'Niềm tự hào lớn nhất của tôi là nhiều học trò đã trở thành thợ giỏi'
Nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Tiên ở ấp 5, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) là một trong những người đầu tiên đưa nghề mộc mỹ nghệ với nguyên liệu từ gốc, rễ cây về Đồng Nai. Gần 35 năm gắn bó với nghề, ông Tiên đã đào tạo nhiều lớp thợ giỏi, góp phần đưa tiếng thơm của nghề mộc Xuân Lộc đi xa.
Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, huyện Xuân Lộc đã nổi tiếng trong nước và nước ngoài với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ gốc, rễ các loại cây. Sản phẩm mộc mỹ nghệ từ gốc, rễ cây… được trưng bày ở nhiều nơi như: nhà thờ, đền, chùa, trong nhà, khu biệt thự nhà vườn, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê cao cấp...
Trải qua nhiều thăng trầm, Nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Tiên đã góp một phần lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghề này. Nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Tiên được UBND tỉnh phong nghệ nhân vào năm 2011 và năm 2019 đã được Chủ tịch nước phong là Nghệ nhân ưu tú vì có công phát triển, mở rộng làng nghề.
* Bắt đầu từ sự say mê
* Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề mộc mỹ nghệ làm từ các loại gốc, rễ cây?
- Quê tôi ở Quảng Trị, năm 1972 tôi cùng gia đình vào Đồng Nai sinh sống. Thời gian đầu, tôi làm rẫy để sinh sống, những khi rảnh, tôi tự tập tành, học nghề làm tượng, tạo hình hoa lá, cây cỏ, muông thú từ đất sét. Sau đó, thấy vùng Xuân Lộc có nhiều gốc, rễ cây có hình dáng đẹp, nhưng chủ yếu đốt bỏ, tôi tiếc nên đào đem về xếp đầy trong vườn. Khi có thời gian, tôi lại ra ngắm nghía từng gốc cây và trong đầu tự tưởng tượng ra những bức tượng, sản phẩm mình có thể “nương” theo các gốc cây để làm.
Có sẵn ý tưởng trong đầu, tôi bắt tay vào thực hiện những tác phẩm đầu tư từ gốc rễ cây. Những tác phẩm đầu tiên của tôi làm ra được đưa đi triển lãm tại TP.Hồ Chí Minh vào năm 1986. Tại hội chợ triển lãm ấy, tất cả tác phẩm tôi đưa đến đều được khách hàng trong nước và nước ngoài đặt mua hết và tôi còn nhận thêm được nhiều đơn đặt hàng mới.
Sau đó, tôi chính thức mở Cơ sở mộc mỹ nghệ Minh Tiên và bắt tay vào đào tạo thợ để cùng mở rộng sản xuất. Tôi đến với nghề là để thỏa lòng đam mê và mong muốn tạo nghề để góp phần phát triển vùng quê.
* Ông là một trong những lớp người đầu tiên đưa nghề mộc mỹ nghệ từ gốc và rễ cây về huyện Xuân Lộc. Điều gì khiến ông tự hào nhất khi gắn bó với nghề này?
- Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, nhóm chúng tôi có khoảng 5 người cùng mê nghề mộc chơi thân với nhau. Qua trao đổi, học hỏi, chúng tôi cùng quyết định sẽ gắn bó và mở rộng nghề.
Khi ấy, Việt Nam mới mở cửa, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam khá nhiều nhưng có rất ít sản phẩm làm quà lưu niệm. Vì thế khi gặp những sản phẩm mỹ nghệ làm từ gốc và rễ cây, mỗi tác phẩm mang một vẻ đẹp riêng, họ rất thích nên đã đặt mua rất nhiều.
Những năm 80-90 của thế kỷ trước, sản phẩm của cơ sở tôi và những cơ sở khác làm ra đến đâu bán hết đến đó. Nhiều khi khách phải đến cơ sở đặt hàng mấy tháng sau mới có. Thấy sản phẩm mình làm ra được ưa chuộng, tôi bắt đầu lựa chọn, đào tạo nghề cho những người có tố chất.
Gần 35 năm trong nghề, niềm hãnh diện lớn nhất của tôi là đã đào tạo ra được vài chục thợ giỏi. Có những người sau khi giỏi nghề ở lại cùng tôi làm việc, song có những người ra mở cơ sở riêng. Mọi quyết định của học trò tôi đều ủng hộ, sau này có những học trò của tôi lên Tây nguyên, ra miền Trung, miền Bắc tự mở cơ sở sản xuất và họ rất thành công.
* Một số người cho rằng nghề mộc mỹ nghệ từ gốc, rễ cây xuất phát từ huyện Xuân Lộc, điều này có đúng không?
- Theo tìm hiểu của tôi, huyện Xuân Lộc có thể coi là nơi đầu tiên phát triển nghề mộc mỹ nghệ từ gốc, rễ cây tinh xảo và thành công nhất cả nước. Khi mới hình thành, chỉ có 2-3 cơ sở, đến nay đã có trên 20 cơ sở và sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng và có tính nghệ thuật cao, được những người mê đồ gỗ mỹ nghệ trong và ngoài nước biết đến.
Từ nhiều năm trước, nhắc đến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ gốc cây, nhiều người nghĩ ngay đến huyện Xuân Lộc. Bởi đến thời điểm này, cũng chỉ ở Xuân Lộc có nhiều tác phẩm từ gốc, rễ cây phong phú và độc lạ nhất và cũng có giá trị nghệ thuật cao. Điều này mang đến niềm tự hào lớn cho những người làm nghề như tôi.
