Niềm vui 'gieo chữ' trên vùng cao

Hơn 1 năm nay, mô hình liên kết, hỗ trợ dạy tiếng Anh cho các trường dân tộc nội trú, bán trú bằng hình thức trực tuyến giữa các trường học của TP Hải Phòng và các tỉnh vùng cao đã mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đem cả “thế giới” đến với học sinh vùng cao

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) có 600 học sinh, tương đương với 21 lớp học. Nhà trường hiện đang không có giáo viên ngoại ngữ. 100% việc giảng dạy tiếng Anh của nhà trường phụ thuộc vào chương trình hỗ trợ của trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (TP Hải Phòng) và chương trình giáo viên biệt phái tại địa phương.

Hàng tuần, em Cứ Thị Tang, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù lại được cô Mai Thị Nguyệt Anh, giáo viên trường Nguyễn Văn Tố dạy tiếng Anh trực tuyến qua phòng Zoom. Qua máy chiếu, máy tính và micro, cô say sưa chỉ cách phát âm, trò hăng say luyện từ mới, học cấu trúc và đánh vần.

Cô Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố tặng quà cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù (tỉnh Yên Bái). Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố tặng quà cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù (tỉnh Yên Bái). Ảnh: NTCC

Khoảng cách thực tế của giáo viên đến lớp học là 400km. Tuy nhiên, qua màn hình máy tính, khoảng cách này đã được xóa nhòa, cô trò có thể nhìn thấy nhau, cùng dạy học, tương tác. Với em Tang và các bạn trong lớp, mỗi tiết học là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa khi được tiếp cận với ngoại ngữ. Hơn hết, các em có thêm cơ hội kết nối với cả thế giới rộng lớn.

Không chỉ hỗ trợ về giáo viên, chương trình học, trường tiểu học Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp hỗ trợ thêm về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện dạy học trực tuyến như: Ti vi, máy tính, camera, hệ thống đường truyền internet và đồng phục đồ dùng học tập cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng Sen - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù chia sẻ: Vai trò của môn Tiếng Anh trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan trọng. Đặc biệt, với huyện Trạm Tấu, việc học tiếng Anh còn mở ra cơ hội việc làm tương lai cho các em học sinh bởi nơi đây là điểm đến du lịch hấp dẫn, được ví von như một “tiểu Bali” giữa miền sơn cước. Với những điểm trường xa xôi, chưa có giáo viên tiếng Anh như trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù, việc nhận được hỗ trợ của trường tiểu học Nguyễn Văn Tố mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố cũng là đơn vị đầu tiên tại Hải Phòng thực hiện mô hình liên kết, hỗ trợ dạy tiếng Anh cho các trường dân tộc nội trú, bán trú bằng hình thức trực tuyến. Mô hình được khảo sát và triển khai từ cuối học kỳ I, năm học 2023 - 2024. Đến nay, hai cô giáo của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã và đang trực tiếp hỗ trợ 8 lớp học của trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhân rộng mô hình

Cô Mai Thị Nguyệt Anh - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố chia sẻ: “Mỗi tiết học, tôi sẽ cung cấp từ mới, dạy ngữ pháp, mẫu câu. Riêng phần viết và quản lý học sinh, tôi nhờ giáo viên sở tại chụp bài viết của học sinh lớp mình rồi gửi lên màn hình để kiểm tra, đối chiếu. Sau hơn 1 tháng đầu tiên, các em học sinh được tham gia lớp học tiếng Anh đã có phản xạ tốt hơn, trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh tự tin, trơn tru”.

Chia sẻ về khoảng thời gian đầu triển khai mô hình, cô Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố nhớ như in: “Cứ cuối tuần, gác lại công việc gia đình, một nhóm giáo viên lại xách ba lô, lên xe đến huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái để khảo sát. Cung đường 400km xa xôi được xóa nhòa bởi những cái ôm thân thiết khi cả cô trò gặp nhau. Đến nay, khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm rằng hành trình “gieo” con chữ trên vùng cao đã thành công. Đặc biệt, dù Hội đồng sư phạm nhà trường luôn đề nghị hỗ trợ 2 cô giáo một khoản kinh phí nhỏ để dạy học trực tuyến, tuy nhiên, các cô đều từ chối”.

Với những hiệu quả mang lại, mô hình liên kết, hỗ trợ dạy tiếng Anh cho các trường dân tộc nội trú, bán trú bằng hình thức trực tuyến đã được nhân rộng và dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ ra nhiều trường vùng cao trên khắp cả nước. Hàng loạt các trường học tại Hải Phòng đã tham gia vào chương trình đầy ý nghĩa này.

Theo ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, từ giữa học kỳ 1 của năm học 2024-2025, ngành giáo dục Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch triển khai dạy học tiếng Anh trực tuyến hỗ trợ học sinh vùng khó cho 3 huyện, thị xã của tỉnh Yên Bái gồm: Thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải. Dạy học trực tuyến không phải hình thức mới mẻ. Điều này được nhiều nhà trường, đơn vị, cơ sở áp dụng để hỗ trợ những điểm trường vùng cao. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì các lớp học, gắn kết được cô trò và lan tỏa được giá trị của mô hình đến với nhiều cơ sở, tỉnh, thành phố mới là điều mà ngành giáo dục Hải Phòng mong muốn.

Để tiếp tục xây dựng chương trình phối hợp trong năm học 2025-2026, từ ngày 2-5/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng; Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân tổ chức thăm, khảo sát thực tế tại tỉnh Yên Bái. Các trường học tham gia đoàn đã dạy học trực tiếp, trao đổi chuyên môn, thăm và giao lưu với giáo viên, học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù, THCS Khấu Ly…

Phương Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/niem-vui-gieo-chu-tren-vung-cao-10302959.html