Niềm vui ngắn chẳng tày gang

2 giờ sáng, tiếng chuông đồng hồ báo thức trên máy điện thoại di động kêu vang một góc căn nhà nhỏ. Bà Vân lật đật trở dậy, quờ vội chiếc áo khoác rồi mở cửa nhìn ra phía trước sân nhà. Màn đêm tịch mịch được chiếu sáng lờ mờ bởi một chiếc bóng đèn led của quán tạp hóa đối diện, phía bên kia đường.

-Minh họa: LÊ NGỌC DUY

-Minh họa: LÊ NGỌC DUY

-A lo, xe đến ngang mô rồi cháu? Rứa à! Dì đang đợi trước nhà rồi đây.

3 thùng xốp lớn đựng đầy sứa khô đã được đóng gói kỹ càng và chất lên chiếc xe kéo. Bà Vân gọi thêm chồng dậy phụ giúp kéo chiếc xe ra con đường nhựa trước cổng nhà để đợi xe. Ít phút sau, chiếc xe khách đường dài như một vệt sáng lao tới. Xe chưa dừng hẳn, lơ xe đã nhảy xuống phụ vợ chồng bà Vân bưng 3 thùng xốp nặng trịch đặt vào dưới gầm.

-Vào đến nơi, cháu gọi số điện thoại dì ghi trên nắp thùng để họ đến nhận nhé! Bà Vân nhắn nhủ rồi vội quay vào nhà vì lạnh.

***

Tại vùng bãi ngang nghèo khó, thanh niên học xong cấp 3 là rủ nhau bỏ đi tứ xứ để thoát ly cảnh nghèo. Ở làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên đàn ông nơi đây chẳng còn nghề nào khác khả dĩ hơn để kiếm tiền ngoài đi biển hoặc làm thợ hồ. Phụ nữ thì chạy chợ với mớ tôm, rổ cá nhỏ chồng đánh bắt được.

Cũng như nhiều gia đình khác, cuộc sống của nhà bà Vân hàng xoay vần với vòng quay nợ nần. Trong nhà không có tiền tích lũy, làm được đồng nào là xào luôn đồng ấy. Vì thế, mỗi khi nhà có việc trọng đều phải vay mượn. Cho đến một ngày, cuộc sống gia đình bà bước sang một trang khác khi cơn sốt đất càn quét qua làng biển nhỏ bé này.

Một sáng mùa hè cách đây 4 năm trước, bà Vân đang ngồi nghỉ lại sức sau buổi chạy chợ sớm thì thấy đứa cháu họ dẫn thêm vài người mặc đồ lịch sự, đi xe ô tô bước vào nhà.

-Cháu chào dì! Những người bạn của cháu đang có nhu cầu mua đất để làm ăn, thấy đất nhà dì rộng rãi, đẹp nên họ muốn xem thử.

Bà Vân phấn chấn trong lòng. Đất nhà bà quả là rộng thật. Trước đây, đã có người đến ngỏ ý thuê đất để đào hồ nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng vì sợ ô nhiễm nguồn nước nên vợ chồng bà từ chối. Dạo gần đây, bà cũng nghe nhiều nhà trong làng bán được đất với giá cao nên nay nghe có người đến hỏi mua đất, bà mừng thầm trong bụng.

Sau vài lần đi đi, về về, đứa cháu vốn làm “cò” bất động sản nói rằng có người trả giá 8 tỉ đồng để mua hết đất của nhà bà Vân, trong đó có cả ngôi nhà cấp 4 được xây hơn 10 năm trước. Ôi chao! Cả cuộc đời cam khổ chưa bao giờ dám nghĩ đến số tiền hàng trăm triệu, nay đất của gia đình có giá lên đến 8 tỉ là con số ngoài sức tưởng tượng nên vợ chồng bà liền đồng ý. Mặc dù chưa lấy gì làm đảm bảo nhưng bà Vân đã nhẩm tính trong đầu những việc sẽ chi tiêu khi có tiền.

Vài tuần sau, đứa cháu họ đưa về cho bà Vân 2 tỉ đồng tiền mặt, nói là tiền đặt cọc mua đất. Như vậy là chắc chắn quá rồi còn gì. Bà Vân và chồng đinh ninh từ nay mình sẽ giàu có và thực sự thoát khỏi cảnh nghèo.

-Số tiền này, một nửa gửi ngân hàng lấy tiền lãi chi tiêu hằng tháng. Số còn lại cho con cái một ít, rồi lo công việc nội ngoại, lăng mộ ông bà tổ tiên.

Bà vân bàn với chồng.

Từ ngày có tiền, vợ chồng bà Vân thích gì mua nấy, chẳng cần bận tâm đến giá cả. Đồ đạc trong nhà nhiều dần lên. Có những thứ chưa cần thiết, bà Vân cũng mua về với lý do... phòng khi cần đến. Thấy mẹ tiêu pha phung phí, con cái nhiều lần can ngăn nhưng bà bảo: “Phải tiêu pha cho thỏa những ngày khó khăn, túng thiếu trước đây”.

