Niềm tin về dấu ấn và bản sắc mới

Vừa qua, Việt Nam đã khởi động các hoạt động trên cương vị là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 4-2021. Đây là lần thứ 2 Việt Nam vinh dự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ và cũng là kỳ chủ tịch luân phiên cuối cùng trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ chủ trì Họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 4-2021. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ chủ trì Họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 4-2021. Ảnh: TTXVN

Dấu ấn thành công

Việc đảm nhận Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ là trọng trách đa phương đầu tiên mà Việt Nam đảm nhiệm sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đề ra tầm nhìn và những định hướng và chủ trương lớn cho sự phát triển của đất nước, trong đó có đường lối đối ngoại trong giai đoạn tới. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhìn nhận, việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ HĐBA, trong đó có 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA, sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với LHQ và với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tạo đà cho việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, đây là sự đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ ngoại giao, đặc biệt là cán bộ ngoại giao đa phương, cả về lượng và chất, sẵn sàng dấn thân và vươn lên đảm nhận những trọng trách mới mà Đảng và Nhà nước giao phó, xứng với tầm vóc, với thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp năm qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác HĐBA, hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ và ghi rõ “dấu ấn Việt Nam” tại cơ quan quan trọng nhất của LHQ về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đó là dấu ấn và bản sắc đối ngoại của một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phản đối mọi hình thức chiến tranh và sử dụng vũ lực, đề cao Hiến chương LHQ, tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm của một Ủy viên HĐBA LHQ luôn thúc đẩy đồng thuận chung, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột.

Bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ HĐBA và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Những định hướng chiến lược, tư duy mới về đối ngoại, cùng với những thành công của năm đầu tiên tham gia HĐBA là nền tảng thuận lợi để Việt Nam phát huy vai trò hơn nữa trọng trách Chủ tịch luân phiên HĐBA lần thứ hai.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, tháng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA của Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Một trong những khó khăn nổi cộm nhất hiện nay là nhiều vấn đề nảy sinh phức tạp, trong đó có vấn đề Myanmar, Triều Tiên, Yemen hay Syria... Trong bối cảnh các vấn đề có thể nảy sinh bất cứ lúc nào, các nước trong HĐBA luôn phải túc trực, sẵn sàng xử lý các vấn đề. Dù các nước lớn đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn có những vấn đề không thống nhất được với nhau, cho nên điều này ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các nước khi làm việc tại HĐBA.

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định, Việt Nam hiện đã có 15 tháng đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có thể giúp hợp tác trong và ngoài HĐBA trơn tru và hiệu quả hơn. Đặc biệt là với uy tín và những thành quả quan trọng đã đạt được trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1-2020, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn của các nước trong HĐBA.

Đối tác vì hòa bình bền vững

Trong tháng Chủ tịch, Việt Nam đã đề xuất và được HĐBA LHQ thông qua chương trình làm việc tháng 4 với 15 cuộc họp công khai, 10 cuộc họp kín thảo luận về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế như tình hình Trung Đông, Syria, Libya, Yemen, Sudan, Nam Sudan, Mali, khu vực Hồ Lớn, Tây Sahara, Colombia, Kosovo.

Theo ông Đỗ Hùng Việt,Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), Việt Nam sẽ chủ trì 3 sự kiện dấu ấn quan trọng trong tháng Chủ tịch HĐBA thúc đẩy một số vấn đề điểm nhấn ưu tiên. Sự kiện trọng tâm là Phiên Thảo luận mở Cấp cao với chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”. Chủ đề này nhằm tiếp tục thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực cũng như hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN. Đây cũng là chủ đề kế thừa và tiếp nối những thành công trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và sáng kiến của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA lần thứ nhất.

Phiên họp cấp Bộ trưởng về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”. Sáng kiến cụ thể trong vấn đề này sẽ thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực Việt Nam và nhiều nước quan tâm cũng như có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021. Chủ đề hứa hẹn thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, qua đó tranh thủ hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam cũng như các nước chịu ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn.

Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang”. Sáng kiến này của Việt Nam cũng là một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy tại HĐBA và các diễn đàn quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực chưa được thảo luận một cách tổng thể.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ, với trọng trách của mình, Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên và sự kiện mang đậm dấu ấn, đồng thời là cam kết của Việt Nam nhiệm kỳ này là “Đối tác vì hòa bình bền vững”, đó là tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các cuộc xung đột, thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, đặt người dân vào vị trí trung tâm, chính sách nhân văn hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương.

Truyền thông quốc tế cho biết, các nước thành viên HĐBA LHQ đã hoan nghênh các chủ đề thảo luận quan trọng được Việt Nam thúc đẩy trong tháng Chủ tịch 4-2021. Các nước thành viên cũng đánh giá rằng, những chủ đề do Việt Nam đề xuất có tính đa dạng, đặt con người ở vị trí trung tâm và thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xung đột, thúc đẩy hòa bình bền vững. Mặt khác, các quốc gia tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ phát huy vai trò tích cực khi đảm nhiệm trọng trách này, tương tự như lần đầu đảm nhiệm vào tháng 1-2020. Đặc biệt, với tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước, hoàn toàn có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 4-2021 với những đóng góp, dấu ấn mới.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/niem-tin-ve-dau-an-va-ban-sac-moi-post438735.html