án đường cao tốc đưa vào khai thác thời gian vừa qua đều đội vốn rất lớn, ảnh hưởng đến phương án tài chính, thu hồi vốn. Các phương án này đều rất dễ làm nản lòng nhà đầu tư bởi “bỏ tiền chẵn, nhặt tiền lẻ” trong một thời gian dài luôn tiềm ẩn nhiều tủi ro.