Niềm an ủi trước khi qua đời của NSND Trần Phương - 'chàng A Phủ' trên màn ảnh Việt
Những năm tháng cuối đời, NSND Trần Phương về sống cùng cô con gái cả và mất tại nhà.
Đạo diễn Trần Phương Thủy – con gái của đạo diễn NSND Trần Phương thông báo ông vừa dời xa cõi tạm về cùng tiên tổ. Nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam qua đời vào sáng ngày 26-8 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 91 tuổi. Lễ viếng ông sẽ được gia đình tổ chức vào 14h30 ngày 30-8-2020 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội.
Hơn chục năm trở lại đây, người hâm mộ không còn được thấy đạo diễn NSND Trần Phương trên phim trường. Năm 2001 ông được trao tặng danh hiệu NSND. 6 năm sau, với các phim “Tội lỗi cuối cùng”, “Dòng sông hoa trắng” và “Hy vọng cuối cùng”, ông nhận giải thưởng danh giá – giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Cũng từ bấy đến nay, ông lui về ở ẩn vì không còn đủ sức khỏe để rong ruổi với niềm đam mê nghệ thuật. Quãng thời gian về già, sau khi người vợ của mình qua đời, NSND Trần Phương sống một mình trong căn nhà ở dốc Tam Đa gần hồ Tây. Vợ chồng ông có năm người con, 4 con gái và một cậu con trai nhưng người con trai duy nhất không may bị tai nạn qua đời.
Cách đây 4 năm, đạo diễn từng có thời gian sống trong một trung tâm dưỡng lão ở nội thành Hà Nội. Khi ấy, đạo diễn Phương Thủy từng chia sẻ, do NSND Trần Phương tuổi cũng cao, lại bị nhiều bệnh, từ tiểu đường đến huyết áp nên các con đều lo lắng khi không cận kề ở bên chăm sóc ông ngày đêm được, sợ ông ăn uống thất thường, không khoa học. Vả lại, để ông ở nhà một mình ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra mà không được cấp cứu kịp thời thì nguy hiểm. Thời điểm đó, bản thân chị có dịp nhiều lần tìm hiểu và cũng từng làm phim về trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Vì vậy, sau khi ông đồng ý thì gia đình gửi ông vào nơi đây để được các y tá, điều dưỡng chăm sóc ông chu đáo, cẩn thận.
Tuy nhiên theo chia sẻ từ nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sau một thời gian ở trung tâm dưỡng lão, NSND Trần Phương chuyển về sống cùng cô con gái cả cho tới khi qua đời. Vì thế nên ông mất tại nhà và ra đi trong vòng tay của các con.
NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên và được biết đến là một trong những gương mặt diễn viên tài năng kỳ cựu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam . Trong suốt cuộc đời hoạt động vì nghệ thuật của mình, NSND Trần Phương để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm với vai diễn A Phủ trong tác phẩm điện ảnh “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc. Hình ảnh chàng trai dân tộc người Mèo có số phận nghèo khổ và bất hạnh nhưng có khí chất, nghị lực sống phi thường cùng những phẩm chất cao đẹp.
Ngoài vai diễn này, ông cũng xây dựng nên tên tuổi của mình qua hàng loạt vai diễn khác như: anh Khoa trong phim “Chị Tư Hậu”, Khiêm trong “Tiền tuyến gọi”, Tiệp trong “Ngày lễ Thánh”, Lực trong “Truyện vợ chồng anh Lực”…Sau này khi chuyển sang làm đạo diễn phim, ông cũng gây tiếng vang khi dàn dựng nhiều tác phẩm đoạt giải cao. Không những thế, thời phim thị trường nở rộ, ông còn là tác giả của nhiều bộ phim ăn khách như: “SBC” (Săn bắt cướp), “Vụ án hồ con rùa”, “Tình ngỡ đã phôi phai”, “Hai năm nữa anh về”…
Khi còn sống, NSND Trần Phương từng tâm sự, ông bén duyên phim ảnh khi không được đào tạo bài bản vì thời bấy giờ chưa có trường lớp điện ảnh nào. Tuy nhiên ông may mắn được học theo học một người thầy mê sân khấu và hay tổ chức các buổi diễn nên cho ông làm diễn viên. Sau này, ông có cơ may được nhà thơ Thế Lữ dạy thêm về sân khấu, rồi dần dà tự mày mò tìm hỏi thêm về phim ảnh. Với ông, làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó thì tự khắc nó sẽ ngấm vào máu mình lúc nào không biết.
Nhắc đến A Phủ - vai diễn đầu tiên đưa mình đến với môn nghệ thuật thứ Bảy, NSND Trần Phương cho biết, ông vẫn nhớ như in ngày đó thù lao cho mỗi thước phim là được 6 xu và đó là cái thuở ban đầu đáng nhớ nhất. Ngày đó đi làm phim vất vả nhưng rất vui, nhờ vào vai này mà ông có dịp sống với người Mông cả năm, gắn bó và thân thuộc đến mức có thể nói được cả tiếng Mông, hiểu rõ phong tục tập quán của họ.
Nói về việc chuyển qua làm đạo diễn, NSND Trần Phương cho biết lý do chỉ đơn giản là vì “làm diễn viên mãi cũng chán nên chuyển qua làm đạo diễn”. Ngay ở bộ phim đầu tiên do mình làm đạo diễn, ông đã giành được giả Bông Sen Bạc kiêm giải đạo diễn xuất sắc nhất. Ngày đó, ông mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giúp làm nhạc cho phim, còn bản thân ông cùng một số cộng sự khác còn vào tận trong trại cải tạo, sống cùng các phạm nhân để hiểu về đời sống của họ.