Niềm vui ngày hợp long cầu Châu Đốc hơn 500 tỷ đồng
Chiều 8/12, cầu Châu Đốc (tỉnh An Giang) dài gần 700m bắc qua sông Hậu được hợp long. Đến nay, khối lượng thi công đạt 87%, vượt gần 30% so với kế hoạch.
Niềm vui ngày hợp long
Có mặt tại công trường cầu Châu Đốc, PV Báo Giao thông ghi nhận không khí nhộn nhịp trên cây cầu không dây văng đầu tiên bắc qua sông Hậu, gắn kết các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Không giấu được niềm vui khi dự buổi lễ hợp long cầu Châu Đốc, anh Trần Văn Trí (42 tuổi), công nhân thi công cầu cho biết, anh cùng nhiều công nhân khác vượt khó để đưa dự án cầu Châu Đốc hợp long sớm hơn 9 tháng so với kế hoạch.
"Đây thật sự là niềm vui và niềm tự hào của anh em công nhân", anh Trí bộc bạch.
Công nhân Nguyễn Văn Cường (37 tuổi) thì bày tỏ: "Tôi cũng như các anh em khác cảm thấy rất vui và tự hào khi cùng nhau vượt nắng mưa để hoàn thành cây cầu có ý nghĩa quan trọng kết nối liên vùng, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".
Trong khi đó, công nhân Võ Văn Tâm (31 tuổi) cho biết: "Những phần việc còn lại anh em chúng tôi sẽ cố gắng làm để cây cầu Châu Đốc sớm hoàn thành, nối nhịp đôi bờ vui và tạo thuận lợi để người dân có thể qua lại thuận lợi và dễ dàng hơn".
Cây cầu có ý nghĩa kết nối liên vùng
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) cho biết, cầu Châu Đốc là một phần của dự án tuyến liên kết vùng với tổng kinh phí 2.100 tỷ đồng, nối Kiên Giang - Đồng Tháp, trong đó phần đường dài hơn 20km.
Dự án khi hoàn thành sẽ hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng, rút ngắn thời gian từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch vùng biên giới.
"Các hạng mục quan trọng nhất của cây cầu đã hoàn thành. Thời gian tới, các nhà thầu thi công sẽ thực hiện các công việc còn lại như gắn lan can, lắp đèn chiều sáng… để cây cầu sớm hoàn thành", ông Du chia sẻ.
Cũng theo ông Du, tỉnh An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ.
Hệ thống giao thông kết nối khu vực, ngoài quốc lộ 1 là tuyến trục chính kết nối các tỉnh thành ĐBSCL, còn một số tuyến quan trọng như quốc lộ 62 nối từ quốc lộ 1 (Tân An) đến Mộc Hóa; tuyến quốc lộ 30 nối từ quốc lộ 1 qua Cao Lãnh, đến Hồng Ngự, Tân Hồng; quốc lộ 91 nối quốc lộ 1 đi Long Xuyên, Châu Đốc, tạo thành các tuyến đường ngang chính.
Cả khu vực biên giới giáp với Campuchia chưa hình thành các trục giao thông dọc. Do đó, nếu tuyến N1 (trong đó có đoạn tuyến từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) hình thành hoàn chỉnh sau khi có cầu Châu Đốc không những góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch mà còn kết nối các tỉnh ĐBSCL phía tây bắc, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế các huyện, xã vùng biên giới...
Dự án cầu Châu Đốc có tổng mức đầu tư trên 534 tỷ đồng, do hai đơn vị liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 thi công.
Cầu Châu Đốc có 13 nhịp, trong đó bốn nhịp chính dài 260m, khoang thông thuyền rộng 75m, cao 11m. Mặt cầu thiết kế bốn làn xe, rộng 14m, vận tốc 60km/h.
Đây là cầu thứ ba bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, Vàm Cống. Sau khi hợp long, đơn vị thi công tiếp tục làm phần đường dẫn, dự kiến hoàn thành toàn bộ cuối năm 2024.