Niềm tin sụp đổ, Ấn Độ lâm vào 'địa ngục COVID-19'
Nhiều người lầm tưởng rằng Ấn Độ đã đánh bại đại dịch COVID-19. Giờ đây, các bệnh viện ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đang cạn kiệt nguồn bình oxy, còn thi thể các nạn nhân tử vong do COVID-19 chất đầy ở các nhà xác.
Ấn Độ đã lún vào một thảm kịch với những số liệu chưa có tiền lệ. Chỉ trong vòng một tuần qua, nước này đã ghi nhận khoảng 1,6 triệu ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 15 triệu người. Trong vòng 12 ngày trở lại đây, tốc độ lây nhiễm tăng gấp đôi, lên mức 17%, riêng ở New Delhi là 30%. Các giường bệnh trên cả nước đều kín bệnh nhân, nhưng lần này người trẻ chiếm đa số. Tại New Delhi, 65% ca mắc mới thuộc nhóm đối tượng dưới 40 tuổi.
Sự xuất hiện của một số biến chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn được cho là một phần nguyên nhân. Nhưng dư luận giờ đây cũng hướng chỉ trích vào chính quyền, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi đã thất bại trong triển khai biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, với tâm lý chủ quan ở chính quyền các bang, địa phương thuộc tất cả các đảng phái chính trị, khiến nhiều người lầm tưởng rằng Ấn Độ trong mấy tháng qua đã đánh bại COVID-19.
“Giới lãnh đạo trên cả nước không chuyển tải đầy đủ thông tin rằng đại dịch chưa kết thúc. Họ tuyên bố chiến thắng quá sớm, tâm lý hứng khởi xuất hiện khắp mọi nơi, đặc biệt là từ số chính trị gia mong muốn khôi phục hoạt động kinh tế và muốn mở lại các chiến dịch vận động tranh cử. Điều đó đã tạo cho virus cơ hội trỗi dậy”, ông K Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế công tại Ấn Độ đánh giá.
Bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đang kiệt sức, họ nói nhiều về các ca tử vong do COVID-19 khi ngành y tế không thể chữa trị được cho bệnh nhân vì thiếu giường bệnh, thiếu sự chuẩn bị của chính quyền trung ương và chính quyền tiểu bang. Bác sĩ Amit Thadhani, Giám đốc Bệnh viện Niramaya ở Mumbai - đơn vị chỉ chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết ông từng đưa ra cảnh báo hồi tháng 2 vừa qua về làn sóng lây nhiễm mới, nhưng không mấy ai để ý.
“Bệnh viện giờ đây quá tải. Nếu có người được xuất viện, lập tức sẽ có người khác lấp chỗ trống. Mọi người xếp hàng dài ngoài bệnh viện để chờ đến lượt. Trung bình 30 giây chúng tôi lại nhận được một cuộc điện thoại hỏi xem còn giường không. Đa phần họ là những bệnh nhân nặng, cần điều trị y tế. Nhưng công suất bệnh viện tới hạn, vì thế nhiều người tử vong do không được cứu chữa”, ông Thadhani chia sẻ.
Tại thủ đô New Delhi, người dân ám ảnh bởi tiếng còi hú phát ra từ xe cứu thương chạy qua lại liên tục. Bệnh viện Lok Nayak - cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 lớn nhất của thành phố, luôn quá tải, thiếu bình oxy, buộc hai bệnh nhân phải nằm chung một giường, trong khi số chờ bên ngoài xếp hàng dài trên xe cứu thương hay băng ca. Nhiều người chết khi nằm chờ trên xe bệnh viện.
Để ngăn chặn sự sụp đổ toàn diện của hệ thống y tế, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal hôm 19/4 đã phải ban bố lệnh phong tỏa kéo dài trong 6 ngày, với lời thừa nhận “tình trạng bệnh dịch ở New Delhi là nguy cấp”. Ở thời điểm đó, 99% số buồng điều trị tích cực (ICU) đã được huy động hết. Chỉ một ngày sau, nhiều bệnh viện lớn ở thủ đô đã ở trong tình trạng thiếu bình oxy trầm trọng.
Quá tải cũng là điều dễ nhận thấy ở thủ đô thương mại Mumbai, thành phố lớn đầu tiên của Ấn Độ rơi vào làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Toàn bộ hệ thống y tế tại đây đã sụp đổ, đội ngũ bác sĩ, y tá kiệt sức. Mọi thứ cần cho khám điều trị đều thiếu, từ giường bệnh, bình oxy cho tới thuốc men, vaccine hay thiết bị, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm.
Số ca tử vong vì COVID-19 gây quá tải tại các lò hỏa táng, nghĩa trang ở bang Uttar Pradesh, Gujarat và New Delhi. Gia đình các nạn nhân phải mất nhiều ngày mới hoàn tất việc an táng người thân. Cuối tuần qua, lò hỏa táng Nigambodh Ghat lớn nhất tại New Delhi đã không còn chỗ chứa, bất chấp việc các nhân viên vận hành đã nâng gấp đôi số lượng giàn thiêu, lên hơn 60 giàn.
Nhiều biện pháp khẩn cấp đã được viện tới. Chính phủ mới đây đã đưa ra quyết định tất cả bình oxy phục vụ cho công nghiệp sẽ được chuyển sang cho các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu chưa có tiền lệ. Ngành đường sắt của Ấn Độ cũng chuẩn bị cho vận hành các chuyến tàu đặc biệt được thiết kế để mang theo oxy lỏng, bình oxy, được gọi là “Tàu oxy siêu tốc”. Hàng nghìn giường điều trị bệnh nhân COVID-19 được lắp đặt trên những toa tàu này.
Thế nhưng nhiều người cho rằng chừng đó là không đủ, khi mọi việc đã quá trễ. “Nhẽ ra cần phải nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình từ mấy tháng trước, thế nhưng các cấp chính quyền lại phủ nhận điều đó, đưa ra thông điệp virus không còn nguy hiểm nữa. Tôi e rằng chúng ta vẫn chưa chứng kiến điều tồi tệ nhất”, ông Thadhani nói.