Niềm tin và khát vọng cống hiến

Cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân trên địa bàn cả nước phấn khởi hòa mình vào ngày hội lớn với niềm tin và khát vọng cống hiến. Từ hôm nay (1-7), chính quyền địa phương hai cấp trên cả nước chính thức hoạt động. Điều này tạo ra hy vọng lớn về sự đổi thay tích cực để chính quyền gần dân hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

Hà Nội chuẩn bị kỹ, nêu cao tinh thần trách nhiệm

Tại Hà Nội, sáng 30-6, trong không khí rộn ràng, ngập tràn cờ hoa trên từng con phố, người dân, cán bộ, công chức, người lao động của Thủ đô hướng về Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô để lắng nghe thông tin về lễ công bố các nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, các quyết định của thành phố về việc triển khai tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Đáp ứng nhu cầu của người dân, TP Hà Nội đã triển khai một màn hình led cỡ lớn đặt tại Quảng trường Công viên Lênin để truyền hình trực tiếp lễ công bố.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Thông báo số 729/TB-UBND ngày 25-6-2025 về địa điểm trụ sở làm việc của 126 phường, xã sau sắp xếp thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội, gửi tới các sở, ngành, địa phương để các địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân nắm được địa chỉ các trụ sở hành chính mới.

Có mặt tại trụ sở UBND phường Tây Hồ, chúng tôi thấy các cán bộ, công chức, viên chức đang tất bật với công việc. Theo đồng chí Nguyễn Việt Cường, Phó chủ tịch UBND phường Tây Hồ, trong những ngày này, do khối lượng công việc nhiều nên cán bộ phường Tây Hồ luôn quán triệt tinh thần làm việc khẩn trương và trách nhiệm. Các đồng chí thường đến cơ quan từ sáng sớm và rời khỏi phòng làm việc lúc 9-10 giờ đêm. Đến nay, về cơ bản, các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ đã được thành phố quan tâm phê duyệt đầy đủ, bảo đảm thuận lợi cho quá trình vận hành. Trong quá trình hoạt động thử nghiệm, hệ thống đôi lúc còn hiện tượng nghẽn và gặp gián đoạn, tuy nhiên, các lực lượng đã gấp rút khắc phục, đến thời điểm này đã vận hành ổn định, đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra, sẵn sàng phục vụ nhân dân.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Trước đó, phát biểu kết luận hội nghị sơ kết vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp ngày 27-6, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không thể lường hết được các tình huống trong thực tiễn nên cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu các xã, phường phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để giải quyết, không lệ thuộc vào việc có quy định hay chưa, có phân công hay chưa. Tinh thần cốt lõi là lấy hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu quan trọng hàng đầu; không để xảy ra tình trạng người dân hay doanh nghiệp đến làm việc mà không biết ai xử lý, không được giải quyết.

TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực, hiệu quả ngay từ ngày đầu

Hôm qua (30-6), cùng với cả nước, không khí phấn khởi, niềm tin vào mô hình bộ máy chính quyền địa phương hai cấp lan tỏa khắp 168 phường, xã, đặc khu tại TP Hồ Chí Minh. Từ chính quyền đến người dân, từ các khu dân cư đến các cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp... tất cả đều cùng nhau chỉnh trang, dọn dẹp, treo cờ Tổ quốc, trồng cây xanh, cập nhật và thay mới bảng hiệu, địa chỉ, bảng số nhà, tên khu phố... tạo nên diện mạo rực rỡ.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hiệp Bình, công tác chỉnh trang đã được triển khai chu đáo, hoàn thiện, các trang thiết bị, hồ sơ, vật dụng từ bộ phận một cửa của 3 phường trước đây đã được huy động, sắp xếp khoa học để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngay từ ngày đầu tổ chức bộ máy mới.

Theo đồng chí Võ Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình, phường có diện tích hơn 16km2 và dân số gần 216.000 người, đông thứ hai của TP Hồ Chí Minh. Do đó, cán bộ, công chức của phường và Trung tâm Phục vụ hành chính công quán triệt tốt nhiệm vụ với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để bảo đảm mọi công việc vận hành thông suốt ngay từ đầu.