Bà con làng xóm gần xa xì xầm với nhau chuyện nhà bà Vân bán được đất giá cao. Trong làng có nhiều nhà bán được đất với hàng tỉ đồng chứ có phải riêng nhà bà đâu. Cớ sao lại bàn tán, đồn đại mỗi nhà bà Vân? Là bởi, các nhà khác họ kín kẽ hơn trong việc chi tiêu, không khoa trương bên ngoài nên chẳng ai để ý. Còn nhà bà Vân thì mua một lúc 2 chiếc xe mới, tu sửa lăng mộ cho ông bà tổ tiên bên nội, cúng bái bên ngoại, cho tiền người này, người kia... Mà ở đời, càng kín kẽ càng ít bị xoi mói. Chứ để nhiều người đồn đại, xì xầm thì trước sau gì cũng gặp chuyện chẳng lành. Bởi có ai muốn người khác hơn mình bao giờ.

Một ngày nọ, người cháu họ đánh xe ô tô chở cả nhà bà Vân lên phố để làm thủ tục ủy quyền. Bà Vân chẳng biết mô tê gì, chỉ cần ký vì đứa cháu đã lo hết mọi thủ tục và giải thích đại để là ký để ủy quyền cho cháu làm thủ tục hành chính bán đất. Trong thời gian đợi chờ người cháu làm thủ tục, bà Vẫn tiếp tục với niềm đam mê mua sắm, tiêu tiền không tiết chế. Số tiền lãi gửi tiết kiệm hằng tháng từ ngân hàng không đủ chi tiêu nên bà thường xuyên mượn thêm từ người cháu họ. Số tiền nợ tăng lên từng ngày nhưng bà không bận tâm vì nghĩ sẽ trả hết sau khi bán được đất.

Niềm vui của gia đình bà Vân chẳng kéo dài được bao lâu. Một ngày đầu tuần, vợ chồng bà nhận được tin từ cơ quan chức năng rằng có người viết đơn tố cáo bà Vân và chồng. Mảnh đất gia đình bà Vân đang ở đã được cấp sổ đỏ từ lâu. Nhưng sau khi có dự án làm tuyến đường quốc phòng ven biển hơn 10 năm trước thì nhà nước đã thu hồi hết diện tích đất ở, chỉ còn đất nông nghiệp. Vì chồng bà không nắm rõ nên đến bây giờ, khi người cháu làm thủ tục để bán đất, gặp vướng mắc mới vỡ lẽ.

Chờ đợi cả năm trời không mua được đất, người mua bèn viết đơn tố cáo để đòi lại tiền đặt cọc. Khi hay tin, bà Vân cũng chẳng mấy bận tâm vì đâu có rành mấy việc này. Chỉ có ông chồng và các con là lo sốt vó chạy vạy khắp nơi để trả tiền cọc cho người ta. Số tiền nhận được bấy lâu nay vợ chồng bà chi tiêu gần hết. Vay mượn khắp nơi cũng không đủ trả nên đành khất nợ.

Nguồn cơn cãi vã trong gia đình thường xuất phát từ vấn đề kinh tế. Nhận xét này rất đúng với nhà bà Vân. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, vất vả, bà Vân và chồng thường xuyên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Nay, lại trở về vòng lặp cũ.

-Tôi đã bảo bà chi tiêu phải biết tiết kiệm. Thích gì mua nấy nên bây giờ mới đổ nợ.

-Tôi mua sắm là vì cái gia đình này, chứ có phải riêng mình tôi đâu. Giờ xảy ra chuyện lại đổ lên đầu tôi.

***

Từ xưa tới nay, rất nhiều người nghèo khó trở lại tình cảnh khó nghèo hay thậm chí còn bi đát hơn trước sau khi trúng vé số hàng tỉ đồng. Nguyên nhân được lý giải vì những người này không có kiến thức về tài chính, chưa trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân nên khi bất ngờ có một số tiền lớn, họ vội chi tiêu cho thỏa sức mà không nghĩ đến tương lai phía trước. Để đến khi trở về điểm xuất phát thì mọi việc đã quá muộn.

Số nợ hàng trăm triệu vẫn còn đó. Bà Vân lại trở về công việc buôn bán tôm cá, chạy chợ để có thu nhập trang trải cuộc sống. Song, với số tiền của vợ chồng bà kiếm được thì không biết đến bao giờ mới trả hết nợ cho người ta. Bà cũng chẳng buồn nghĩ. Vì nghĩ cũng có giải quyết được gì đâu.

Bà vẫn tiếp tục cuộc sống như nó vốn thế.

Trung Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/niem-vui-ngan-chang-tay-gang-186356.htm