Niềm tin của Trung 'đồng nát'

Sau 12 năm miệt mài với các hoạt động tình nguyện đóng góp tích cực cho xã hội, mới đây, Hoàng Hoa Trung lọt vào danh sách 30 Under 30 do Forbes Việt Nam bình chọn. Từ năm 18 tuổi, Trung đã bắt tay vào các hoạt động thiện nguyện, cần gì học đó, từ công nghệ, thiết kế, đồ họa, tài chính… Và những giấc mơ xây trường, nuôi em nhỏ, làm cầu… đã thành hiện thực.

Hoàng Hoa Trung bên các em nhỏ vùng cao.

Hoàng Hoa Trung bên các em nhỏ vùng cao.

Thiện nguyện “0 đồng”

Hoàng Hoa Trung sinh năm 1990 tại Hà Nội, bắt đầu hoạt động thiện nguyện năm 18 tuổi, khi vừa tự mình vượt qua những biến cố riêng và nhận ra ý nghĩa của cuộc sống là “cho đi”. Trong khi nhiều người chọn cách làm thiện nguyện cứu trợ khẩn cấp thì Trung chọn làm các dự án bền vững. Thế rồi, từ lúc nào trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) nổi tiếng với biệt danh “Trung nuôi em”, “Trung đồng nát”…

Chàng trai ấy có biệt tài biến “phế phẩm” thành tiền. Thay vì kêu gọi ủng hộ như những nhóm khác, các thành viên của nhóm Tình nguyện Niềm tin đều chủ động tìm kiếm các hình thức tổ chức chương trình, gây quỹ sáng tạo để duy trì các dự án. Nhiều ý tưởng gây quỹ sáng tạo đã được nhóm thực hiện theo nguyên tắc như gây quỹ không tốn tiền gốc, hoặc gây quỹ bằng sản phẩm có ích cho người mua đã mang lại nguồn thu lớn.

Dự án đầu tiên Trung làm là Thiệp nhân ái cho trẻ em nghèo, nhằm giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm các tấm thiệp bán để có thêm thu nhập. Chỉ trong vòng 5 năm, Trung và đội tình nguyện đã giúp các em nhỏ bán được hơn 2 vạn tấm thiệp. “Thực ra tư duy 0 đồng cũng chính là xuất phát từ khó khăn của mình, bởi ban đầu mình không có gì trong tay, không có vốn, cũng không có quan hệ gì cả...”, Trung chia sẻ.

Từ năm 2013, Trung cùng với những người bạn trong nhóm tình nguyện thường xuyên đến các cơ sở sản xuất gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) xin những sản phẩm gốm lỗi đem đi bày bán trong các hội chợ sách, gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, xây các điểm trường vùng cao.

Hay Dự án ve chai niềm tin (năm 2012) là gom ve chai gây quỹ, chỉ trong 2 tuần triển khai gây quỹ 10 triệu đồng từ 10 Ký túc xá sinh viên để mua 8 cặp lồng gà và 4 con lợn giống, tặng 10 hộ dân sống chung với H có hoàn cảnh khó khăn tại Sóc Sơn... Sau đó là hàng loạt dự án gây quỹ như bán bảo hiểm xe máy, bán nông sản cho bà con, bán đất phù sa sông Hồng… Và cũng từ đó Trung có cái tên Trung “đồng nát”.

Sau hơn một năm kiên trì đi nhặt từng chiếc bát gốm, lọ hoa ở Bát Tràng, đi bán bảo hiểm xe máy, bán áo phông ở các hội chợ..., Hoàng Hoa Trung thực hiện dự án “Ánh sáng núi rừng”. Nhóm tình nguyện Niềm tin đã vận động được gần 400 triệu đồng, trong đó có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để cùng chung tay vào thực hiện dự án “Ánh sáng núi rừng” với mục tiêu xóa 20 điểm trường tranh tre nứa lá.

Năm 2014, thấy việc trường học được xây dựng mới khang trang sạch sẽ hơn nhưng trẻ vùng cao vẫn bỏ học, Trung đã quyết tâm đi theo gót các em sau giờ tan lớp ban sáng mới phát hiện ra các em không có cơm nên phải vào rừng nhặt hạt, đào măng, củ… về nhà tự luộc ăn, vì thế không kịp học buổi chiều. Nhiều em nhà xa tới 4-5km đường rừng núi quanh co đi tới lớp cũng phải 2-3 tiếng đi bộ.

