Niềm tự hào cao quý
18 nhà giáo vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2020.
Một trong những nhà giáo cao tuổi nhất được phong tặng lần này là GS.TS Trần Hữu Dàng (giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế) - người có 41 năm công tác trong ngành Giáo dục, trong đó 34 năm trực tiếp giảng dạy. Ông là GS đầu ngành về nội tiết và chuyển hóa; Chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Bộ và tỉnh được nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, điều trị bệnh. Ông đồng thời là chủ biên 9 giáo trình, sách; Có 116 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, trong đó 34 bài là tác giả chính. GS Dàng đã hướng dẫn chính 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 71 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú.
Nhà giáo nhân dân trẻ nhất được phong tặng năm nay là cô Huỳnh Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Được phong tặng Nhà giáo ưu tú năm 2010, có 28 năm công tác tại trường vùng khó với nhiều cống hiến xuất sắc, cô Thảo cũng là giáo viên tiểu học duy nhất được nhận danh hiệu cao quý
lần này.
Những năm qua, công tác xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú góp phần quan trọng tạo động lực và nâng cao vị thế nhà giáo trong thời kỳ đổi mới. Lần xét tặng thứ 14 năm 2017, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho 64 Nhà giáo Nhân dân, 748 Nhà giáo Ưu tú. Lần xét tặng thứ 15 năm 2020, có 997 hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, trong đó 27 hồ sơ đề nghị xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đây là sự tôn vinh, niềm hạnh phúc, tự hào và niềm vinh dự của ngành Giáo dục, nhà giáo, nhà trường và cá nhân các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Điểm chung của các thầy cô là đều có đóng góp đặc biệt xuất sắc với sự nghiệp GD-ĐT của dân tộc. Đây là những gương mặt nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc nhất, có tài năng sư phạm, luôn say sưa, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu học trò, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội; Được học trò, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.
Công tác thi đua, khen thưởng luôn được ngành Giáo dục chú trọng trong những năm qua. Bên cạnh xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú còn có khen thưởng thường xuyên theo năm học; Khen thưởng chuyên đề và khen thưởng cống hiến; Đột xuất; Bậc cao và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp GD-ĐT. Thi đua, khen thưởng luôn được quán triệt với cách làm nghiêm túc, quy định, quy trình, kịp thời, khách quan, dân chủ, công bằng, không để xảy ra trường hợp khiếu nại, tố cáo; Khen thưởng đúng đối tượng, đúng thành tích. Điều này đã kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển.
Thi đua, khen thưởng chỉ mang lại hiệu quả khi tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chủ động, tích cực tham gia vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Cấp ủy Đảng phải luôn là hạt nhân lãnh đạo, chính quyền cùng với tổ chức đoàn thể đề ra các chương trình, giải pháp cụ thể thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Nhưng có lẽ, lực đẩy quan trọng nhất vẫn là từ cá nhân mỗi nhà giáo, làm sao để mỗi người luôn nỗ lực từng ngày, tự thi đua với chính bản thân mình, để không cho phép mình trở nên lạc hậu. Làm sao để thời gian làm việc là chuỗi ngày cố gắng học hỏi và huy động tối đa khả năng của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cảm nhận niềm hạnh phúc vì sự tiến bộ của bản thân. Với những nỗ lực ấy, mỗi nhà giáo đều phấn đấu trở thành người có giá trị với học sinh và nhận được sự đánh giá tích cực, tôn trọng, ngưỡng mộ của cha mẹ học sinh và đồng nghiệp. Đó mới là niềm tự hào cao quý nhất.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/niem-tu-hao-cao-quy-kc1hdQfMR.html