Niềm đam mê được bay của nữ phi công đầu tiên điều khiển tàu con thoi NASA

Đam mê máy bay từ nhỏ, bà Eileen Collins không chỉ nỗ lực để trở thành phi công lái thử nghiệm của Không quân Mỹ, mà còn là nữ phi công đầu tiên điều khiển tàu con thoi của NASA.

Lời tòa soạn:

Phụ nữ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới. Nhiều phụ nữ đã được vinh danh nhờ nghị lực, sự dũng cảm, và ý chí kiên cường khi hoạt động trong môi trường vốn do nam giới thống trị. Dưới đây là chân dung những nữ quân nhân đã ghi dấu ấn khó phai trong quân đội các nước.

Bài 1: Dấu ấn trong quân đội của Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Bài 2: ‘Quý bà Tử thần’ tiêu diệt hơn 300 lính Đức trong Thế chiến thứ Hai

Bà Collins đi vào lịch sử Không quân Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khi lần đầu tiên điều khiển tàu con thoi Discovery vào năm 1995. Tới năm 1999, bà trở thành nữ chỉ huy tàu con thoi đầu tiên trên tàu Columbia. Tổng cộng, bà đã có 38 ngày 8 giờ ở ngoài không gian, thực hiện 4 chuyến bay trên các tàu con thoi Discovery năm 1995, Atlantis năm 1997, Columbia năm 1999, và Discovery năm 2005.

Bà từng được trao tặng nhiều huy chương, phần thưởng, danh hiệu cao quý của Mỹ, và một số quốc gia khác. Bách khoa toàn thư Britannica từng chọn bà Collins là 1 trong 300 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất đến lịch sử nhân loại.

Bà Collins sinh ngày 19/11/1956 ở New York. Bà yêu thích máy bay từ nhỏ. Ở tuổi 19, nhờ số tiền tiết kiệm từ công việc bán thời gian, bà đã đăng ký khóa học lái máy bay. Bà tốt nghiệp cử nhân toán và kinh tế tại Đại học Syracuse vào năm 1978. Sau đó, bà trở thành một trong 4 phụ nữ đầu tiên được nhận vào Chương trình Đào tạo Phi công tại Căn cứ Không quân Vance ở Oklahoma. Năm 1979, bà trở thành nữ huấn luyện viên bay đầu tiên của Không quân Mỹ. Trong 11 năm sau đó bà vừa dạy lái máy bay và dạy toán.

Với tư cách là chỉ huy máy bay vận tải C-141 Starlifter, năm 1983, bà Collins từng tham gia vận chuyển quân đội và sơ tán sinh viên y khoa, khi Mỹ tấn công Grenada, một quốc đảo ở Caribe nằm cách Venezuela 160km về phía bắc.

Bà tiếp tục được đào tạo tại Viện Công nghệ của Không quân Mỹ, và trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên theo học Trường Phi công Thử nghiệm của Không quân Mỹ, nơi bà tốt nghiệp năm 1990. Cuối cùng, bà đạt được cấp bậc Đại tá trong Không quân Mỹ.

Được chọn làm phi hành gia vào năm 1990, bà Collins trở thành nữ phi công đầu tiên trên tàu con thoi Discovery vào tháng 2/1995. Với hàng trăm giờ trong không gian, bà Collins trở thành người phụ nữ đầu tiên chỉ huy sứ mệnh tàu con thoi vào tháng 7/1999, đưa tàu Columbia vào quỹ đạo Trái đất để triển khai Đài quan sát tia X Chandra.

Sau khi tàu Columbia bị phá hủy trong chuyến bay vào tháng 2/2003, toàn bộ phi đội tàu con thoi buộc phải dừng hoạt động cho đến tháng 7/2005. Trong năm 2005, bà Collins đã chỉ huy tàu Discovery thực hiện sứ mệnh thử nghiệm các sửa đổi an toàn mới, và tiếp tế cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Bà Collins nghỉ hưu trong lực lượng Không quân Mỹ vào năm 2005, và ở NASA năm 2006.

Chia sẻ với tờ Time, bà Collins từng nói: "Không quân Mỹ đang kiểm tra xem phụ nữ có thể thành công với vai trò phi công quân sự hay không. Mọi người đều biết chúng tôi là ai, công việc cá nhân, điểm kiểm tra, và hiệu suất các chuyến bay. Triết lý của tôi là trở thành phi công giỏi nhất mà bản thân có thể”.

Trên thực tế, quy định chỉ tuyển phi hành gia từ phi công quân đội Mỹ đã khiến phụ nữ không thể tham gia các sứ mệnh vũ trụ trước năm 1978. Theo Forbes, vào năm 1978, NASA mới bắt đầu tiếp nhận, và huấn luyện phi hành gia nữ, bởi quy định trước đó chỉ tuyển phi công quân sự là nam giới. Cũng chính năm này, bà Collins trở thành một trong 4 phụ nữ đầu tiên được nhận vào chương trình đào tạo phi công.

Trong khi đó, phải đến năm 1993, Bộ Quốc phòng Mỹ mới nới lỏng quy định cấm phụ nữ làm việc trong các vị trí chiến đấu của lực lượng Không quân.

Một số hình ảnh về bà Eileen Collins, nữ phi công đầu tiên điều khiển tàu con thoi của NASA:

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/niem-dam-me-duoc-bay-cua-nu-phi-cong-dau-tien-dieu-khien-tau-con-thoi-nasa-2291601.html