Niềm tin người ở lại

- Bác Thoan ơi.

- Ai như… tiếng thằng Khương ấy nhỉ? Giọng Ông Thoan nặng nhọc.

- Cháu Khương đây bác ạ.

- Ôi, đúng rồi. Khương! Sao xuống mà không báo cho bác biết trước?

Ông Thoan khập khiễng bước ra, niềm nở đón Khương.

 Minh họa: Hiền Nhân.

Minh họa: Hiền Nhân.

- Hay tin bác bị đau nên cháu xuống thăm bác.

- Bác già rồi. Cứ trái gió giở trời là vết thương cũ tái phát. Còn công việc của cháu thì sao?

- Dạ, công việc của cháu vẫn ổn bác ạ! Mấy hôm nữa là đến ngày 27 tháng 7, cháu xin đơn vị nghỉ ba ngày xuống thăm bác, tiện thể xin bác mấy bữa cơm. Khương lém lỉnh vừa nói vừa nắm lấy tay ông Thoan. Dẫu còn mệt nhưng nghe Khương nói vui, ông Thoan cũng tóm tém cười theo. Ngắm bộ quân phục Khương đang mặc, ngắm gương mặt dạn dày sương gió của Khương, ông Thoan gật đầu ra vẻ rất ưng bụng.

- Vào nhà đi cháu! Ông Thoan đon đả giục. Khương vui vẻ khoác chiếc ba lô, bên trong có mấy bộ quần áo và đồ dùng cá nhân, hai tay còn bưng một thùng bơ nặng bước theo ông Thoan vào nhà.

- Giờ trên quê cháu đang mùa bơ chín bác ạ. Ba cháu bảo hái đem xuống thắp nhang cho ông bà, cho bác Bạ, còn lại dành để bác bồi bổ sức khỏe ạ. Ba cháu muốn xuống thăm bác lắm nhưng ngặt nỗi cũng đau ốm liên miên nên đi lại không tiện. Ba cháu bảo đợi khi nào thật khỏe nhất định ba sẽ xuống thăm bác…

Gặp lại ông Thoan, Khương rủ rỉ đủ chuyện. Ông Thoan pha xong ấm trà, đợi Khương rửa chân tay, thắp nhang cho ông Bạ xong rồi hai bác cháu ngồi vừa nhâm nhi chén trà vàng sánh thơm mát vừa râm ran trò chuyện.

- Từ ngày tìm được mộ bác Bạ đưa về nghĩa trang quê nhà đến giờ, trong giấc ngủ của bác ít còn mơ thấy bác ấy về.

- Dạ. Chắc bác Bạ cũng cảm thấy được thanh thản nơi chín suối, bác nhỉ?

- Ừ… Cũng tại chiến tranh cả. Đôi mắt ông Thoan bỗng trầm xuống, bần thần suy tư. Những ký ức của một thời mưa bom bão đạn vẫn in sâu trong lồng ngực, trong trí não khiến ông chẳng thể nào quên.

- Ngày ấy, cũng nhờ bác Bạ nên ba cháu mới được cứu sống.

- Âu cũng là số trời, là cái duyên, đúng không cháu? Cũng nhờ gặp được cháu mà bác mới tìm được mộ của bác Bạ và đưa bác ấy về đây. Nói đến đây, ông Thoan ngước nhìn lên tấm di ảnh của ông Bạ đặt cạnh hai tấm di ảnh của ông bà thân sinh ra ông Bạ trên bàn thờ. Tấm ảnh chụp hồi ông Bạ mới tròn 20 tuổi, theo thời gian đã cũ và mờ.

* * *

Ông Thoan và ông Bạ là đôi bạn thân, nhà lại ở cạnh nhau. Ông thân sinh của ông Bạ hy sinh từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Mẹ ông Bạ là bà Sơ gạt nước mắt nuôi con trai khôn lớn rồi cũng cũng ngậm ngùi tiễn con trai lên đường đi bộ đội. Bà Ban, mẹ của ông Thoan cũng cùng chung cảnh ngộ. Chồng mất sớm, mình bà nuôi con gái, con trai khôn lớn. Hồi ông Thoan và ông Bạ nhập ngũ, bà Ban và bà Sơ cầm tay con khóc như mưa. Họ cầu mong con mình ra đi “chân cứng đá mềm” và chờ ngày con chiến thắng trở về. Ông Bạ và ông Thoan khi ấy mới tuổi đôi mươi. Những lá thư nơi chiến trường, mấy tháng đầu vẫn đều đều được gửi về hậu phương. Bao nỗi nhớ thương thay lời muốn nói được chắt chiu qua mỗi con chữ ít ỏi nhưng quý giá. Thế nhưng… chiến tranh càng ác liệt. Ông Thoan và ông Bạ ban đầu cùng chung đơn vị. Sau đó, ông Bạ ở lại chiến trường Tây Nguyên, còn ông Thoan thì hành quân xuống tận Sài Gòn. Họ chia tay nhau, quyết tâm chiến đấu và hẹn ngày gặp lại khi đất nước toàn thắng.