Thực tế đó đã thôi thúc Trung xây dựng dự án “Nuôi em” và sau đó, chính thức được phát động, triển khai theo hướng một người nuôi một em nhỏ bản cao với số tiền mỗi tháng chỉ là 150.000 đồng. Sự minh bạch và hiệu quả thiết thực của dự án “Nuôi em” đã khiến số người tham gia ngày càng đông, thậm chí tăng đột biến, năm 2020 đã có tới 20.000 người tham gia nuôi cơm cho 20.000 em.

Các nhà hảo tâm đều nắm được đầy đủ thông tin của học sinh mình nhận nuôi. Không những thế, họ còn biết địa chỉ, số điện thoại của thầy cô giáo, trưởng thôn, bản... để thường xuyên gặp gỡ trao đổi tháo gỡ khó khăn.

Tiếp đó là dự án “Dũng sĩ bạt” với hoạt động xin bạt cũ, banner backdrop đã qua sử dụng đưa lên vùng cao, miễn phí hoàn toàn vận chuyển, để che chắn các điểm trường còn đang được dựng lên từ tranh, vách nứa. Hoạt động từ tháng 2/2018, dự án đã gửi lên gần 2000 m2 bạt che phủ 10 điểm trường tránh nắng mưa, dột. Độ bền của bạt vừa gấp 2 - 3 lần lại tiết kiệm hơn 100.000.000 VNĐ mỗi năm cho ngân sách phòng giáo dục địa phương.

Xuất phát từ ý tưởng “tích tiểu thành đại”, chương trình đặt mục tiêu xóa hàng ngàn trường tạm tại Việt Nam, xây hàng trăm cây cầu và hàng chục ngàn nhà nhân ái. Với nhiều người, mục tiêu đó tưởng như “viển vông”, nhưng Hoàng Hoa Trung nghĩ khác. Anh tin rằng, nếu mỗi năm người tặng 2.000 đồng/ngày thì với 100.000 người tham gia sẽ có khoảng 300 điểm trường được khởi công xây dựng. Và nếu có 2 triệu người tham gia, sứ mệnh chương trình sẽ được hoàn thành.

Ban đầu dự án xây được trung bình 1-2 điểm trường, nhưng với sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng và cách làm mới mẻ, dự án Sức mạnh 2.000 đã đạt được sự tăng trưởng đột biến trong năm 2020 với 102 công trình được xây dựng bao gồm: điểm trường, dãy nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh...

Cổ tích được viết tiếp

Cứ thế, hàng loạt các dự án ý nghĩa cho trẻ em vùng cao đã ra đời. Những năm qua, Trung và các bạn trẻ, bằng niềm tin và tình yêu thương đã viết tiếp câu chuyện cổ tích về một nhóm tình nguyện có thể xây dựng những ngôi trường.

Chàng trai Hà Thành đặt ra mục tiêu xóa sổ trường tạm, không có trẻ em dân tộc thiểu số nào vì đói mà bỏ học. Với tư duy làm tình nguyện bám sát đối tượng mục tiêu là trẻ vùng cao, thiếu gì thì làm dự án nấy cùng quan điểm chủ động gây quỹ - làm thật - minh bạch - truyền thông thật để nhà tài trợ thấy hiệu quả rồi tự giới thiệu nhau, tự tìm đến chứ không cần vác hồ sơ đi vận động tài trợ, từ năm 2009 đến tháng 1/2020, dự án này đã xây dựng được 29 điểm trường.

Cách kêu gọi lòng hảo tâm của Trung cũng rất riêng. Những câu chuyện mà Trung kể bằng hình ảnh đã chạm tới lòng trắc ẩn của nhiều người. Đó là câu chuyện bát canh chỉ có bí đỏ và 3 con dế của chú bé Y Hoắt học sinh lớp 4 làng Kon Hleng (xã Kon Pne, Kbang, Gia Lai) mà đoàn khảo sát của Trung tình cờ bắt gặp trong chuyến đi giữa tháng 9/2020.

Y Hoắt mồ côi mẹ, bố bỏ đi từ lâu, sống với người bà đã già yếu trong một ngôi nhà không có cánh cửa. Chỉ vài ngày sau khi câu chuyện được kể trên Facebook của Trung, các mạnh thường quân đã chìa bàn tay nhân ái của mình và chỉ sau hơn 1 tháng, ngôi nhà hạnh phúc cho cậu bé Y Hoắt và 2 ngôi nhà khác cho 3 em bé mồ côi ở Gia Lai đã được khởi công với kinh phí 80 triệu đồng/căn.