Để chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tốt từ nhân sự, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm dùng chung đến chính sách hỗ trợ cán bộ phải di chuyển chỗ làm việc... Đồng chí Đỗ Thị Minh Quân, Bí thư Đảng ủy phường Bình Quới chia sẻ, tổ chức lại bộ máy không chỉ là sự thay đổi địa giới hành chính mà là sự khởi đầu mới, là trách nhiệm to lớn của mỗi cán bộ, công chức trước Đảng, trước nhân dân. Bộ máy mới cấp xã, phường phải nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, giữ vững an ninh, trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

TP Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương tiên phong tiến hành kết nối, triển khai thử nghiệm trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh đã thực hiện vận hành đồng bộ cho 168 phường, xã, đặc khu về hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, hệ thống Cổng thông tin 1022, hệ thống giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính... Thời gian tới, các nền tảng số dùng chung của thành phố sẽ tiếp tục vận hành và phát triển trên nguyên tắc “Một hệ thống thống nhất-Một dữ liệu duy nhất-Một dịch vụ liền mạch”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thành phố quyết tâm đưa toàn hệ thống chính trị, nhất là bộ máy chính quyền địa phương hai cấp vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ giờ đầu, ngày đầu, để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. TP Hồ Chí Minh nhận thức rằng, thước đo duy nhất đúng trong mọi cuộc cải cách là sự thụ hưởng và chất lượng sống của người dân thành phố.

Đất Tổ vững tin hướng tới tương lai

Chúng tôi có mặt tại xã Tam Dương, tỉnh Phú Thọ đúng thời điểm đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã đang theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo nghị quyết của Trung ương, 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới. Không chỉ là sự sắp xếp địa giới hành chính, quyết sách này còn mở ra một không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh Phú Thọ mới, nơi các mạch nguồn văn hóa, lịch sử, con người cùng nhau hội tụ, lan tỏa. Cách đó không xa, các hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã vẫn hoạt động bình thường. Đội ngũ cán bộ, công chức của xã vẫn đang tập trung rà soát, phân loại, bàn giao hồ sơ, tài liệu theo hướng dẫn.

Theo đồng chí Đào Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Dương, những ngày qua, đội ngũ cán bộ, công chức của xã làm việc không kể ngày đêm, tập trung cao cho công tác hoàn thiện hồ sơ công việc trên tất cả lĩnh vực; chuẩn bị cả về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; rà soát, nâng cấp hệ thống trụ sở, trang thiết bị làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành theo phương thức mới. Mặc dù đang trong giai đoạn bộn bề công việc nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, không những không để gián đoạn công việc, ngược lại phải đẩy mạnh năng lực tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thông suốt, liên tục, nhanh, hiệu lực, hiệu quả, sát dân, gần dân.

Tại xã Tam Nông, chúng tôi tới Trung tâm Phục vụ hành chính công xã và ghi nhận một không gian làm việc thân thiện, quy trình tiếp nhận, xử lý, phê duyệt hồ sơ minh bạch, hiệu quả. Hệ thống phần mềm quản lý hiện đại giúp rút ngắn thời gian, giảm sai sót và tăng tính chính xác.

Đặc biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi, để người dân sớm tiếp cận với chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, các xã mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều bố trí rõ ràng địa điểm làm việc, bảo đảm đầy đủ hệ thống biển bảng, sơ đồ hướng dẫn khoa học tại trụ sở xã; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Loa truyền thanh, họp thôn, tờ rơi, các nền tảng mạng xã hội... đến từng hộ dân. Phân công cán bộ cụ thể phụ trách từng khu dân cư, trực tiếp hướng dẫn người dân cách tra cứu thông tin, nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đều xác định, mỗi cơ sở phải là “cầu nối” thân thiện, chủ động nắm bắt nhu cầu, phản ánh kịp thời những vướng mắc từ cơ sở lên cấp trên.

Những bước chuyển mình đầu tiên tuy còn nhiều thách thức nhưng bằng sự đồng lòng, các địa phương tại Phú Thọ đều đang nỗ lực, tập trung thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng, để vững bước hướng tới tương lai...

