Niềm vui của bà con dân bản ở thung lũng Trường Sơn
Nhờ vào chính sách quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con các dân tộc ở Quảng Bình như: Mày, Khùa, Rục, Sách... được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy chính quyền, của lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn nên cuộc sống ngày một đổi thay, khấm khá. Tết Nguyên đán 2020 vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã trao tặng hơn 60 căn nhà, đưa về các bản làng hàng trăm tấn gạo, nhiều tấn thịt heo để bà con các tộc có một cái tết ấm cúng, đủ đầy.
Trước Tết Nguyên đán hơn chục ngày, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao 64 nhà bè vượt lũ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Tân Hóa là mảnh đất nằm lọt giữa thung lũng đá vôi của dãy núi Trường Sơn.
Nơi đây luôn được coi là rốn lũ mỗi khi xảy ra lũ lụt. Còn nhớ những trận đại hồng thủy vừa qua, nhiều người dân Tân Hóa đã phải chạy lên các lèn đá cao trú ngụ chờ nước rút. Nhiều người không kịp chạy lũ đã hàng chục ngày trời phải vật lộn với nước lũ để tồn tại. Để giúp người dân sống chung an toàn mỗi khi lũ về, tỉnh Quảng Bình đã chủ động phát huy sáng kiến làm “nhà thông minh” tránh lũ tại Tân Hóa.
“Nhà thông minh” là những cái nhà bè vượt lũ, hay còn gọi là nhà phao, nhà nổi, mà người dân Tân Hóa đã chống chọi với mưa lũ hàng chục ngày trời không hề hấn gì. Những căn nhà phao vượt lũ ở Tân Hóa nhìn bên ngoài không khác gì những căn nhà gỗ bình thường có đầy đủ khung gỗ, vách che, mái lợp và cửa chính, cửa phụ ra vào.
Nhà phao khác ở chỗ là thay bằng cách xây nền móng cố định trên mặt đất, ngôi nhà phao được đặt trên những chiếc thùng phuy rỗng. Khi nước lũ về, nước dâng đến đâu nhà phao nổi lên đến đó. Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân ở Tân Hóa làm thêm hai cột định vị gắn vào hai góc ngôi nhà. Cột định vị thường là ống thép hoặc cột gỗ cao khoảng 7 đến 10 mét. Khi nước dâng, nhà sẽ bám theo cột mà nổi theo, không bị đung đưa hay trôi khỏi vị trí ban đầu.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chia sẻ: Việc khánh thành, bàn giao 64 nhà bè vượt lũ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Tân Hóa là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đến nhân dân ở những địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhân dịp đón Tết Canh Tý năm 2020 và chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020).
Cùng với việc tặng nhà cho bà con gặp khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh Quảng Bình tặng hàng ngàn suất quà tết cho bà con ở nhiều xã như Thượng Hóa, Minh Hóa, Dân Hóa… huyện Minh Hóa, Tân Trạch, Thượng Trạch huyện Bố Trạch, Kim Thủy, Ngân Thủy huyện Lệ Thủy…
Không chỉ chăm lo cho bà con các dân tộc sinh sống dọc dãy Trường Sơn có cái tết ấm cúng, đủ đầy mà trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chính sách, việc làm thiết thực, cụ thể giúp bà con dân tộc phát triển làng, bản ngày một giàu đẹp. Cách đây mấy năm, bà con các tộc người Mày, Rục, Sách… ở thung lũng Trường Sơn cuộc sống thường dựa vào rừng, khe suối để săn bắt thú rừng, tôm cá… thì nay người dân đã biết làm nương rẫy trồng lúa, trồng khoai, biết chăn nuôi lợn, con bò để thay đổi cuộc sống.
Chúng tôi xông đất bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa ngày đầu năm và gặp cặp vợ chồng trẻ người Rục là anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên ở bản Ón, xã Thượng Hóa, người vừa làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Được biết, hằng ngày vợ chồng Lực thức dậy khi con gà rừng chưa gáy để chuẩn bị lên rẫy. Anh Lực trồng 3ha keo, nuôi 3 con lợn và 5 con trâu bò. Năm vừa rồi bán được hơn 50 triệu ha keo nên anh Lực làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để địa phương giúp đỡ hộ gia đình khác vươn lên thoát nghèo.
Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 10 hộ gia đình tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo và hộ nghèo từ năm 2020, trong đó xã Thượng Hóa có 3 hộ; xã Trọng Hóa 3 hộ; xã Minh Hóa 2 hộ; xã Hóa Tiến 1 hộ và xã Hồng Hóa 1 hộ.
Điều đáng quý bà con làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo là người dân tộc thiểu số vừa biết làm kinh tế, vừa biết vươn lên bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đây thực sự là những tấm gương đẹp, góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại và cũng là động lực để các hộ nghèo khác trong huyện nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Tết vừa qua, bà con dân bản dọc theo dãy Trường Sơn ở Quảng Bình treo nhiều bánh chưng, bánh tét; nhiều gia đình có thịt đầy niêu, cá đầy nồi. Bà con người Rục, người Khùa, Mày đang vươn lên xóa đói, giảm nghèo, cho con đến trường học chữ. Bản Ra Mai ở xã Trọng Hóa, nơi người Khùa sinh sống đang thay đổi như thị tứ, thị trấn giữa đại ngàn Trường Sơn.
Giữa đại ngàn Trường Sơn xa xôi và cách trở, mỗi ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa và công trình dân sinh của Đảng và Nhà nước đưa về đây càng tiếp thêm niềm vui đối với bà con dân bản. Cũng từ đây đồng bào các dân tộc thiểu số dưới dãy Trường Sơn vững tin và nỗ lực hơn trên hành trình xóa đói nghèo.