Hay câu chuyện lì xì xây trường trong dịp Tết 2020 vừa qua cũng là một “phát minh” của Trung. Vào những ngày Tết Nguyên đán, người Việt Nam có một tục lệ đẹp, đó là lì xì lấy may đầu năm. Thay vì chỉ để cho vui, Trung đã kêu gọi mọi người “lì xì trường”.

Chỉ sau 5 ngày, Trung đã gom được 180 triệu đồng, đủ xây 1 điểm trường và những ngày sau đó, Trung nhận tiếp lì xì đủ để xây thêm 2 điểm trường. Nhờ sự kêu gọi này đã có 3 điểm trường Huổi Nỏng, Huổi Anh, Nậm Nhừ (Nậm Pồ - Điện Biên) được hoàn thành đầu năm 2020.

Tất cả các dự án thiện nguyện của Trung được quản trị một cách minh bạch, mỗi dự án đều có một trang web riêng. Ở dự án xây trường học, mỗi công trình đều có một trang nhỏ, trong đó công khai từ kinh phí đến tiến độ thực hiện.

Ở dự án Nuôi em, mỗi người nhận nuôi sẽ có thông tin cá nhân, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng trưởng bản, thầy cô giáo để kiểm chứng. Người nhận nuôi chỉ cần nhắn mã số là nhận được thông tin cá nhân của người được nuôi. Để minh bạch, số tiền gom được cho dự án Sức mạnh 2.000 sẽ chuyển về số tài khoản của Trung tâm Tình nguyện quốc gia để được kiểm toán rõ ràng.

Ngay sau đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung cuối tháng 10/2020 ở miền Trung, Trung đã tự đặt mục tiêu là phải huy động 750 triệu đồng để xây dựng 1 trường học và 1 cây cầu cho miền Trung. Mục tiêu tới năm 2025 là gây quỹ, kết nối và xây 100 điểm trường vùng khó, tập trung tại 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên. Từ đó, kết nối hơn 30 đội nhóm thiện nguyện, tình nguyện... với mục tiêu năm 2040, xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam.

Không những thế, chàng trai mang trái tim đầy nhiệt huyết đó đã liên tục khởi xướng, thực hiện nhiều mô hình có tính nhân rộng cao như dự án Nuôi em, dự án Nước sạch bình gốm Unicef, Dự án Năng lượng gió mặt trời, dự án Đi ra từ rừng, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ cho trẻ mầm non bản cao …

“Với tôi, mỗi người có một đam mê, sở thích cháy bỏng để theo đuổi, để được sống chứ không chỉ tồn tại, và sở thích nào có ích cho người khác, cho cộng đồng thì tôi ưu tiên nó hơn. Từ nhiều năm nay thiện nguyện là một trong những sở thích lớn nhất của tôi”, Trung chia sẻ.

Và những ngày Tết Nguyên đán cận kề, Hoàng Hoa Trung vẫn miệt mài xách balo đi học miền rẻo cao. Trung đã mở rộng dự án Nuôi em ra thêm 5 tỉnh, nâng tổng số tỉnh triển khai dự án lên 13, đã có hơn 20.000 trẻ em được nhận nuôi và hơn 10 công trình đang bắt đầu được cải tạo, xây mới ở các tỉnh miền núi như Đăk Lắk, Lai Châu, Hà Giang...

“Có người bảo, làm hơn 11 năm rồi, lo cho bản thân đi, dừng tình nguyện đi nhưng tôi bảo: Tại sao phải dừng khi mọi thứ vẫn tốt. Tôi đã chuẩn bị một cuộc sống hậu “lấy vợ” và có thể tham gia tình nguyện cả đời. Hơn nữa, việc trở thành Forbes 30 Under 30 giúp mình kết nối với nhiều người hơn, cùng với họ, mình sẽ giúp thêm được cho nhiều em nhỏ nữa...” - Trung bày tỏ.

Các giải thưởng của Hoàng Hoa Trung và nhóm tình nguyện Niềm tin:

- Giải thưởng tình nguyện Chim én năm 2009, 2010

- Giải Mầm nhân ái năm 2009

- Giải thưởng Thanh niên kiến tạo năm 2017

- Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2011, 2017

- Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2019,

- Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019

- Forbes Việt Nam 30 Under 30 năm 2020

- Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2020

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/niem-tin-cua-trung-dong-nat-571530.html