Niềm tin có đặt đúng chỗ?
Chuyện về Hoắc Tư đời Đông Hán năm 15 tuổi đã viết thư dâng lên Đại tướng quân Lương Thương, biện bạch cho Tống Quang - chú của mình. Thư có đoạn viết, Tống Quang mạo hiểm sửa đổi chiếu thư giống như ăn phụ tử (một loại thực vật độc) để đỡ đói, uống rượu độc để đỡ khát…
Chuyện về Hoắc Tư đời Đông Hán năm 15 tuổi đã viết thư dâng lên Đại tướng quân Lương Thương, biện bạch cho Tống Quang - chú của mình. Thư có đoạn viết, Tống Quang mạo hiểm sửa đổi chiếu thư giống như ăn phụ tử (một loại thực vật độc) để đỡ đói, uống rượu độc để đỡ khát… Lương Thương đọc xong bội phục tài học của Hoắc Tư nên mới xét lại vụ án của Tống Quang. Từ sự tích này đã hình thành câu thành ngữ “Ẩm chẩm chỉ khát”, tức uống rượu độc để đỡ khát, ý chỉ những việc chỉ lo giải quyết cái trước mắt mà không nghĩ đến cái họa về sau.
Câu thành ngữ này rất phù hợp để mô tả vấn đề của Huấn luyện viên (HLV) Ole Gunnar Solskjaer đang gặp phải tại Câu lạc bộ Manchester United. Đó là trường hợp của Paul Pogba - cái tên đang là niềm hy vọng của Solskjaer nơi hàng công Manchester United, là niềm hy vọng sẽ đưa Quỷ đỏ thành Manchester đi tới chiến thắng, cũng như giữ chắc chiếc ghế HLV trưởng của Solskjaer.
Xét về mặt tài năng, tài năng của Pogba không có gì để bàn cãi. Là một trong những tiền vệ tấn công xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, Pogba có thể hình thể lực lý tưởng, nhãn quan chiến thuật xuất sắc, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, là mẫu cầu thủ mà bất cứ ông lớn trong làng bóng đá thế giới nào cũng phải thèm muốn. Tại Manchester United, một khi có phong độ tốt và chịu thi đấu hết mình thì Pogba gần như là 50% sức mạnh nơi tuyến giữa, là chìa khóa mang lại chiến thắng.
Nhưng vấn đề là, Pogba phải chịu thi đấu hết mình mới được, và một khi cầu thủ này cảm thấy “không hạnh phúc”, phong độ sẽ lập tức xuống dốc không phanh. Có thể nói, Pogba là mẫu cầu thủ lắm tài nhưng cũng nhiều tật, luôn thích làm theo ý thích của bản thân, chắc chắn không phải là mẫu người sống vì tập thể. Sở thích của Pogba là tấn công, không thích tham gia phòng ngự, nên khi tuyến giữa của Manchester United thiếu nhân sự buộc phải kéo anh đá thấp hơn, anh lập tức “vùng vằng”, thi đấu rất hời hợt, thiếu cố gắng. Chẳng hạn qua 2 trận đấu với Crystal Palace và Southampton vừa qua, Pogba liên tục để mất bóng, góp phần khiến cho tuyến giữa của Manchester United mấp mé bên bờ sụp đổ. Với thái độ thi đấu như vậy, Solskjaer vẫn phải để Pogba thi đấu, bởi ông đã không có phương án nào khác khả thi hơn. Trong kỳ chuyển nhượng hè 2019, Pogba đã thể hiện nguyện vọng được chuyển đi câu lạc bộ khác, nhưng Solskjaer vẫn cố gắng giữ chân anh, thậm chí còn xây dựng một lối chơi hoàn toàn lệ thuộc vào phong độ của Pogba, mà không đưa về bất cứ phương án dự phòng nào cho vị trí này.
Quả thật, Solskjaer chẳng khác nào đang uống rượu độc giải khát khi trao toàn bộ sự kỳ vọng cũng như chiếc ghế HLV trưởng Manchester United vào tay một người tính khí bất thường như Pogba, và đang buộc phóng lao phải theo lao. Biết cho Pogba ra sân chưa chắc anh đã nhiệt tình thi đấu, nhưng vẫn phải cho ra, vì đơn giản nếu không cho Pogba ra sân, vậy Solskjaer có thể làm gì khác? Tấm gương Mourinho đã buộc phải giam Pogba trên băng ghế dự bị một thời gian dài vẫn còn đó, nhưng có vẻ như Solskjaer đã không rút ra được bài học.
Trước mắt Solskjaer đã phải bỏ qua khúc mắc, đưa Nemanja Matic ra sân để giải phóng cho Pogba khỏi nhiệm vụ phòng ngự, giúp cầu thủ này có thể tấn công theo sở thích. Nhưng có gì bảo đảm Pogba sẽ thi đấu hết mình, khi tâm trí đang đặt ở Real Madrid, Barcelona hay Juventus… Đi kèm theo đó là sự lung lay dữ dội chiếc ghế HLV trưởng Manchester United của Solskjaer.
Trần Khánh