Niềm hạnh phúc bình dị

Từ khi nên duyên với nhau cách đây gần tròn 60 năm, vợ chồng ông Lê Bông (86 tuổi) và bà Lê Thị Xá (82 tuổi) ở địa chỉ 199 Tôn Thất Thuyết, thành phố Đông Hà vẫn bình dị bên nhau, cùng làm nghề sửa chữa xe đạp, xe máy làm kế sinh nhai và nuôi con nên người. Với họ, quãng thời gian gần trọn đời người ấy được sống đam mê với nghề, được thầm lặng chia sẻ vui buồn với nhau ấy cũng là niềm hạnh phúc vô bờ.

 Gần trọn cuộc đời vợ chồng ông Bông -bà Xá sống bình dị bên nhau và bền bỉ gắn với nghề sửa xe máy, xe đạp ở thành phố Đông Hà

Gần trọn cuộc đời vợ chồng ông Bông -bà Xá sống bình dị bên nhau và bền bỉ gắn với nghề sửa xe máy, xe đạp ở thành phố Đông Hà

Mấy chục năm nay, hình ảnh vợ chồng ông Bông, bà Xá lấm lem dầu mỡ nhưng luôn vui vẻ thầm lặng với công việc sửa xe đạp, xe máy cho khách tại góc quán nhỏ tên Bông ở đường Tôn Thất Thuyết đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố Đông Hà. Trong gian quán nhuốm màu xưa cũ, dù trời nắng hay mưa và hầu như ít có thời gian ngắt quảng, gần 60 năm nay ông bà vẫn quen tay với công việc sửa xe của mình. Cả hai vợ chồng đều đã bước qua tuổi 80 nhưng trông vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, chỉ có ông Bông là đến nay đã lãng tai khá nặng.

“Mỗi khi khách đưa xe đến sửa, tôi phải hỏi bệnh của xe rồi ra dấu báo cho ông biết và làm luôn việc tính tiền khi xong việc. Dù tai đã lãng nhưng ông ấy làm tốt công việc như hồi xưa đến chừ”, bà Xá vừa cùng chồng thoăn thoắt tháo bánh chiếc xe đạp, vừa nói. Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng ông bà vẫn chọn miệt mài với công việc, mong muốn kiếm thêm thu nhập để phụ giúp cho con cháu. Dù hai ông bà đã lớn tuổi nhưng ngày ngày họ vẫn sửa xe cho khách. Hàng trăm khách hàng quen thuộc vẫn tin cậy đến quán “ông Bông, bà Xá” để sửa xe. “Khách của vợ chồng tui hầu như quen mặt, ở khắp cái thành phố này. Hồi trước khỏe mạnh thì sửa chữa nhiều hơn, nhận việc nhiều hơn. Nay sức khỏe có phần sút giảm nên cũng chỉ làm đều đều, túc tắc, kiếm thêm thu nhập để dưỡng già và lâu lâu phụ giúp cho con, quà bánh cho cháu chắt. Làm nghề ở tuổi này cũng chủ yếu là lấy làm niềm vui tuổi già chứ không quan trọng thu nhập như hồi trước”, bà Xá vui vẻ nói thêm.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc khách lại dắt xe vào sửa, người thì vá xe, thay lốp, thay nhớt, xử lí máy hỏng hóc, rồi mấy em học sinh sửa xe đạp… và ông bà lại luôn tay với công việc quen thuộc của mình. Tranh thủ vãn khách, bà Xá cho hay, năm 12 tuổi ông Bông đã thích học nghề sửa xe. Ban đầu, ông học lén ở các quán, một thời gian sau mới mạnh dạn đi học nghề. Có nghề rồi, ông quyết định ra thị xã Quảng Trị mở quán sửa xe thì gặp bà Xá, tình cảm cũng chớm nở. Năm 1975, từ quê ông ở thị xã Quảng Trị, ông Bôngbà Xá quyết định ra Đông Hà mở quán sửa xe ở số 199 Tôn Thất Thuyết, phục vụ nhu cầu sửa xe cho người dân ở đây và trung thành gắn bó với địa điểm này cho đến tận bây giờ. Đã 44 năm qua, người dân Đông Hà đã quá quen với hình ảnh hai ông bà kề cạnh cùng nhau nhẫn nại sửa xe cho khách. Lúc đầu quán của ông bà chỉ sửa xe đạp, sau sửa thêm xe máy. Bà Xá cười bảo, trước đây chưa từng nghĩ bà có thể sửa xe cùng ông, như hai người thợ thực thụ.

Bà kể lúc ấy chỉ muốn ở cạnh ông, nên ban ngày ông sửa xe thì bà bán nước giải khát. Về sau, chính tình yêu nghề nơi ông đã khiến bà quyết định cùng ông gắn bó với nghề này. Bà tâm sự, lúc ấy cuộc sống chật vật, để kiếm được cái nghề kiếm sống rất khó khăn nên bà không ngần ngại để ông chỉ dạy để làm nghề, dù mọi người xung quanh khuyên can bà nên chọn việc khác nhẹ nhàng, sạch sẽ hơn…Lúc mới mở quán sửa xe, có nhiều người đến nhận làm học trò của ông bà để học nghề sửa xe. Cũng vào thời điểm này, ông Bông đi làm HTX, không nhận học trò nữa, lúc ấy quán sá một tay do bà Xá tiếp quản. Một mình bà, thân gái yếu đuối nhưng bà vẫn làm tốt các công việc ở quán thay ông và được mọi người hết lời khen ngợi. Một thời gian sau, ông nghỉ việc HTX trở lại nghề sửa xe với bà và gắn bó cho đến tận bây giờ. Bà Xá nói hiện nay thu nhập từ quán sửa xe không ổn định, ngày cao lắm được 200.000 đồng. Những ngày ít khách hơn, thu nhập chỉ vừa đủ để trang trải thuốc thang, chi phí sinh hoạt hai vợ chồng. Gắn bó với công việc này đã lâu, ông bà bảo kiếm được tiền cảm thấy vui, thi thoảng có việc cần cũng có chút ít để cho con, cho cháu. Ý nghĩa nhất là có tiền để động viên cháu chắt lúc học hành, thi cử.

Sống dung dị bên cạnh nhau, hai ông bà có thói quen cùng nhau thức dậy sớm để tập thể dục. Sau đó, ông quét nhà, bà giặt quần áo. Mỗi người một tay lo việc nhà rồi ông bà ra mở quán sửa xe, cùng ăn sáng để bắt đầu ngày làm việc mới. Ông bà có với nhau 8 mặt con, có 45 cháu nội, ngoại, chắt. Con cháu vì thương ông bà vất vả, nhiều lần can ngăn ông bà ở nhà, giữ gìn sức khỏe nhưng đã quen với công việc, thấy vận động tay chân cũng giúp khỏe người nên không làm theo ý con cháu mà tiếp tục gắn bó với nghề. “Có lẽ nghề đã vận vào cuộc đời rồi, cứ nghỉ là thấy bồn chồn, nhớ quán, nhớ khách. Cũng mong trời cho sức khỏe để còn mở quán, sửa xe cho khách. Ấy cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của vợ chồng già tui”, bà Xá bộc bạch.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142097