Điện Biên: Các nội dung vận hành được thực hiện nghiêm túc, thông suốt

Đại diện cho 45 cán bộ được UBND tỉnh Điện Biên trao quyết định khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp, đồng chí Trịnh Hoàng Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang bày tỏ: "Đây là ngày hội lớn của cấp ủy, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. 45 xã, phường tỉnh Điện Biên sẽ chính thức đi vào hoạt động, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, cán bộ, nhân dân tỉnh Điện Biên có niềm tin sâu sắc vào công cuộc đổi mới của đất nước sẽ gặt hái nhiều thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân".

Do làm tốt công tác chuẩn bị bài bản, toàn diện về tổ chức, hạ tầng công nghệ và đội ngũ cán bộ, đến nay, các xã, phường trong tỉnh đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi quan trọng này. Đặc biệt, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền xã mới. Trong đó, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 xã, phường để tổ chức vận hành thử nghiệm điểm. Các nội dung vận hành gồm: Kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp xã, phiên họp đầu tiên của UBND cấp xã, hoạt động thử nghiệm của Trung tâm Phục vụ hành chính công. Qua đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình, rà soát vướng mắc phát sinh, từ đó điều chỉnh kịp thời trước khi mô hình chính thức vận hành.

Xã Thanh Nưa mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 xã (Thanh Nưa, Hua Thanh, Thanh Luông, Thanh Hưng và Thanh Chăn). Trong ngày đưa vào vận hành thử nghiệm (ngày 25-6), xã đã tổ chức kỳ họp HĐND lần thứ nhất và triển khai hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công. Điểm nổi bật trong vận hành thử là việc đưa vào sử dụng ki ốt dịch vụ công, giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, giảm thiểu thời gian chờ đợi. Việc kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia cũng giúp quá trình tra cứu, xử lý hồ sơ thuận lợi hơn. Một số thủ tục hành chính đã được thực hiện theo phương thức trực tuyến và liên thông, ví dụ: Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giải quyết chế độ với người có công từ trần...

Còn tại xã Na Sang, đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị hành chính (Na Sang, Ma Thì Hồ, Sa Lông và thị trấn Mường Chà), công tác chuẩn bị cho vận hành mô hình chính quyền mới đã cơ bản hoàn thành. Trung tâm Phục vụ hành chính công được trang bị đầy đủ trang thiết bị, bố trí cán bộ phù hợp, niêm yết công khai các thủ tục và thực hiện thử nghiệm tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến và liên thông. Đặc biệt, đối với các thủ tục hành chính liên thông, quy trình xử lý diễn ra thông suốt, đồng bộ, thời gian giải quyết được rút ngắn đáng kể so với trước đây. Vận hành thử nghiệm kỳ họp thứ nhất HĐND xã được tổ chức đầy đủ các nội dung theo quy định.

Ngoài những xã điểm vận hành thử nghiệm trong ngày 25 và 26-6, đến ngày 30-6, các xã, phường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã hoàn thành vận hành thử nghiệm. Các nội dung được thực hiện nghiêm túc, thông suốt. Những khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị bước đầu được khắc phục phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm việc phục vụ người dân không bị gián đoạn.

Thanh Hóa tái cấu trúc mạnh mẽ ở cấp cơ sở

Sáng 30-6, tại TP Thanh Hóa, lễ công bố các nghị quyết và quyết định liên quan được tổ chức trọng thể, truyền hình trực tiếp đến 166 điểm cầu. Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm và cách làm bài bản của tỉnh Thanh Hóa-một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính. Phó thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Thanh Hóa chuyển nhanh từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, coi sự hài lòng của người dân là thước đo, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho các địa phương còn thiếu cán bộ để bộ máy mới vận hành trơn tru, không gián đoạn công vụ.

Phát biểu tại lễ công bố, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Không để ngắt quãng hành chính, không để dân phải chờ đợi. Cán bộ phải là người phục vụ đúng nghĩa. Những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, đầu tư được chỉ đạo công khai toàn bộ quy trình, bố trí cán bộ đủ năng lực, xử lý triệt để từ cơ sở. Mô hình hai cấp không chỉ là giảm tầng nấc mà là tái cấu trúc quyền lực, trao quyền trực tiếp cho cấp xã, đưa chính quyền gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm trước dân...”.

