Niềm tự hào châu Á

Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 95, các tác phẩm điện ảnh, diễn viên từ châu Á để lại dấu ấn đậm nét với chiến thắng ở các hạng mục quan trọng nhất cho thấy vị thế ngày càng được khẳng định của điện ảnh phương Đông tại giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh.

"Ngọn hải đăng" của hy vọng và khả năng

Tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 95, diễn ra tại Nhà hát Dolby ở thành phố Los Angeles (Mỹ) sáng 13.3 (giờ Việt Nam), nữ diễn viên Malaysia Dương Tử Quỳnh đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi bước lên bục nhận giải với vai diễn trong bộ phim Everything Everywhere All at Once. Lần đầu tiên trong lịch sử 95 năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đã trao tượng Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho một phụ nữ châu Á.

Everything Everywhere All at Once xoay quanh cuộc sống của một gia đình nhập cư Mỹ gốc Á, khai thác chủ đề đa vũ trụ. Với êkíp chủ yếu là nghệ sĩ gốc Á, phim là câu chuyện về một gia đình người Hoa tại Mỹ. Tác phẩm nhận nhiều lời khen vì câu chuyện mâu thuẫn gia đình, thế hệ được lồng ghép khéo léo trong đề tài khoa học - viễn tưởng về thuyết đa vũ trụ. Trước Oscar, phim đã chiến thắng nhiều giải thưởng tại Quả Cầu Vàng, Critics Choice Awards, SAG.

Dương Tử Quỳnh trở thành diễn viên châu Á đầu tiên thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar. Ảnh: Reuters

Dương Tử Quỳnh trở thành diễn viên châu Á đầu tiên thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar. Ảnh: Reuters

Trong phim, Dương Tử Quỳnh đóng vai Evelyn Wang - chủ một tiệm giặt là người Mỹ gốc Hoa có năng lực đi xuyên đa vũ trụ. Vượt qua ứng viên nặng ký Cate Blanchett giành tượng vàng Oscar ở tuổi 60, nữ diễn viên chia sẻ: "Đối với tất cả những cậu bé và cô bé theo dõi tôi buổi tối ngày hôm nay, đây là ngọn hải đăng của hy vọng và khả năng. Là bằng chứng cho thấy giấc mơ trở thành hiện thực. Và các quý cô, đừng để bất cứ ai nói với bạn rằng bạn đã qua thời kỳ đỉnh cao".

Dương Tử Quỳnh đã hoạt động miệt mài 4 thập niên trong ngành công nghiệp điện ảnh. Cô bắt đầu đóng phim hành động Hong Kong vào những năm 1990 và gây dấu ấn ở Hollywood khi được chọn vào vai Bond Girl gốc Hoa đầu tiên trong loạt phim James Bond Tomorrow Never Dies năm 1997. Cô cũng được chú ý toàn cầu trong các bộ phim như Ngọa hổ tàng long, Hồi ức của một Geisha, Crazy Rich Asians... Giới chuyên môn nhận định vai Evelyn Wang của Dương Tử Quỳnh trong Everything Everywhere All at Once đã chứng tỏ tài năng diễn xuất đa dạng của nữ diễn viên quen thuộc trong các bộ phim hành động. Steve Rose của Guardian viết: "Dương Tử Quỳnh có vai diễn để đời. Cô ấy chắc chắn là nữ minh tinh hành động vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh".

Cũng trong lễ trao giải năm nay, nam diễn viên gốc Á Quan Kế Huy đã ghi tên mình vào lịch sử khi chiến thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trong Everything Everywhere All at Once, anh đóng Waymond, một người chồng xuyên qua nhiều vũ trụ, trở thành những phiên bản khác nhau để giúp vợ cứu thế giới. Diễn viên 51 tuổi nhận nhiều lời khen từ giới phê bình, và giành giải Oscar đã giúp anh trở thành “ngôi sao nở muộn”. Đây cũng là lần đầu tiên Viện hàn lâm vinh danh hai ngôi sao gốc Á trong một năm.

