Muhammad Yunus - người mang hy vọng kiến tạo hòa bình cho Bangladesh

Muhammad Yunus, một nhân vật có công xóa đói giảm nghèo - người đã giành Giải Nobel Hòa bình, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ lâm thời mới hôm 7/8.

Bangladesh đang đặt hy vọng vào một trong những trí thức được ca ngợi nhất của quốc gia này để mang lại sự ổn định cho một đất nước đang bị tổn thương bởi các cuộc biểu tình và biến động chính trị.

Ông Muhammad Yunus. Ảnh: Bloomberg

Ông Muhammad Yunus. Ảnh: Bloomberg

Muhammad Yunus, một nhân vật có công xóa đói giảm nghèo - người đã giành Giải Nobel Hòa bình, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ lâm thời mới hôm 7/8 sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ nhiệm và rời khỏi đất nước. Mặc dù hầu như không tham gia chính trường, ông Yunus là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất ở Bangladesh và có ảnh hưởng đáng kể với giới tinh hoa phương Tây.

Phục hồi trạng thái bình thường cho Bangladesh sẽ không phải là một chiến công nhỏ đối với ông Yunus. Trong vài tuần qua, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và nhân viên an ninh đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, một trong những vụ bạo lực tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Á này. Và trong khi Thủ tướng Hasina đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo thông qua xuất khẩu hàng may mặc, thì tăng trưởng kinh tế gần đây đã đình trệ ở Bangladesh, khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải can thiệp bằng các quỹ cứu trợ.

Việc bổ nhiệm ông Yunus do quân đội hậu thuẫn để tạm thời lãnh đạo Bangladesh là một bước ngoặt đáng chú ý đối với nhà kinh tế học này. Trong vài năm qua, ông Yunus đã dành phần lớn thời gian trong phòng xử án của Dhaka, đấu tranh với khoảng 200 cáo buộc và các cộng sự, bao gồm các cáo buộc rửa tiền và tham nhũng. Ông và những người ủng hộ cho biết chính phủ của bà Hasina đứng sau áp lực pháp lý và có lẽ coi ông là mối đe dọa đối với quyền lực.

Cân bằng quyền lực

Nhà kinh tế 84 tuổi được biết đến nhiều nhất với việc thành lập Ngân hàng Grameen và tiên phong trong lĩnh vực tín dụng vi mô — cung cấp các khoản vay kinh doanh nhỏ cho những người nghèo nhất thế giới, hầu hết là phụ nữ.

Dù vậy, chính trị đối với ông chủ yếu vẫn là một lĩnh vực chưa được khám phá. Năm 2007, chính phủ Bangladesh đã tan rã và quân đội lên nắm quyền. Ông Yunus, chưa bao giờ ra tranh cử, từng cân nhắc việc thành lập một đảng mới, nhưng cuối cùng đã hủy bỏ ý tưởng này chỉ sau vài tuần.

Ông Yunus mang sức mạnh của một ngôi sao vào vai trò này và là sự lựa chọn phổ biến của nhiều chính phủ phương Tây. Những người ủng hộ ông trải dài trên nhiều ngành công nghiệp và châu lục. Trong nhiều năm, ông đã vun đắp tình hữu hảo với các hoàng gia châu Âu, những ông trùm kinh doanh như Richard Branson và gia đình Clinton, những người hỗ trợ ông mở rộng các sáng kiến tín dụng vi mô sang Mỹ. Những người thân cận khẳng định, ông là một người có tầm nhìn xa với cam kết thực sự với Bangladesh và nâng cao đời sống của người nghèo.

“Ông ấy là tiếng nói của những người bị bỏ lại phía sau,” Paul Polman, cựu giám đốc điều hành của Unilever Plc cho biết. “Ông ấy là một nhà lãnh đạo có đạo đức. Ông ấy không phải là người thích nói về bản thân mình".

Điều đó khiến ông được nhiều người dân Bangladesh tín nhiệm, bao gồm cả quân đội, vốn từng ủng hộ ông trong lần đầu tiên tham gia chính trường. Sau khi giành giải Nobel Hòa bình năm 2006, hàng nghìn người Bangladesh đã tụ tập tại các địa điểm để nghe ông phát biểu.

Trong thập kỷ qua, ông Yunus đã tập trung vào việc mở rộng hàng chục doanh nghiệp xã hội, bao gồm cả những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, đào tạo nghề và dịch vụ điện thoại cho những người Bangladesh nghèo.

Liệu nhà kinh tế này có chủ đích chuyển hướng sang chính trị hay chỉ đơn giản là lấp đầy khoảng trống trước khi cuộc bầu cử được tổ chức hay không vẫn chưa rõ ràng. Khi đoàn người biểu tình tràn ngập đường phố Dhaka trong những tuần gần đây, ông Yunus đã lên tiếng phản đối bạo lực và mô tả cuộc đàn áp của Hasina là mối đe dọa đối với nền dân chủ — nhưng ông không đề cập đến tham vọng đảm nhận vai trò chính thức hơn trong việc định hình một chính phủ mới.

"Tôi không phải là chính trị gia," ông nói trong cuộc phỏng vấn đầu năm nay. "Đây là điều cuối cùng tôi sẽ làm".

Cẩm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/niem-hy-vong-cua-bangladesh.html