Niềm tin của độc giả là thứ rất khó xây, nhưng lại dễ mất…

'AI là công cụ, nhưng chính con người mới quyết định công cụ ấy được dùng vào việc gì. Không phải cứ có công nghệ là tiến bộ, mà là khi công nghệ đi cùng đạo đức, đi cùng sự thấu cảm, đi cùng khát vọng phục vụ sự thật…' – đó là nhấn mạnh của nhà báo Nhật Hoa khi trò chuyện về Hội nghị Nhà báo Thế giới 2025 tại Hàn Quốc, diễn ra từ 30/3 đến 5/4/2025, mà bà là đại diện cho người làm báo Việt Nam tham dự.

Sự minh bạch được nhấn mạnh trong mọi cuộc thảo luận

+ Hội nghị Nhà báo Thế giới là sự kiện thường niên, là diễn đàn quan trọng, thu hút sự tham gia của các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới và cũng là cơ hội để các nhà báo trao đổi thông tin, kết nối mạng lưới. Năm nay, Hội nghị đã và đang diễn ra các chủ đề chính nào, thưa bà?

– Hội nghị này là cơ hội tốt để các nhà báo từ các quốc gia quy tụ, cùng thảo luận về những thách thức mà báo chí toàn cầu đang phải đối mặt, cũng như cùng đề xuất các giải pháp nhằm phát triển báo chí trong kỷ nguyên mới. Hai chủ đề lớn năm nay là: Báo chí trong thời đại AI và vai trò của báo chí trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, các nhà báo đã tập trung trao đổi sâu về việc sử dụng AI trong báo chí – khi trí tuệ nhân tạo và mạng xã hội đang thay đổi căn bản cách thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, cũng có sự nhấn mạnh rằng: AI không thể thay thế vai trò phân tích, đánh giá và phản biện của con người trong nghề báo.

 Hội nghị Nhà báo Thế giới 2025 tại Hàn Quốc, diễn ra từ 30/3 đến 5/4/2025.

Hội nghị Nhà báo Thế giới 2025 tại Hàn Quốc, diễn ra từ 30/3 đến 5/4/2025.

“AI không thể cảm nhận nỗi sợ của một người mẹ…”

+ Chủ đề về AI trong báo chí dù không mới nhưng vẫn nóng. Với cá nhân bà, đâu là điều khiến bà đặc biệt ấn tượng khi trực tiếp nghe các câu chuyện tại hội nghị?

– Tôi ngay lập tức bị thu hút bởi một câu chuyện đầy cảm xúc và dũng cảm của nhà báo người Ba Lan Natalia Szewczak. Chị kể rằng vào dịp Giáng Sinh năm 2020, chị sinh đôi hai bé Lena và Filip khi mới thai kỳ tháng thứ sáu. Hai con phải nằm phòng hồi sức tích cực suốt 65 ngày.

Tưởng chừng đó chỉ là câu chuyện cá nhân của một người mẹ, nhưng chính trải nghiệm ấy đã trở thành chất liệu cho một bài điều tra gây tiếng vang lớn tại Ba Lan. Bài báo phơi bày bất cập trong chính sách nghỉ thai sản: cha mẹ có con sinh non lại được nghỉ ngắn hơn người sinh đủ tháng. Bài báo khiến dư luận dậy sóng và buộc chính phủ sửa luật. Natalia nói: “AI không thể viết bài báo này. AI không thể cảm nhận nỗi sợ của một người mẹ, không thể hiểu sự bất công trong một điều luật, và càng không thể đấu tranh để thay đổi nó”. Đó là một trong những khoảnh khắc nhắc chúng tôi rằng: Nhà báo không chỉ đưa tin – chúng tôi phải sống cùng sự thật để có thể kể nó ra.

 Nhà báo Nhật Hoa (áo vest trắng) cùng các đồng nghiệp tại Hội nghị.

Nhà báo Nhật Hoa (áo vest trắng) cùng các đồng nghiệp tại Hội nghị.

AI là công cụ, không phải chủ thể nghề báo

+ Nhiều ý kiến cho rằng AI là công cụ quyền năng đang thay đổi cách chúng ta đưa tin, viết bài và kể chuyện. Quan điểm của bà như thế nào?

