Niềm tự hào và ký ức tủi thân chưa từng kể của MC Lại Văn Sâm

Nhà báo Lại Văn Sâm tiên phong tạo ra gameshow trực tiếp đầu tiên của VTV năm 1996. Từ ý tưởng bị nghi ngờ trở thành hiện tượng, SV 96 làm thay đổi nền truyền hình Việt Nam.

MC phải kiêm luôn cả đạo diễn trên sóng trực tiếp

Trong chương trình Ký ức VTV, nhà báo Lại Văn Sâm vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ lại đêm 31/12/1996, từ 8h tối đến 12h đêm, lần đầu tiên trong lịch sử Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình truyền hình trực tiếp dài 4 tiếng đồng hồ.

Những ngày đầu tiên, sự thiếu thốn về nhân lực và trang thiết bị tạo nên những tình huống dở khóc dở cười nhưng cũng đầy cảm động. Lại Văn Sâm kể hầu như không có đủ người để làm và ông - người dẫn chương trình đôi khi kiêm luôn cả đạo diễn.

Nhà báo Lại Văn Sâm.

Nhà báo Lại Văn Sâm.

Ban đầu, ý tưởng về SV96 không được đón nhận thuận lợi. Lại Văn Sâm từng cảm thấy tủi thân khi đưa ra ý tưởng bị các lãnh đạo từ chối. Khi đó, VTV3 - kênh giải trí đầu tiên Đài Truyền hình Việt Nam - chuẩn bị ra mắt với định hướng hướng đến giới trẻ.

Lại Văn Sâm đề xuất làm một chương trình demo để các lãnh đạo xem, nếu không nên làm sẽ dừng lại. Sau khi xem demo, phản ứng lãnh đạo hoàn toàn ngược lại. Họ nói phải làm ngay vì "nhiệt huyết tuổi trẻ và tương lai đất nước chính là ở đây".

Nhà báo Lại Văn Sâm được khán giả truyền hình biết đến và yêu mến khi dẫn dắt các chương trình giải trí đầu tiên trên kênh VTV3 như: SV 96, SV 2000, Trò chơi thi đấu liên tỉnh...

Nhà báo Lại Văn Sâm được khán giả truyền hình biết đến và yêu mến khi dẫn dắt các chương trình giải trí đầu tiên trên kênh VTV3 như: SV 96, SV 2000, Trò chơi thi đấu liên tỉnh...

VTV lần đầu bồi thường 50 triệu vì ghế sập do quá đông khán giả

Mục tiêu Lại Văn Sâm đề ra cho SV 96 rất rõ ràng: muốn giới thiệu với khán giả biết sinh viên Việt Nam ngày nay họ ai, họ mơ ước gì. Đặc biệt, SV 96 tạo ra một không gian giao lưu văn hóa độc đáo, nơi các vấn đề xã hội được tiếp cận nhẹ nhàng, giúp khán giả vừa giải trí vừa suy ngẫm. Lại Văn Sâm chia sẻ hồi đó, "cả sinh viên cũng nghèo, các trường đại học cũng nghèo và truyền hình Việt Nam cũng nghèo. Cho nên, người nghèo gặp nhau, đến với nhau bởi tấm lòng thôi".

Ông vẫn không quên cảm xúc khi đến Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và thấy dòng chữ trên bảng thông báo ở cổng trường đề nghị mỗi sinh viên ủng hộ 2.000 đồng cho đội tuyển tập.

Sức hút SV 96 đôi khi vượt quá sức chịu đựng cơ sở vật chất. Lại Văn Sâm kể về một sự cố đáng nhớ khi Đài truyền hình Việt Nam lần đầu phải đền bù 50 triệu đồng cho Nhà văn hóa huyện Từ Liêm khi toàn bộ ghế trong nhà văn hóa gãy sập sau chương trình.

Về sau, không nơi nào dám nhận tổ chức SV 96. Ông phải đi đến từng nơi có thể tổ chức được, hỏi các đơn vị có muốn tân trang lại nhà văn hóa không.

Nhìn lại hành trình mình, nhà báo Lại Văn Sâm rút ra bài học những người làm truyền hình nếu muốn tồn tại hoặc có thể phát triển được phải có tâm và có huyết, có máu làm và dám làm những cái có thể trước đây không bao giờ dám.

Nhà báo Lại Văn Sâm kể về SV 96:

Ảnh, video: Tư liệu, VTV

Huy Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/niem-tu-hao-va-ky-uc-tui-than-chua-tung-ke-cua-mc-lai-van-sam-2424167.html