Niềm tin và đồng thuận
Cùng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, bài bản, với nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Điều rất ý nghĩa là kết quả mang lại đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta.
1. Công tác phòng, chống lãng phí trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước chỉ đạo đẩy mạnh, gắn chặt với khơi thông mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035; hướng dẫn một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí và nhiều cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án, công trình nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Trên cơ sở này, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, từng bước tháo những “nút thắt”, xử lý các dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay đã xác định có hơn 2.800 công trình, dự án chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, với nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả khoảng trên 347 nghìn héc ta đất, giá trị đầu tư hơn 5,8 triệu tỷ đồng. Qua rà soát, bước đầu đã giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 867 công trình, dự án để đưa vào khai thác, tiếp tục đầu tư, khởi động đầu tư, với tổng giá trị ước tính khoảng 372 nghìn tỷ đồng.
Một số công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn, tồn đọng kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ đã, đang được hồi sinh. Cụ thể là đã ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện năng lượng tái tạo; các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương... Đặc biệt, 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 sau nhiều năm dừng thi công đã được khởi động và dự kiến đưa vào hoạt động trước ngày 30-11-2025... Điều này thực sự có ý nghĩa, bởi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hai dự án thi công dở dang và bỏ không thời gian dài dẫn đến lãng phí, có dấu hiệu thiệt hại lên đến hơn 1.200 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Như vậy, hai dự án này nếu còn để chậm ngày nào, chắc chắn thiệt hại và lãng phí sẽ tiếp tục tăng lên ngày đó, trong khi nhu cầu thăm khám sức khỏe và chữa bệnh của nhân dân đang rất cấp bách.
Cùng với xử lý các công trình, dự án gây lãng phí, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong lĩnh vực này được tiến hành thận trọng, nghiêm minh. Cơ quan chức năng đã chủ động nhận diện, đánh đúng, đánh trúng nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về lãng phí. Những người chịu trách nhiệm về những sai phạm này cũng được “chỉ mặt, gọi tên”. Điển hình là vụ việc gây thất thoát, lãng phí ở 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam...
Có thể thấy, các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm đều được cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm theo đúng tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Quá trình này đã nhận diện, làm rõ được hành vi, biểu hiện lãng phí và chỉ ra tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm. Đây là điều nhân dân hết sức mong chờ và tin tưởng cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp này sẽ góp thêm nguồn lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
2. Từ thực tế phòng, chống lãng phí cho thấy, đây là nhiệm vụ hết sức đúng đắn, kịp thời và cấp bách, cần ưu tiên làm thường xuyên, liên tục, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bởi kết quả đạt được từ việc này thời gian qua đã tạo được đồng thuận và niềm tin rất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Không khó để chúng ta thấy được sự phấn khởi và ủng hộ, tin tưởng tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống lãng phí của Đảng, Nhà nước ta. Bởi những công trình, dự án “đắp chiếu” nhiều năm gây thất thoát, lãng phí biết bao nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, giờ đây được hồi sinh bằng quyết tâm chống lãng phí. Hơn thế, những người gây ra sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công tác phòng, chống lãng phí càng phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Nhiệm vụ quan trọng là xây dựng bộ máy chính quyền địa phương thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, thực hiện nhiệm vụ hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc này phải làm quyết liệt, hiệu quả, thực chất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, phường, đặc khu cần xây dựng và đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện như “cơm ăn, nước uống hằng ngày”. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần rèn luyện, hình thành tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, nâng cao trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cùng với tiếp tục xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc gây lãng phí đã được cấp thẩm quyền chỉ ra, các bộ, ngành trung ương cũng như chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và các tài sản công sau sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong thời gian này, nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng phương án quản lý, sử dụng đối với các trụ sở công dôi dư (thống kê sơ bộ hiện có khoảng trên 4.200 trụ sở dôi dư), bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tránh để lãng phí, tiêu cực.
Cả trước mắt và lâu dài, công tác phòng, chống lãng phí cần chuyển trọng tâm sang phòng ngừa, chủ động nhận diện, dự báo, cảnh báo vi phạm từ sớm, từ xa; kiên quyết không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn và tái diễn trong tương lai. Đặc biệt, trong công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm sao để không ai dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và vi phạm pháp luật.
Công tác phòng, chống lãng phí đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta nhằm quét sạch “căn bệnh” lãng phí sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và tạo thêm nguồn lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/niem-tin-va-dong-thuan-709771.html