Năm 1975, giữa rừng cờ hoa và những tiếng reo vui, náo nức của nhân dân khi đất nước thống nhất, bà Ban và bà Sơ cùng ra đường ngóng trông con. Bà Ban sung sướng chạy đến ôm chặt lấy Thoan đang khập khiễng bước đi với cây nạng gỗ. Rồi họ lại cùng nhau đứng đợi. Đợi mãi… Suốt cả ngày hôm ấy, hôm sau và những ngày hôm sau nữa cũng đều không thấy bóng dáng của Bạ. Bà Sơ cứ đi ra đi vào, ruột gan như lửa đốt. Rồi cũng có tin của con trai. Những người đồng đội của Bạ đến nhà đưa tận tay bà tờ giấy báo tử cùng những di vật còn lại của Bạ ở chiến trường. Họ nói với bà, Bạ đã hy sinh trong đợt phản kích cuối cùng của kẻ thù và còn chưa tìm được thi thể. Bà Sơ vì quá đau khổ nên lâm bệnh và cũng đã ra đi sau đó không lâu. Trước khi nhắm mắt, bà mong Thoan tìm được mộ của Bạ, đưa người bạn về quê hương, có như thế ở dưới suối vàng bà mới được thanh thản.

Nhà ông Bạ khi ấy chẳng còn ai sống để lo nhang khói, mẹ ông Thoan đã làm ma chay cho bà Sơ rồi lập bàn thờ, thờ chung cả gia đình người hàng xóm ngay trong nhà mình, xem họ như người một nhà.

Những năm đầu sau giải phóng, đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn. Bà cụ thân sinh của ông Thoan sau đó qua đời, chân ông thì tập tễnh, lại phải gánh vác trụ cột gia đình nên cứ lần lữa mãi việc đi tìm mộ của ông Bạ. Mãi đến hơn chục năm sau đó, ông Thoan mới dò hỏi và bắt đầu đi tìm. Có một thời gian, ông Thoan luôn mơ cùng một giấc mơ kỳ lạ. Đêm nào, ông Bạ cũng về nói với ông rằng mình rất nhớ quê, nhớ ba mẹ và mong muốn được về quê hương. Ông Thoan cảm thấy vô cùng áy náy, phần vì thương bạn hãy còn nằm lạnh lẽo nơi chiến trường, phần vì chưa thực hiện được lời hứa với bà cụ thân sinh ra ông Bạ.

Nhiều lần, ông theo đoàn người đi tìm mộ liệt sĩ ở khắp các tỉnh ở Tây nguyên, những mong tìm được mộ ông Bạ nhưng cứ hy vọng rồi lại thất vọng. Hình như ông trời cũng động lòng khi chứng kiến sự kiên trì của ông Thoan. Hồi vợ ông còn sống, nhiều lần cũng can ngăn chồng với lý do: “Giờ bác Bạ đã nằm lại nơi chiến trường, thân xác đã hòa vào đất. Đã thế, khi hy sinh lại không có gì làm tin, nhận diện. Có cất công tìm cũng khó mà thấy”. Rồi hai đứa con gái của ông cũng từng khuyên ông từ bỏ việc tìm kiếm vì lo cho sức khỏe của bố. Thế nhưng… ông Thoan thì vẫn cứ khư khư:

- Tôi phải đi, còn sức thì còn đi. Đi đến khi nào tìm được mộ của ông Bạ, tôi mới thôi.

Ông Thoan lại nhấp ngụm trà. Vầng trán ông giãn nở. Giọng ông thanh thoát, nhìn Khương.

- May mà gặp được cháu! Ơn này thật chẳng biết lấy gì báo đáp.

- Sao bác lại nói thế ạ. Cũng nhờ có bác Bạ nên ba cháu mới được cứu sống, mới có anh em cháu ngày nay. Gia đình cháu phải biết ơn bác Bạ mới phải chứ ạ.

