Niềm tin thị trường chứng khoán được củng cố

Dù đối mặt với áp lực bán ra từ các quỹ ETF ngoại trong đợt tái cơ cấu quý I-2022, nhưng VN Index vẫn đứng vững, thậm chí còn tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 18-3. Đây chính là động lực để kéo dòng tiền quay lại với thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường bước qua “sợ hãi”

Trước phiên giao dịch ngày 18-3, rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) tỏ ra hoang mang với động thái tái cơ cấu danh mục đầu tư (review) quý I, nhất là trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang có những tác động tiêu cực tới tâm lý NĐT.

Cụ thể, theo công bố của 2 quỹ ETF ngoại là FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE ETF) và VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF), 2 quỹ này sẽ giảm tỷ trọng nắm giữ hàng loạt mã cổ phiếu (CP) có vốn hóa lớn và có tác động lớn đến VN Index, như MSN, VIC, VHM, HPG, VNM, VCB, SSI, POW, DIG, SAB, KDC, NVL, VND, SBT, KDH.

Thực tế, nhóm CP này chịu áp lực rất lớn từ quyết định bán ra của 2 quỹ ETF trên, với hàng loạt lệnh bán giá ATC có số lượng cực lớn được đẩy lên bảng điện. Tuy nhiên, phía ngược lại, lệnh mua vẫn khá vững vàng nhờ dòng tiền bắt đáy. Dòng tiền này đã giúp những mã CP bị bán ra kể trên không bị giảm sâu, thậm chí nhiều mã còn quay đầu tăng giá, như HPG, VRE, VIC, VHM, VCB, STB, NVL...

Lực cầu đổ mạnh vào nhóm CP có vốn hóa lớn bị ETF ngoại bán ra, cũng đã góp phần giúp VN Index kéo dài chuỗi tăng điểm trong 4 phiên giao dịch trong tuần vừa qua.

Không chỉ có phiên giao dịch cuối tuần qua, sự khởi sắc của thị trường còn thể hiện ở phiên giao dịch ngày 17-3. Dù đây là phiên giao dịch đáo lệnh hợp đồng phái sinh VN30F2203, nhưng VN Index vẫn duy trì được sắc xanh nhờ bên cầm hàng giữ được “cái đầu lạnh”, chỉ bán ra giá trên tham chiếu, thay vì bán tháo bằng mọi giá như các phiên giảm trước. Điểm sáng trong phiên giao dịch này còn đến từ khối ngoại, khi họ quay sang mua ròng (136 tỷ đồng), chấm dứt chuỗi bán ròng 8 phiên trước đó.

Cơ hội tích lũy CP tốt

Trở lại với diễn biến căng thẳng địa chính trị thế giới, theo các công ty chứng khoán (CTCK), NĐT cũng đã trút bỏ được tâm lý lo ngại sau chuỗi 4 phiên tăng điểm tuần vừa qua. Theo CTCK VNDirect (VND), các số liệu thống kê lịch sử cho thấy chiến tranh và căng thẳng địa chính trị phần lớn ảnh hưởng đến TTCK trong ngắn hạn, khoảng 2-3 tuần sau khi sự kiện diễn ra.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 sụt giảm trong những sự kiện như vậy trung bình khoảng 4-6% và thị trường sẽ sớm phục hồi, quay trở lại xu hướng tăng trong vòng 2-3 tháng. Riêng TTCK Việt Nam, cùng với TTCK khu vực ASEAN, dường như ít bị ảnh hưởng trong những thời điểm diễn ra chiến sự và xung đột địa chính trị. Chính từ những yếu tố này, các chuyên gia phân tích của VND cho rằng, bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể tạo ra cơ hội cho NĐT tích lũy CP tốt.

Kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã báo cáo kết quả kinh doanh tăng, là con số ấn tượng với mức tăng trưởng đạt gần 37% so với cùng kỳ năm 2020. Các CTCK giữ nguyên mức dự báo EPS toàn ngành năm 2022, tương đương mức tăng gần 21% so với năm 2021 (phù hợp với mức đồng thuận của thị trường).

Theo CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS), nhìn chung hoạt động kinh doanh của các NDNY sẽ thuận lợi hơn trong bối cảnh vĩ mô phục hồi, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ. Động lực tăng trưởng đến chương trình hồi phục kinh tế giai đoạn 2022-2023 có quy mô khoảng 4% GDP, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kích cầu tiêu dùng và đầu tư.

Ngoài yếu tố chính trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNY còn được hưởng lợi nhờ các yếu tố, như tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp; tăng trưởng tín dụng khoảng 13% trong năm 2022, với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp; DN xuất khẩu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, nhu cầu bên ngoài hồi phục.

2 kịch bản cho VN Index

Theo giới phân tích, với mức tăng trưởng EPS kỳ vọng năm 2022 gần 21%, P/E sẽ đạt khoảng 14x, có nghĩa TTCK Việt Nam tương đối hấp dẫn so với một số nước khác trong khu vực, như Ấn Độ (24x), Thái Lan (18x), Philippines (17x), Indonesia (15x), và Malaysia (15x).

Hơn nữa, mức ROE hiện tại 15,6% đang cao hơn nhiều nước trong khu vực, và có thể tiếp tục cải thiện nhờ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022. Do vậy, dù đối mặt với tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng nhiều CTCK giữ nguyên mức kỳ vọng VN Index sẽ có thể chinh phục ngưỡng 1.700 điểm trong năm nay, tương ứng với mức P/E hợp lý khoảng 16x.

Hơn nữa, theo MAS, NĐT cá nhân (chiếm 86% tổng giá trị giao dịch trong năm 2021) tiếp tục là động lực chính của thị trường trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn, trong khi triển vọng TTCK lạc quan. Cuối tháng 2, số lượng tài khoản CK cá nhân đạt hơn 4,5 triệu tài khoản, chưa đến 5% dân số. Do đó, số lượng tài khoản CK mở mới bởi các cá nhân trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.

Nhận định về VN Index, CTCK BIDV (BSC) đưa ra 2 kịch bản cho chỉ số này trong năm 2022. Với kịch bản 1, VN Index sẽ vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại vùng đỉnh 1.530 điểm, khi nền kinh tế thích ứng tốt trong trạng thái bình thường mới và Chính phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, tiến đến mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc.

Thị trường dự báo tiếp tục phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh quý I, triển vọng năm 2022 công bố tại ĐHCĐ thường niên cũng như diễn biến TTCK thế giới.

Với kịch bản 2, căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Không loại trừ khả năng làm giảm các tác động tích cực của gói phục hồi và định hướng của Chính phủ. Khi đó 1.500 điểm tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng cản tâm lý quan trọng, VN Index sẽ tiếp tục tích lũy trong khoảng 1.430-1.500 điểm trong quá trình chờ đợi thêm những thông tin hỗ trợ.

Căng thăng xung đột giữa Nga - Ukraine, cộng với việc Fed tăng lãi suất, là nguyên nhân khiến khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng. Tuy nhiên, mức độ bán ròng sẽ thu hẹp đáng kể khi nền kinh tế từng bước tăng trưởng trở lại.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/niem-tin-thi-truong-chung-khoan-duoc-cung-co-103257.html