Niềm vui đường mới lên rẻo cao, vùng khó ở TP Hạ Long

Một tuyến đường nối lên xã vùng cao, khó khăn ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang dần hiện hữu, mở ra vận hội mới cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tiến bước cùng miền xuôi.

Cán bộ tận tâm, dân đồng lòng giao đất

Từ trung tâm TP Hạ Long (Quảng Ninh) lên xã vùng cao Đồng Lâm, nơi có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, có một con đường rộng và thẳng tắp sắp khánh thành, đưa vào hoạt động. Con đường hứa hẹn sẽ mở hướng phát triển cho Đồng Lâm - một trong những xã đặc biệt khó khăn của TP Hạ Long.

Tuyến đường từ xã Sơn Dương lên xã Đồng Lâm, TP Hạ Long sắp được khánh thành.

Tuyến đường từ xã Sơn Dương lên xã Đồng Lâm, TP Hạ Long sắp được khánh thành.

Ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho biết: Năm 2022, TP Hạ Long đã khởi công hai dự án mang tính động lực qua địa bàn. Đó là dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 342 đoạn từ nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm với chiều dài hơn 10km, 4 làn xe, vận tốc tối đa 60km/h, tổng mức đầu tư gần 813 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Dự án thứ hai tuyến đường liên xã đoạn từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đi qua thôn Đèo Đọc, thôn Cài, xã Đồng Lâm đến trung tâm xã Đồng Sơn dài gần 20km, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Ông Triệu Đức Hồng, Chủ tịch MTTQ xã Đồng Lâm cho biết: Ban đầu, khi triển khai giải phóng mặt bằng hai dự án giao thông, chính quyền địa phương không khỏi lo lắng vì phải đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho hơn 120 hộ dân với diện tích đất lớn.

Để công tác GPMB có hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã đã tích cực phối hợp với đội ngũ người có uy tín ở thôn, bản "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để phân tích, vận động các hộ dân, trong đó, chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Đồng Lâm hỗ trợ, động viên các hộ dân thực hiện tốt công tác GPMB hai tuyến đường qua địa bàn xã.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Đồng Lâm hỗ trợ, động viên các hộ dân thực hiện tốt công tác GPMB hai tuyến đường qua địa bàn xã.

Một trong những gương tiên phong bàn giao đất cho dự án là gia đình anh Đặng Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Lâm. Anh Dũng nhớ lại, ngày giáp Tết năm 2022, 7 nhân khẩu của gia đình vẫn sẵn lòng đã bàn giao đất, di chuyển đồ đạc chuyển sang ở nhờ nhà anh trai và ở tạm một gian tại trường mầm non cũ của xã.

"Bản thân nhận thấy việc công trình hoàn thành sớm ngày nào, là bà con được hưởng lợi sớm ngày đó. Là một đảng viên, lãnh đạo xã nên tôi càng quyết tâm gương mẫu, vận động gia đình bàn giao đất, khắc phục khó khăn để kịp tiến độ GPMB", anh Dũng chia sẻ.

Gia đình anh Đặng Minh Ngân, thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm có hơn 2.000m2 đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp. Trên diện tích đất này, gia đình đã xây một ngôi nhà kiên cố cùng hệ thống vườn ao chuồng đầy đủ, khang trang.

Thế nhưng, khi có thông báo bàn giao đất để phục vụ dự án, là đảng viên nên gia đình anh Ngân đã gương mẫu bàn giao ngay 1.700m2 mà không có thắc mắc gì.

Các tổ chức đoàn thể xã Đồng Lâm phối hợp hỗ trợ các gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng di chuyển về nơi ở mới.

Các tổ chức đoàn thể xã Đồng Lâm phối hợp hỗ trợ các gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng di chuyển về nơi ở mới.

"Quá trình triển khai GPMB phục vụ hai dự án giao thông, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xã đã hỗ trợ gần 300 công giúp 34 hộ san, gạt mặt bằng, di chuyển đồ đạc, dựng các nhà tạm để ở trong thời gian chờ nhà nước bố trí tái định cư hoặc chờ đến tuổi làm nhà theo phong tục của dân tộc Dao Thanh Phán. Nhờ đó, công tác GPMB rất thuận lợi", ông Tuấn khoe.

Đường mở cơ hội thoát nghèo

Theo ông Vũ Thanh Tuấn, Đồng Lâm có diện tích rất rộng với 115km2, địa hình đồi núi dốc đi lại vô cùng khó khăn, trắc trở. Toàn xã có 728 hộ dân với 2.775 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm đến 98,2%.

Những năm trước kia, người dân ở Đồng Lâm sống khó khăn, thiếu thốn. Nguyên nhân một phần do trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, nhưng phần quan trọng là cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông đi lại khó khăn.

"Giờ hai dự án giao thông vào xã đã hoàn thành gần 100% hạng mục, sẽ khánh thành trong thời gian ngắn nữa, bà con phấn khởi lắm. Trước kia trồng keo vì đi lại khó khăn nên khi thu hoạch, bà con hay bị ép giá. Giờ đường đẹp, dễ đi thì giá vận chuyển giảm, bà con không bị ép giá nữa", ông Tuấn khẳng định.

Các hộ dân thuộc diện GPMB được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hỗ trợ xây dựng nhà cửa, công trình tại nơi ở mới.

Các hộ dân thuộc diện GPMB được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hỗ trợ xây dựng nhà cửa, công trình tại nơi ở mới.

Cùng với thực hiện tốt công tác GPMB thi công hai dự án giao thông, chính quyền xã Đồng Lâm đã chú trọng phát triển hệ thống giao thông xương cá đấu nối để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, tiêu thụ nông sản, hàng hóa...

Ngoài phát triển cơ sở hạ tầng, xã Đồng Lâm còn nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình kinh tế gia trại, trang trại, có cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hợp lý để bà con học hỏi, áp dụng.

Với nhiều chính sách cụ thể và thiết thực, nếu như năm 2020, trên địa bàn xã Đồng Lâm còn 39 hộ nghèo, 132 cận nghèo, thì đến nay đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ấn tượng hơn cả là tỷ lệ hộ giàu, hộ khá chiếm gần 38% số hộ trong xã.

"Nhờ được đầu tư các công trình giao thông từ chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác, hạ tầng giao thông của xã Đồng Lâm đã có sự thay đổi rõ rệt, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Nhờ vậy, diện mạo của xã cũng đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Đồng Lâm đang tiến bước mạnh mẽ cùng miền xuôi", vị Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm khẳng định.

Quang Minh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/niem-vui-duong-moi-len-reo-cao-vung-kho-o-tp-ha-long-192231213224242457.htm