Niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư

Không phải ngẫu nhiên, trong bối cảnh thế giới đang khó khăn, song dòng vốn FDI vẫn 'chảy' mạnh vào Việt Nam, nhất là vào giai đoạn nước rút vào cuối năm 2023.

Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết: Theo khảo sát của JETRO, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu. Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp. Đây là những dấu hiệu hết sức tích cực.

Theo JETRO, nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng sau một vài năm khó khăn. Trong đó, các lĩnh vực như số hóa, công nghệ thông tin rất vững chắc.

Nhiều nhà kinh tế dự báo năm kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục suy giảm, tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai” - vị này cho biết.

Trong khi đó, ông David Whitehead - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (Auscham) đánh giá, bối cảnh toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 đã đặt ra một số thách thức, khó khăn nhất định.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để đề xuất những chính sách linh hoạt và triển khai các giải pháp thích ứng.

Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập 12 Tổ công tác đặc biệt nhằm nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cũng nhờ những hành động kịp thời của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã đồng hành cùng doanh nghiệp FDI cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thích ứng và phát triển; tháo gỡ khó khăn; chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp,...” - ông David Whitehead nói.

 Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam dù bối cảnh thế giới đang khó khăn. Ảnh: T.L

Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam dù bối cảnh thế giới đang khó khăn. Ảnh: T.L

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính tới cuối tháng 9 đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tức là chỉ trong 3 tháng, tổng vốn đầu tư đã tăng tới 6,78 tỷ USD. Bước sang tháng đầu tiên của quý IV, FDI tiếp tục tăng rất mạnh. Tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Tức là chưa đầy 1 tháng tăng hơn 5 tỷ USD. Với đà tăng tốc như trên, một số dự báo cho rằng, kết thúc năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam có thể vượt trên 30 tỷ USD và vốn đầu tư trực tiếp có thể đạt mức kỷ lục trên 22 tỷ USD.

Phó Chủ tịch Auscham cho rằng, cộng đồng FDI tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục triển khai giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế,... góp phần tạo môi trường ổn định cho hoạt động kinh doanh và đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ông Bruno Jaspert - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC chia sẻ, với vị trí địa lý, chính sách khuyến khích về kinh tế và ổn định chính trị đảm bảo Việt Nam là thiên đường an toàn cho các nhà đầu tư tới thiết lập cơ sở sản xuất mới nhất.

Công ty chúng tôi, Khu công nghiệp DEEP C đã may mắn đón bắt được làn sóng đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi không thể thực hiện điều đó nếu như không nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan chính quyền và sự hỗ trợ quan trọng của Chính phủ” - ông Bruno Jaspert nói.

Ông Bruno Jaspert nhấn mạnh, Việt Nam rất đặc biệt. Với trải nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau, ông rất bất ngờ với tốc độ giải quyết thủ tục thành công của cơ quan chính quyền khi Chính phủ đã có quyết định.

“Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nói với chúng tôi họ sẽ tới Việt Nam với cam kết dài hạn với đất nước này và tương lai của đất nước” - vị này nói.

Trước đó, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra 3 cam kết với nhà đầu tư.

Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Bên cạnh đó, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ và thông cảm với các nhà đầu tư về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng, tác động lớn tới bên trong.

Thủ tướng nhấn mạnh: Những kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Mong các nhà đầu tư luôn yêu quý Việt Nam như quê hương” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/niem-tin-vung-chac-cua-cac-nha-dau-tu-post278519.html