Niềm vui khi nhãn Chí Linh xuất ngoại
Những lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường cao cấp không chỉ khẳng định chất lượng của quả nhãn, mang lại thu nhập cao cho người nông dân mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người trồng nhãn Chí Linh.
Giá trị cao
Về Chí Linh những ngày này, đi đến đâu cũng thấy râm ran câu chuyện về những lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Singapore, Australia... Là người gắn bó với cây nhãn nhiều năm, ông Nguyễn Đình Xuyên ở thôn Đá Bạc 2, xã Hoàng Hoa Thám vui mừng cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi khi quả nhãn xuất khẩu được sang thị trường cao cấp. Điều đó chứng tỏ nông sản chúng tôi làm ra bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng”.
Gia đình ông Xuyên đã trồng nhãn được 13 năm với diện tích 2 ha. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch hàng chục tấn nhãn. Số nhãn này, ngoài bán cho người thân quen, ông chủ yếu bán trên thị trường tự do. Giá bán phụ thuộc vào sản lượng, năm nào ít thì bán giá cao và ngược lại. Mặc dù ông Xuyên trồng nhãn theo quy trình VietGAP nhưng khi đưa ra thị trường thì giá bán không cao hơn nhãn trồng theo phương pháp thông thường là bao nên chưa có sự chênh lệch rõ rệt về lợi nhuận. Vì thế, khi nhãn được các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu với giá cao hơn, ông rất phấn khởi.
Anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Lê Lợi không thể tin được nhãn của gia đình anh làm ra lại có thể xuất khẩu. "Khi được chọn vào vùng sản xuất VietGAP tôi nghĩ cứ tham gia để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng trọt chứ không nghĩ là sản phẩm lại có thể xuất khẩu được. Vì thế, khi Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ thông báo nhãn đủ điều kiện xuất khẩu chúng tôi rất vui", anh Phúc cho biết. Vừa qua, gia đình anh đã bán được 1 tấn cho công ty với giá 15.000 đồng/kg, cao hơn giá nhãn không nằm trong vùng VietGAP 5.000 đồng/kg. Tính ra, người trồng nhãn xuất khẩu lãi thêm 5 triệu đồng/ tấn so với nhãn bán ở thị trường nội địa.
Chú trọng chất lượng
Mặc dù quả nhãn đã được phép xuất khẩu từ năm 2016 nhưng đây là năm đầu tiên quả nhãn Hải Dương xuất được sang thị trường khó tính như Australia, Singapore... Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến nhãn chưa xuất khẩu được là do chất lượng chưa bảo đảm. Nông dân sản xuất theo thói quen, sử dụng thuốc BVTV không có trong danh mục, không cách ly đủ thời gian khiến dư lượng thuốc BVTV còn cao.
Xác định xuất khẩu được quả nhãn sẽ đánh dấu bước thành công quan trọng trong việc xúc tiến đưa nông sản ra thị trường nước ngoài nên ngay sau khi UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch mở rộng vùng nhãn, vải xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản năm 2020” vào tháng 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với TP Chí Linh triển khai các hoạt động cần thiết để xuất khẩu nhãn đi các thị trường cao cấp. Trong số 673ha nhãn của thành phố, các đơn vị đã rà soát, lựa chọn được gần 51 ha của 113 hộ nông dân ở các xã, phường: Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tiến và Hoàng Tân tham gia vùng sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế. Các hộ đã được tập huấn, đào tạo, tư vấn về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, khuyến cáo các loại thuốc BVTV phòng trừ cho vùng xuất khẩu. Hướng dẫn thời gian cách ly thuốc BVTV đáp ứng điều kiện xuất khẩu, cấp phát sổ ghi chép và hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất...
Chi cục BVTV phân công cán bộ kỹ thuật bám sát vùng trồng, trực tiếp xuống các vườn hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh. Tổ chức thử nghiệm các loại thuốc BVTV để đánh giá hiệu lực của thuốc đối với quả nhãn. Phân tích dư lượng thuốc sau phun để hướng dẫn nông dân cách sử dụng, cách ly và giám sát cách ly thuốc BVTV trước thu hoạch theo yêu cầu xuất khẩu. Định kỳ lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc BVTV và kiểm soát chủng loại nhằm chủ động bảo đảm nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Để giúp kiểm soát chủng loại và thời gian cách ly được thuận lợi, thời gian cuối vụ, Chi cục BVTV phối hợp với địa phương trong việc cấp phát thuốc. Các vườn nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đều được Cục BVTV cấp mã số vùng trồng.
Cùng với nâng cao chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, hội thảo, kết nối tiêu thụ với các công ty xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Qua các cuộc gặp gỡ này, các doanh nghiệp đã hiểu rõ về quy trình sản xuất, chất lượng quả nhãn của Hải Dương. Chị Phan Thị Mỹ, cán bộ Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ cho biết: "Mẫu mã, chất lượng quả nhãn Chí Linh khá tốt. Qua các lần kiểm tra, chất lượng quả nhãn đều bảo đảm yêu cầu. Chúng tôi đã thu mua được gần 30 tấn để xuất khẩu sang Singapore, Australia và tiếp tục thu mua trong thời gian tới".
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự tuân thủ nghiêm hướng dẫn của người dân, việc xuất khẩu quả nhãn sang các thị trường cao cấp tiếp tục ghi tên nông sản Hải Dương trên bản đồ nông sản thế giới, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm khác của tỉnh.