Niềm vui ngày trở về và lời cảnh tỉnh từ chính nạn nhân bị lừa 'việc nhẹ lương cao'

Sau khi được trở về từ 'địa ngục trần gian', ba nạn nhân ở tỉnh Kon Tum bị lừa đảo bán ra nước ngoài lao động cưỡng bức, đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến cơ quan chức năng địa phương và Công an tỉnh Kon Tum. Đó là câu chuyện của các anh: A Nhanh (19 tuổi), A Kun (20 tuổi, cùng trú xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) và anh A Sói (xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, Kon Tum), đồng thời cũng là bài học cảnh tỉnh về thủ đoạn lừa đảo 'việc nhẹ lương cao'.

Công an và chính quyền địa phương đến thăm, động viên tinh thần các anh A Nhanh và A Sói.

Công an và chính quyền địa phương đến thăm, động viên tinh thần các anh A Nhanh và A Sói.

Kể lại hành trình “sa chân” vào “địa ngục trần gian” ở bên kia biên giới, anh A Nhanh cho hay, tháng 8-2024, anh cùng 2 thanh niên cùng xã là A Kun (20 tuổi) và A Kiên (20 tuổi) vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Trong thời gian này, A Nhanh lên mạng tìm kiếm việc làm và được một đối tượng giới thiệu công việc ở Campuchia với mức lương hấp dẫn là 1.000 USD/tháng. Cả tin, cả 3 cùng đến Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) làm giấy tờ để đi xin việc nhưng thực tế sau đó lại bị các đối tượng lừa đưa qua Campuchia.

Tiếp lời, anh A Kun cho biết, các đối tượng dùng xe máy chở 3 người qua các lối đường tắt trong rừng để đến khu vực làm việc. Tại đây, các đối tượng thu điện thoại, giam giữ 3 người trong phòng và ép buộc làm các công việc như tạo nhóm lừa đảo qua mạng, tải app lừa đảo, tạo tài khoản Facebook giả mạo để nhắn tin, gạ gẫm những người Việt Nam trong và ngoài nước nạp tiền vào các ứng dụng lừa đảo.

“Họ đặt ra mục tiêu, trong một ngày, mỗi người phải dụ dỗ ít nhất 2-5 nạn nhân, với số tiền nạp vào ứng dụng tối thiểu 5-7,5 triệu đồng/người. Nếu không hoàn thành sẽ bị những hình phạt tra tấn như chích điện, đánh đập, bỏ đói. Việc này khiến tinh thần mọi người ngày càng suy sụp, sợ hãi”, anh A Kun cho biết thêm.

Tuy nhiên, do kỹ năng công nghệ thông tin kém và ngôn ngữ, giọng nói đặc trưng của người dân tộc thiểu số nên A Nhanh, A Kun và A Kiên đều không hoàn thành các chỉ tiêu mà đối tượng quản lý giao nên thường xuyên bị tra tấn, sử dụng cực hình. Anh A Nhanh chia sẻ, đây là khoảng thời gian được ví như “địa ngục trần gian” bởi những hành vi sử dụng vũ lực rất thô bạo của các đối tượng quản lý. Lúc đó, giấc mộng về “việc nhẹ, lương cao” đã hoàn toàn sụp đổ, anh chỉ còn mong chờ giây phút có thể trốn thoát ra ngoài, trở về bên bạn bè, người thân tại quê nhà.

Đến ngày 20-2-2025, cả ba cùng bàn bạc và quyết định trèo rào ra ngoài để chạy trốn. Trong đó, anh A Kun và A Kiên đã trốn thoát, được người Việt Nam sinh sống gần đó giúp đỡ đưa về địa phương vào ngày 24-2. Riêng A Nhanh cũng trốn thoát nhưng bị cảnh sát Thái Lan tạm giữ. Sau khi nhận được tin báo, Công an xã Đăk Na đã tích cực hỗ trợ để đưa công dân A Nhanh về nước an toàn.

Tương tự 3 trường hợp trên, anh A Sói (trú xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, Kon Tum) cũng vì tin lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” để qua đất Campuchia làm việc. A Sói kể lại, thời điểm làm việc ở TP HCM với mức lương thấp, trong khi thấy các lời mời “việc nhẹ lương cao” trên mạng nên A Sói đăng ký để các đối tượng môi giới đưa qua Campuchia làm. Tuy nhiên, qua 4 tháng mà A Sói vẫn làm không được nên họ bán cho một công ty khác của Myanmar làm tiếp thêm 7 tháng. Công việc mỗi ngày của A Sói là sử dụng máy tính có tài khoản “ảo” do công ty đã thiết lập để kiếm 3 đến 4 khách hàng. Khi có “con mồi” thì nhắn tin chào mời, nếu không có khách là họ không cho ăn, đánh đập. Sau một năm bôn ba, không ít lần bị đánh đập, hành hạ, cuối cùng A Sói đã được hỗ trợ về nước và đoàn tụ cùng gia đình.

Mới đây, ngày 26-3-2025, UBND xã Đăk Na phối hợp Công an xã tổ chức hội nghị: “Nhận diện chiêu bài lừa gạt đồng bào dân tộc thiểu số sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”. Tại hội nghị, chính các nạn nhân A Kun, A Kiên, A Nhanh đã chia sẻ để người dân trên địa bàn nắm rõ thủ đoạn của các đối tượng, tránh xảy ra những trường hợp tương tự.

Anh A Kun kể cho người dân xã Đăk Na nghe về những ngày sống trong “địa ngục trần gian” sau khi bị lừa sang Campuchia lao động cưỡng bức.

Anh A Kun kể cho người dân xã Đăk Na nghe về những ngày sống trong “địa ngục trần gian” sau khi bị lừa sang Campuchia lao động cưỡng bức.

Anh A Nhanh tâm sự, qua câu chuyện của mình, mong rằng cộng đồng người dân tộc thiểu số tại địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung hết sức cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng. Các thanh niên không nên nhẹ dạ cả tin trước những lời chào mời hấp dẫn, đừng vì thấy mức lương cao mà đánh đổi cả tuổi trẻ và tương lai phía trước. Mọi người cần tin theo những định hướng đúng đắn của các cấp chính quyền địa phương, tập trung lao động sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng.

Còn anh A Kun xúc động cho biết, được trở về quê hương là điều tôi luôn mong mỏi trong thời gian tăm tối ở Campuchia. Nhờ sự nỗ lực giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, tôi đã có thể gặp lại người thân của mình. Tôi rất biết ơn quê hương, đất nước vì đã mang lại cuộc sống hòa bình cho tôi và gia đình. Giờ đây, tôi quyết tâm lao động, sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt Công an tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán người trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh nhẹ dạ tin theo những lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” trên mạng, tự ý xuất cảnh, sau đó bị“sập bẫy”của các đối tượng lừa đảo, bị giam giữ, bóc lột sức lao động, thậm chí bị uy hiếp đến tính mạng và phải nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về.

T.H

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/niem-vui-ngay-tro-ve-va-loi-canh-tinh-tu-chinh-nan-nhan-bi-lua-viec-nhe-luong-cao-post311017.html