Thanh Hóa đã thực hiện một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ ở cấp cơ sở: Từ 547 xã, phường, sau sáp nhập toàn tỉnh còn 166 xã, phường. Đây không chỉ là sự tinh gọn về số lượng mà là bước chuẩn bị chiến lược cho mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Trước thời khắc lịch sử, các cán bộ, công chức đã diễn tập vận hành toàn diện, bàn giao con dấu, kiểm thử phần mềm, kiện toàn nhân sự, bảo đảm chính quyền mới hoạt động trơn tru ngay từ ngày đầu. Trụ sở các xã được bố trí khoa học, hạ tầng công nghệ liên thông từ tỉnh đến xã, mỗi cán bộ đều có tài khoản tác nghiệp điện tử. Tất cả minh chứng cho một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả. Quảng Trị: Cầu thị, trách nhiệm cao

Cùng với cả nước, sáng 30-6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh Quảng Trị mới. Tỉnh Quảng Trị mới có diện tích gần 12.700 km2, dân số hơn 1,8 triệu người với 78 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đặc khu. Đồng chí Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Trên cương vị mới, nhiệm vụ mới, chúng tôi cam kết luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu và phục vụ với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao nhất”.

Cần Thơ: Cán bộ quyết tâm cao, bắt tay ngay vào việc

Để sẵn sàng phục vụ nhân dân, từ ngày 18 đến 27-6, TP Cần Thơ đã tổ chức vận hành thử mô hình chính quyền mới tại một số đơn vị hành chính cấp xã. Cán bộ, công chức các xã, phường được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ xử lý thủ tục hành chính trên phần mềm mới, đồng thời rà soát kỹ lưỡng về nhân sự, trụ sở, thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin. Đến cuối tháng 6, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.

Ghi nhận tại trụ sở UBND quận Ninh Kiều, nơi sẽ là trung tâm phục vụ hành chính công của phường Ninh Kiều mới, chúng tôi thấy một không khí làm việc tất bật. Cán bộ, nhân viên đang hoàn thiện các khu vực tiếp nhận, bố trí lại phòng, ban, bổ sung trang thiết bị, trang trí bảng hiệu, biển chức danh. “Chúng tôi ưu tiên hoàn thiện các khu vực giải quyết thủ tục hành chính, bộ phận tiếp công dân, phòng họp trực tuyến... để từ ngày 1-7, bộ máy có thể hoạt động trơn tru, không để người dân phải chờ đợi”, đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND phường Ninh Kiều cho biết.

UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính khi vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Các sở, ngành, địa phương được yêu cầu khẩn trương giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trước ngày 1-7, đồng thời số hóa 100% kết quả giải quyết trên hệ thống thông tin mới.

Những hồ sơ có thời gian trả kết quả sau ngày 1-7 hoặc đang xử lý dang dở sẽ được chuyển sang hệ thống mới để tiếp tục giải quyết, bảo đảm quy trình hành chính không bị gián đoạn. Danh sách địa điểm tiếp nhận hồ sơ mới cũng được công khai rộng rãi để người dân thuận tiện trong việc tra cứu và thực hiện thủ tục.

Không khí khẩn trương, tinh thần chủ động cũng được ghi nhận tại nhiều xã, phường mới như: Phường Bình Thủy; xã Thạnh Quới... Tại đây, cán bộ không chỉ lo công tác chuẩn bị nội bộ mà còn tích cực đến từng hộ dân phát tờ rơi, giải thích rõ về địa giới hành chính mới, địa điểm làm thủ tục hành chính và các thay đổi có liên quan.

Theo đồng chí Huỳnh Thái Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thạnh Quới, căn cứ các quyết định công bố, từ ngày 1-7, Đảng bộ xã Thạnh Quới, TP Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động. Các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, các phương án đều đã được chuẩn bị và sẵn sàng. Xã cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền về sự thay đổi mang tính lịch sử này đến với nhân dân trong xã, nhằm giúp bà con hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, bảo đảm các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục... trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Ghi nhanh của nhóm phóng viên Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/niem-tin-va-khat-vong-cong-hien-835155