Hồi ấy, đi theo đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ mãi cũng không có hy vọng, ông Thoan quyết định rong ruổi một mình khắp các tỉnh Tây Nguyên hết mùa khô này sang mùa khô khác. Cứ chỗ nào có thông tin gì về mộ liệt sĩ vừa mới tìm được, ông cũng cố gắng đến hỏi thăm. Thế rồi, cách đây khoảng 15 năm, ông Thoan gặp Khương, khi đó mới là cậu bé chừng 10 tuổi, đi chăn bò ngoài bìa rừng. Ông Thoan hỏi thăm và được Khương kể về câu chuyện của cha mình, về ngôi mộ của một người đồng đội của cha. Ông Thoan vui mừng khôn xiết. Ông đinh ninh và càng chắc chắn rằng người Khương kể đích thị là ông Bạ. Ông theo Khương về nhà. Nhà Khương ở tít trong rẫy xa. Ông Toàn, ba của Khương, người đàn ông gầy gầy ít hơn ông Thoan vài tuổi đang ngồi cặm cụi đan gùi ở một góc sân. Sự xuất hiện của ông Thoan làm ông Toàn vô cùng ngạc nhiên. Khi nghe ông Thoan nói về việc đang đi tìm hài cốt của một liệt sĩ có tên là Bạ thì ông Toàn đã hiểu ra tất cả.

* * *

Vào một ngày cuối năm 1974, khi đang bị lạc trong rừng, Toàn xuýt nữa gặp phải một toán lính ngụy vừa đi vừa xả đạn. Chúng đang truy tìm ai đó. Toàn vô cùng sợ hãi. Bỗng có tiếng động bên gốc cây, lại có vết máu bê bết trên lá khô. Toàn lần theo vết máu thì thấy một người lính Quân giải phóng đang nằm thở, trên ngực máu me đầm đìa. Tiếng bước chân của bọn ngụy càng tiến lại gần hơn. Toàn thì thào bên tai người nằm đó, báo cho anh về sự nguy hiểm sắp tới. Biết kẻ thù đang ráo riết truy lùng mình, biết mình sẽ không thể qua khỏi, Bạ thều thào từ chối khi Toàn định cõng anh trốn khỏi sự truy bắt của đám lính ngụy. Bạ chỉ cho Toàn đi về hướng có chỗ trú an toàn. Toàn vội hỏi tên và chỉ biết người đang bị thương ấy là Bạ. Sau một loạt súng chát chúa, thấy bước chân của kẻ thù xa dần, Toàn quay trở lại tìm thì thấy người lính ấy đã hy sinh. Toàn lần tìm đường về rồi gọi thêm người đưa thi thể anh Bạ về chôn cất tại vườn nhà mình. Ông Toàn miêu tả hình dáng, khuôn mặt của người đã khuất y hệt hình người trong tấm ảnh đen trắng mà ông Thoan đưa cho. Thế rồi ông Toàn dẫn ông Thoan ra ngôi mộ của ông Bạ được gia đình ông chôn cất, thờ cúng bấy lâu. Vậy là sau bao nhiêu năm lặn lội kiếm tìm, cuối cùng ông Thoan cũng tìm thấy bạn. Đứng trước nấm mồ của đồng đội, ông Thoan rưng rưng xúc động, gọi tên bạn mà nước mắt trào ra.

Cũng từ ngày đưa được hài cốt ông Bạ về quy tụ ở nghĩa trang quê nhà, ông Thoan cảm thấy lòng thanh thản. Đặc biệt, cũng từ đó, mối quan hệ giữa gia đình ông Toàn và gia đình ông Thoan càng thêm khăng khít. Họ kết nghĩa anh em và thường xuyên đi lại, thăm hỏi lẫn nhau. Hằng năm, vào những ngày tháng 7, ba con ông Toàn đều xuống thăm ông Thoan, thắp nhang cho ông Bạ. Con cháu của ông Thoan ở trên phố cũng về tụ họp. Họ làm mâm cơm cúng tưởng nhớ gia tiên, tưởng nhớ người đã khuất và quây quần, đoàn tụ cùng nhau.

Mỗi khi nhìn vào đôi mắt ông Thoan, đôi mắt của một người lính từng kinh qua lửa đạn trên chiến trường, Khương chẳng thể giấu nổi lòng khâm phục xen lẫn niềm tự hào. Đó chính là động lực khiến Khương quyết định nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học để được cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/niem-tin-nguoi-o-lai-112317.bbg