* Góp sức đưa nghề phát triển
* Ông đã làm ra hàng ngàn tác phẩm có giá trị từ các gốc, rễ cây, nhưng tác phẩm nào để lại dấu ấn lớn nhất?
- Mỗi tác phẩm mộc mỹ nghệ làm từ gốc, rễ cây mang một vẻ khác nhau và hầu như không bao giờ có cái thứ 2 tương tự. Vì thế người mua các sản phẩm trên thường là độc quyền. Bởi mỗi tác phẩm người thợ đều phải dựa theo hình dáng yêu cầu của gốc, rễ cây tự nhiên, sau đó tôi tự thiết kế ra sản phẩm của mình.
Muốn tác phẩm có giá trị nghệ thuật, kinh tế cao thì nghệ nhân phải đầu tư tâm huyết rất lớn từ việc lên ý tưởng, thiết kế, thực hiện để “thổi hồn” vào, trở thành những tác phẩm sống động. Mỗi tác phẩm qua tay tôi đều được dùng tất cả tâm huyết để thực hiện và đều là độc nhất vô nhị. Do đó, mỗi tác phẩm làm ra dù thời gian ngắn hay dài đều là niềm tự hào của tôi, vì trong đó tôi đều gửi gắm niềm đam mê hướng tới cái đẹp.
* Đâu là thị trường thực sự của những sản phẩm gỗ mỹ nghệ này trong bối cảnh nhiều sức ép cạnh tranh hiện nay?
- Khách hàng của làng nghề mộc mỹ nghệ rất đa dạng gồm trong nước, nước ngoài. Nhưng nhiều nhất vẫn là các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng và những gia đình khá giả yêu thích các đồ gỗ độc lạ có giá trị nghệ thuật.
Hiện nay, kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập của mọi người tăng dần nên nhu cầu cũng yêu cầu cao hơn. Cụ thể nhiều khách hàng tìm đến cơ sở của tôi cũng như các cơ sở trong làng nghề đều có chung ý muốn là có được tác phẩm đẹp, có hồn và có giá trị nghệ thuật cao.
Vì thế, trong làng nghề hình thành 2 dòng sản phẩm gồm: loại có giá trung bình không đòi hỏi quá cao về sự tỉ mỉ, tinh tế và loại có giá trị cao đòi hỏi các nghệ nhân, thợ giỏi phải dùng cả tài năng, tâm trí và sự khéo léo của nhiều năm làm nghề để tạo ra. Có những khách hàng để có được những tác phẩm như ý đã không tiếc tiền để mua được. Vì thế những người theo nghề này có tay nghề “cứng” thu nhập, cuộc sống khá thoải mái.
* So với những người làm các sản phẩm gỗ mỹ nghệ kiểu công nghiệp, thì người muốn theo nghề mộc mỹ nghệ từ gốc và rễ cây phải có những tố chất gì mới thành công được?
- Nghề mộc mỹ nghệ từ gốc và rễ cây đòi hỏi khá cao từ người theo nghề. Ngoài sự cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi thì người muốn thành công nghề này phải có năng khiếu về hội họa, khéo tay để khi nhìn thấy các gốc rễ có thể hình dung ra được mình sẽ thiết kế thành sản phẩm nào cho đẹp nhất.
Sau khi có ý tưởng, cần bàn tay tài hoa, khéo léo đục đẽo, chạm khắc để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh. Đam mê và năng khiếu bẩm sinh là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định người đó có thành thợ giỏi hay không?
Cơ sở của tôi đã từng đào tạo khá nhiều thợ trẻ, nhưng sau một thời gian học sẽ được chọn lọc. Những ai tôi thấy có tố chất có thể theo nghề thì sẽ khuyến khích họ phát triển, còn những ai không có khiếu sẽ khuyên nên chọn nghề khác sẽ tốt hơn. Những người được tôi chọn lựa học nghề hầu hết đều trở thành những thợ giỏi và những sản phẩm họ làm ra đều có giá trị nghệ thuật rất cao.
* Là một nghệ nhân ưu tú, ông đã làm gì để gìn giữ và phát triển làng nghề?
- Tôi gắn bó với làng nghề này từ những ngày sơ khai nên mong muốn lớn nhất vẫn là có thể góp sức phát triển mở rộng nghề này. Tôi cùng các cơ sở khác trên địa bàn huyện cũng liên kết, trao đổi để hỗ trợ nhau cùng mở rộng sản xuất, tiêu thụ.
Ngoài việc làm các sản phẩm theo đơn đặt hàng, tôi cùng một số nghệ nhân, thợ giỏi khác cũng đầu tư làm những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao để nâng tầm cho làng nghề. Bên cạnh đó là nỗ lực khuyến khích lớp trẻ theo nghề quảng bá sản phẩm của làng nghề để được nhiều người biết đến hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Những sản phẩm do nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Tiên làm ra tuy có giá trị nghệ thuật cao và thường là sản phẩm độc quyền, song giá bán sản phẩm cao nhất chỉ hơn 100 triệu đồng. Có những cơ sở mua lại sản phẩm từ cơ sở của ông về bán lại cho khách hàng hoặc xuất khẩu giá cao gấp 2-4 lần. Ông Tiên cho biết, không bán giá quá cao là muốn nhiều người sở hữu được sản phẩm gỗ mỹ nghệ Xuân Lộc.
Hương Giang (thực hiện)