Niêm cất, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật bằng công nghệ vật liệu mới

Niêm cất, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) nhằm dự trữ, duy trì tình trạng kỹ thuật tốt là yêu cầu thường xuyên và cấp thiết. Hơn 10 năm trở lại đây, triển khai các chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết 382 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về 'Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới', ngành kỹ thuật toàn quân đã tạo được những kết quả tiến bộ, trong đó có công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ (KHCN) phục vụ niêm cất, bảo quản VKTBKT.

Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật đánh giá: Những năm qua, toàn quân đã chủ động, nỗ lực cao và tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN vào niêm cất, bảo quản VKTBKT, tạo được bước phát triển mạnh mẽ ở các chuyên ngành kỹ thuật. Các quân chủng: Phòng không-Không quân, Hải quân cùng với tiếp nhận, huấn luyện làm chủ khai thác VKTBKT mới, hiện đại đã đồng thời tiến hành niêm cất, bảo quản tốt VKTBKT, vật tư kỹ thuật để dự trữ, sẵn sàng cho các nhiệm vụ. Cụ thể như niêm cất tên lửa đất đối hải, tên lửa phòng không, các trang bị, khí tài đồng bộ, xe bệ phóng, ra-đa…

Cán bộ Cục Kỹ thuật Quân đoàn 1 kiểm tra nhân viên Đại đội Kho 56 bảo dưỡng đạn tên lửa chống tăng trước khi niêm cất.

Tổng cục Kỹ thuật chỉ đạo Cục Kỹ thuật Binh chủng triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào bảo quản, niêm cất tên lửa, khí tài đặc chủng và xe tăng, thiết giáp. Đại tá, TS Nguyễn Đức Thanh, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng cho biết: Toàn cục đã triển khai một số nội dung nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu bao gói, màng túi bảo quản bảo đảm độ bền, khả năng kín khít, chống được thẩm thấu ẩm để nâng cao hiệu quả cách ly với môi trường. Cục chỉ đạo ngành sử dụng màng bao gói tích hợp các chất khử khí ăn mòn ở dạng nano trong vật liệu PVC, PE, PP; nghiên cứu thiết kế các loại hòm hộp, container để bảo quản niêm cất trang bị, khí tài cho các tổ hợp tên lửa; nghiên cứu tổng hợp các phụ gia tiên tiến nhằm nâng cao tính năng, kéo dài thời hạn sử dụng các loại dầu, mỡ bảo quản... Các đơn vị đã áp dụng niêm cất thử nghiệm dài hạn bệ phóng tên lửa 9P117M1E, pháo tự hành SU-122, SU-152, tên lửa chống tăng B72 ở môi trường biển, đảo. Qua đó có thể khẳng định: Phương pháp niêm cất bịt kín dùng silicagel hút ẩm cho các loại VKTBKT tên lửa-khí tài đặc chủng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, giảm tốc độ xuống cấp và có hiệu quả kinh tế tốt. Cục Kỹ thuật Binh chủng còn dùng vật liệu hấp thụ khí ăn mòn để niêm cất dài hạn các tổ hợp tên lửa. 3 năm (2015-2017), các đơn vị tên lửa, khí tài đặc chủng đã niêm cất hàng chục nghìn lượt VKTBKT, trong đó 100% tên lửa P28, P28M đã được niêm cất dài hạn trong túi hút ẩm hoàn lưu.

Để bảo quản đạn dược, Cục Quân khí đã thiết kế, lắp đặt dây chuyền chế tạo ống giấy bảo quản theo công nghệ tiên tiến tại Xưởng X260, chất lượng sản phẩm tương đương ngoại nhập, phù hợp với điều kiện nước ta. Cục Quân khí còn triển khai ứng dụng công nghệ nano vào quy trình nhuộm đen vũ khí và xử lý hòm hộp đạn dược chống mối mọt, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa hạn chế độc hại, bảo vệ sức khỏe nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Binh chủng Pháo binh chỉ đạo ngành kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng nhiều sản phẩm KHCN mới vào bảo quản, niêm cất dự trữ VKTBKT pháo binh. Cụ thể, đã áp dụng kết quả đề tài nghiên cứu quy trình niêm cất dài hạn tổ hợp tên lửa mặt đất R17E; đề tài đánh giá sự tác động của môi trường nhiệt đới ẩm với VKTBKT và niêm cất nhiên liệu O. Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công triển khai nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị bảo quản khí tài quang học TUKT-08 trang bị cho các đơn vị đặc công. Thiết bị TUKT-08 cất chứa, bảo quản được tất cả các loại khí tài quang học có trong biên chế, như ống nhòm, ống nhòm nhìn đêm, các loại kính ngắm bắn ban đêm, đèn tác chiến ngày-đêm…

Viện Hóa học-Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) và Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga trong những năm qua đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm KHCN phục vụ bảo quản, niêm cất VKTBKT. Một số sản phẩm điển hình của Viện Hóa học-Vật liệu đã được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016, như: Dung dịch biến tính gỉ tạo màng lót BTG; dung dịch véc-ni VĐ bảo vệ bề mặt; màng hấp thụ khí ăn mòn KT-11-21. Dung dịch BTG sử dụng trong quy trình bảo quản, sửa chữa và phục hồi đạn dược. Véc-ni VĐ dùng để bảo vệ bề mặt đạn dược và vũ khí. Màng KT-11-21 sử dụng phù hợp cho các vũ khí, trang bị nhỏ và nhẹ. Các sản phẩm KHCN trên đã ứng dụng thử nghiệm trên đạn pháo phòng không 37mm, 57mm, cụm trang bị đạn-kính ngắm-đài điều khiển tên lửa B72 trong các điều kiện vùng miền khí hậu khác nhau. Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã nghiên cứu, sản xuất một số vật liệu niêm cất, bảo quản VKTBKT, như: Dầu súng VN.BO; dầu bảo quản động cơ VN.K17; mỡ bảo quản VN.PVK; mỡ bảo quản chịu mặn VN.AMC; mỡ cáp VN-39Y; chất chống lão hóa cao su AO-1; sơn Bitum BT-97; ma-tít bịt kín MT-97… Những sản phẩm KHCN trên đã góp phần giúp Quân đội ta chủ động vật tư cho niêm cất, bảo quản VKTBKT, đáp ứng yêu cầu dự trữ, bảo đảm trang bị VKTBKT cho SSCĐ, huấn luyện và các nhiệm vụ khác.

Bài và ảnh: GIANG ĐỨC HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/niem-cat-bao-quan-vu-khi-trang-bi-ky-thuat-bang-cong-nghe-vat-lieu-moi-517337