Phim còn càn quét hầu hết hạng mục chính, bao gồm: Phim hay nhất, Kịch bản gốc hay nhất, Dựng phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Jamie Lee Curtis và Đạo diễn xuất sắc nhất giành cho hai nghệ sĩ Daniel Kwan và Daniel Scheinert.

Niềm tự hào của Ấn Độ

Cũng trong lễ trao giải Oscar lần thứ 95, ca khúc Naatu Naatu trong phim RRR giành giải Ca khúc nhạc phim gốc hay nhất. Âm nhạc của nhà soạn nhạc M.M. Keeravani và lời bài hát của Chandrabose, điệu nhảy truyền cảm bằng tiếng Telugu từ bộ phim hành động ăn khách của đạo diễn S.S. Rajamouli là bài hát đầu tiên trong một bộ phim Ấn Độ được đề cử và giành chiến thắng ở hạng mục này.

Ca khúc có nhịp độ nhanh đã chiếm trọn con tim của người hâm mộ trên toàn cầu, tạo ra một thử thách (challenge) trên TikTok và đạt 126 triệu lượt xem trên YouTube. Naatu Naatu cũng được đón nhận nồng liệt khi trình diễn tại Lễ trao giải Oscar ở Los Angeles.

“Tôi đã lớn lên và lắng nghe Carpenters, và bây giờ tôi đang ở đây với giải Oscar”. Keeravani nói trong bài phát biểu nhận giải, trước khi hát: “Tôi chỉ có một điều ước duy nhất... RRR phải giành chiến thắng, niềm tự hào của mọi người Ấn Độ, và đặt tôi lên hàng đầu thế giới”.

Đạo diễn Kartiki Gonsalves và Guneet Monga giành tượng vàng Phim tài liệu ngắn hay nhất với "The Elephant Whisperers". Ảnh: Reuters

Đạo diễn Kartiki Gonsalves và Guneet Monga giành tượng vàng Phim tài liệu ngắn hay nhất với "The Elephant Whisperers". Ảnh: Reuters

Ngoài RRR, tác phẩm The Elephant Whisperers cũng đoạt giải Phim tài liệu ngắn hay nhất, mang lại cho Ấn Độ 2 tượng Oscar chỉ trong một đêm. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên của Ấn Độ ở hạng mục Phim tài liệu ngắn. Với thời lượng 40 phút, The Elephant Whisperers kể về một cặp vợ chồng quản tượng tên Bomman và Bellie ở Nam Ấn Độ nhận nuôi và chăm sóc chú voi con và bảo vệ chú khỏi những kẻ săn trộm. Phim cũng mô tả mối liên kết không thể phá vỡ giữa chú voi và người chăm sóc.

Đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Kartiki Gonsalves, người đã có một sự nghiệp thành công với tư cách là một nhiếp ảnh gia tài liệu xã hội và động vật hoang dã. Phim mất 5 năm để thực hiện, với 450 giờ quay phim, nhiều cảnh quay thực hiện trong rừng rậm. Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, đạo diễn phim Kartiki Gonsalves bày tỏ: "Tôi đứng đây hôm nay để nói về mối liên kết thiêng liêng giữa chúng ta và thế giới tự nhiên, vì sự tôn trọng của các cộng đồng bản địa và sự đồng cảm với những sinh vật khác mà chúng ta chia sẻ không gian và cuối cùng là vì sự chung sống". Gonsalves dành tặng giải thưởng cho gia đình và quê hương Ấn Độ của cô...

Làn sóng châu Á tiếp tục đổ bộ lễ trao giải Oscar năm nay cho thấy nền điện ảnh đến từ phương Đông ngày càng để lại những dấu ấn đậm nét tại giải thưởng điện ảnh cao quý này.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/niem-tu-hao-chau-a-i318675/