– Điều này là không thể phủ nhận. Nhưng câu hỏi đặt ra là: AI là bạn đồng hành hay là thách thức? Là trợ thủ hay là kẻ thay thế? Chúng ta cần tỉnh táo. Nhiều nhà báo trên thế giới đang sử dụng AI hằng ngày: Để phân tích dữ liệu, rút ngắn văn bản, gợi ý tiêu đề, dựng clip minh họa. Tại Mỹ, New York Times từng sử dụng AI để xử lý hơn 400 đoạn ghi âm trong một cuộc điều tra liên quan đến bầu cử – tương đương 5 triệu từ. Nhờ đó, họ rút ngắn 500 giờ nội dung còn lại chỉ còn 5 giờ cần xem lại. Nhưng điều quan trọng là: Mọi chi tiết cuối cùng vẫn do con người kiểm chứng thủ công – không để sai lệch dù chỉ một dấu chấm, một sắc thái ngữ nghĩa. Đó là lý do tại sao sự minh bạch được đặt lên hàng đầu. Báo chí cần nói rõ: Khi nào dùng AI, dùng ở đâu, dùng như thế nào. Vì niềm tin của độc giả là thứ rất khó xây, nhưng lại dễ mất.

 Nhà báo Nhật Hoa trong chuyến công tác.

Nhà báo Nhật Hoa trong chuyến công tác.

Không sợ hãi công nghệ – hãy dẫn dắt nó bằng đạo đức

+ Nhưng song song với tiềm năng, cũng có nhiều lo ngại. AI ngày càng khó kiểm soát, thậm chí có thể bị lạm dụng…?

– Đúng vậy. Nhiều rủi ro đã được cảnh báo rõ ràng tại hội nghị: từ deepfake, tin giả, thao túng thuật toán… Khi AI rơi vào tay những cá nhân hay tổ chức thiếu đạo đức, hậu quả là rất nghiêm trọng. AI có thể tạo ra video, hình ảnh, giọng nói gần như không thể phân biệt với thật. Vậy nếu những nội dung đó lan truyền sai lệch, ai là người chịu trách nhiệm?

Một chủ đề khác gây tranh luận dữ dội là: bản quyền và quyền sở hữu dữ liệu báo chí. Nhiều công ty công nghệ lớn như OpenAI hay Google bị cáo buộc sử dụng bài viết, hình ảnh, dữ liệu báo chí để huấn luyện mô hình AI mà không xin phép, không trả phí. Tại châu Âu – đặc biệt là Ba Lan và Hàn Quốc – các tổ chức báo chí đang yêu cầu rõ ràng về việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Một đại biểu đã phát biểu rất thẳng thắn: “Báo chí không thể trở thành kho dữ liệu miễn phí cho AI học tập”.

 Nhà báo Nhật Hoa (đeo túi) cùng đồng nghiệp người Mỹ.

Nhà báo Nhật Hoa (đeo túi) cùng đồng nghiệp người Mỹ.

Sự thật không thể được sản xuất bằng thuật toán

+ Vậy với báo chí, điều cần thiết lúc này là gì – hoang mang, hay chủ động dẫn dắt công nghệ?

– Tôi thấy một tinh thần rất rõ ràng lan tỏa tại hội nghị là: Không sợ hãi. Mà là chủ động. Là dẫn dắt. Nhiều sáng kiến đã được chia sẻ:

Một số tòa soạn tổ chức các lớp học về AI cho công chúng, giúp người dân hiểu cách AI hoạt động, cách phân biệt nội dung do AI tạo ra.

Các tổ chức đào tạo báo chí quốc tế mở rộng chương trình huấn luyện về sử dụng AI một cách có đạo đức và minh bạch.

Thông điệp mạnh mẽ mà chúng tôi mang theo từ Seoul là: AI là công cụ. Nhưng chính con người quyết định công cụ ấy được dùng vào đâu – để phục vụ điều gì. Không phải cứ có công nghệ là tiến bộ, mà là khi công nghệ đi cùng đạo đức, đi cùng sự thấu cảm, đi cùng khát vọng phục vụ sự thật. Và khi một nhà báo kể một câu chuyện có thể làm thay đổi luật – từ chính trải nghiệm đời mình – ta biết rằng: Không công nghệ nào có thể thay thế trải nghiệm người thật, cảm xúc thật và đạo đức nghề thật.

+ Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Nhật Hoa!

Hà Vân (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/niem-tin-cua-doc-gia-la-thu-rat-kho-xay-nhung-lai-de-mat-post341216.html