Niềm vui của người 'thợ đụng' có CCCD sau hơn 30 năm tha phương
'Bằng lòng biết ơn nhất, ông (Giám đốc Công an TPHCM - PV) đã lãnh đạo cán bộ thuộc quyền thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, đúng là người công bộc của nhân dân', ông Hồng viết trong thư cám ơn gửi đồng chí Giám đốc CATP.
Đó là những dòng tâm tình mà ông Phạm Văn Hồng (SN 1967, ở ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM) viết trong thư cảm ơn gửi đến Giám đốc Công an TPHCM. Xuất ngũ sau 3 năm đi bộ đội, ông Phạm Văn Hồng chuyển đến nơi khác sinh sống. Kể từ đó đến nay đã hơn 30 năm, ông không thể làm được giấy tờ tùy thân để chứng minh lai lịch của mình.
Chúng tôi biết được câu chuyện của ông Hồng cũng như tinh thần trách nhiệm của Thiếu tá Nguyễn Trung Tuyến - Trưởng Công an xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thông qua lá thư cảm ơn ông Hồng gửi đến Giám đốc Công an TPHCM. Vốn không nhiều chữ nghĩa nhưng những câu từ đơn giản đã cho thấy niềm vui sướng của ông khi có được tấm thẻ CCCD.
Trước đây ông Hồng có hộ khẩu thường trú tại ấp Thanh Bình I, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Năm 1985 ông đi bộ đội, đến tháng 3/1988 thì xuất ngũ rồi về lập gia đình và sống tại quê vợ ở ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM đến nay.
Sau thời gian dài vắng mặt ở tỉnh Bến Tre, Công an sở tại đã xóa hộ khẩu của ông. Đã nhiều lần ông Hồng liên hệ địa phương nơi sinh sống làm giấy tờ tùy thân, nhưng do không có gì làm căn cứ nên 30 năm sau ông vẫn chưa có được mảnh giấy lận lưng.
Không hiểu biết nhiều, thêm vào đó nỗi lo về cơm áo gạo tiền khiến người “thợ đụng” (ai thuê gì làm nấy) này mải miết vào công việc nên cũng không còn thời gian để tới lui lo giấy tờ. Dẫu rằng, điều này đã gây không ít rắc rối trong cuộc sống của gia đình khi mà vợ chồng ông không thể đăng ký kết hôn và do đó, ông không được có tên trong giấy khai sinh của con mình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại thường xuyên đau bệnh nhưng ông cũng không thể mua bảo hiểm y tế vì không có chứng minh nhân dân.
Đầu năm 2021, sau khi được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Công an xã Tam Thôn Hiệp, Thiếu tá Nguyễn Trung Tuyến qua nghiên cứu hồ sơ nhân khẩu trên địa bàn biết được trường hợp ông Phạm Văn Hồng. Đồng cảm trước sự khó khăn của ông và với trách nhiệm của người Trưởng Công an xã, Thiếu tá Tuyến đã cùng Cảnh sát khu vực đến nhà tìm hiểu và giúp ông làm các giấy tờ để xác minh thân phận.
Quá trình này mất khá nhiều thời gian khi hồ sơ của ông Hồng đã bị xóa tại Công an tỉnh Bến Tre. Thiếu tá Tuyến một mặt liên hệ với cơ quan chức năng xã Tân Thành Bình để làm hồ sơ xác nhận, mặt khác trao đổi với tư pháp xã Tam Thôn Hiệp về thủ tục cấp giấy khai sinh cho ông Hồng.
“Do khả năng viết chữ của chú Hồng hạn chế nên bản thân tôi trực tiếp tổng hợp các thông tin tài liệu có liên quan, soạn thảo các đơn và liên hệ trực tiếp Tư pháp, Công an xã Tân Thành Bình để xác minh nhân thân cho chú. Thứ hai là hướng dẫn chú làm biên bản xác minh thân nhân trong gia đình để Tư pháp xã Tam Thôn Hiệp có căn cứ cấp giấy khai sinh vì hiện nay cha mẹ chú đã mất.
Sau khi có đầy đủ những giấy tờ cá nhân có liên quan, tôi cầm những giấy tờ đó đến Tư pháp xã Tam Thôn Hiệp xem cần bổ sung gì nữa hay không và khi hồ sơ thủ tục đã đủ, tôi mới mời chú đến làm giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, đăng ký thường trú cũng như làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip” - Thiếu tá Nguyễn Trung Tuyến cho biết.
Hàng chục năm sống trong cảnh không có gì chứng minh nhân thân, nay đã được cấp đủ các loại giấy tờ cần thiết phục vụ cho cuộc sống, ông Hồng nghẹn ngào xúc động: “Hơn 30 năm hai vợ chồng chung sống với nhau, nay mới được nhà nước xác nhận bằng giấy tờ, tôi vui mừng đêm về không ngủ được, nỗi vui mừng quá lớn. Từ nay, con cái tôi có thể ghi tên cha vào hồ sơ và tôi đã có thể mua bảo hiểm y tế để đi khám bệnh, tôi vui mừng lắm”.
CCCD không chỉ có ý nghĩa chứng minh thân phận, đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh khó khăn như ông Hồng thì còn giúp ông được hưởng các chính sách đãi ngộ của nhà nước. Từ đây, ông có thể bắt đầu một cuộc sống danh chính ngôn thuận.
“Bằng lòng biết ơn nhất, ông (Giám đốc Công an TPHCM - PV) đã lãnh đạo cán bộ thuộc quyền thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, đúng là người công bộc của nhân dân” - ông Hồng viết trong thư cảm ơn gửi đến Giám đốc Công an TPHCM.
Ngoài trường hợp ông Hồng, trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp hiện còn 10 nhân khẩu đặc biệt khác. “Qua nghiên cứu 11 trường hợp thì đây là các cô chú lớn tuổi, không có giấy tờ chứng minh nên dẫn đến các chính sách chăm lo cho người nghèo, người lớn tuổi hoặc mua bảo hiểm y tế thì không có. Công an xã sẽ cố gắng để các trường này sớm có giấy tờ tùy thân” - Thiếu tá Tuyến cho biết.