Niềm vui nơi biên giới
Giữa lưng chừng dốc đường vào bản Huổi Quang, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (Ðiện Biên) có ngôi trường mầm non mới được xây dựng, với nhiều vật dụng, đồ chơi không kém gì trường mầm non ở thành phố. Ðó là điểm Trường mầm non Huổi Quang 1, do Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng (Ðoàn 379) - Quân khu 2 đầu tư xây dựng tặng cô và trò nơi đây.
Giữa lưng chừng dốc đường vào bản Huổi Quang, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (Ðiện Biên) có ngôi trường mầm non mới được xây dựng, với nhiều vật dụng, đồ chơi không kém gì trường mầm non ở thành phố. Ðó là điểm Trường mầm non Huổi Quang 1, do Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng (Ðoàn 379) - Quân khu 2 đầu tư xây dựng tặng cô và trò nơi đây.
Từ đường quốc lộ 4D, vượt qua hơn chục cây số đường đèo dốc, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chúng tôi mới đến được điểm Trường mầm non Huổi Quang 1. Mặc dù vào giữa buổi sáng, nhưng vẫn có phụ huynh đưa con đến trường học, kèm theo cặp lồng thức ăn cho con. Anh Thào Cua Dơ, nhà ở bản Huổi Quang 1, đưa con vào lớp học, rồi quay ra hồ hởi nói với chúng tôi: "Từ ngày có trường mới khang trang, cùng nhiều đồ chơi, cho nên con tôi và các cháu trong bản rất thích đi học; về nhà cháu còn biết hát, biết đọc cái chữ cho cả nhà nghe…, tôi và gia đình vui cái bụng lắm. Trước đây, trường chưa được xây dựng, con tôi đến lớp thất thường, chỉ muốn đòi theo cùng bố, mẹ đi nương".
Cô giáo Lò Thị Toan chia sẻ: Ma Thì Hồ là xã biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn; người dân trên địa bàn xã chủ yếu là người dân tộc Mông; điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn. Do vậy, các điểm trường học mầm non chủ yếu là nhà tạm bợ, đồ chơi không có; giáo viên và học sinh phải ở và học tập trong nhà lợp phi-bờ-rô xi-măng rất nóng bức. Hơn nữa, đường từ các bản đến trường chủ yếu là đường đất, mỗi khi trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt; những ngày nắng thì đường gập ghềnh sỏi đá, bụi đất. Thế cho nên tỷ lệ trẻ nhỏ ở đây đến trường mẫu giáo đạt thấp. Trong đó, một số học sinh chỉ đi học được thời gian ngắn rồi bỏ học... Nhưng từ khi được Ðoàn 379 giúp xây dựng điểm trường này khang trang, gồm ba lớp học dành cho trẻ ở ba độ tuổi: Lớp từ 13 đến 36 tháng tuổi; lớp từ ba đến bốn tuổi; lớp từ bốn đến năm tuổi; cho nên sĩ số các lớp thường xuyên được duy trì đạt 100%. Cùng với đó, thực hiện Nghị định 06 của Chính phủ đối với vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hằng tháng, mỗi học sinh mẫu giáo được hỗ trợ 100 nghìn đồng tiền ăn trưa. Ðược sự quan tâm của các cấp, các ngành, có ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp đã nhân lên niềm vui của cô và trò nơi đây; là nguồn động lực để nâng bước các em nhỏ nơi biên giới đến trường học tập.
Ðược biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên gần dân, bám bản, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 379 thấy điểm Trường Huổi Quang 1 chật chội và xuống cấp nghiêm trọng, vì thế nhiều trẻ nhỏ không đến trường… Bằng tình cảm, tấm lòng của người lính, cán bộ của Ðoàn đã phối hợp chính quyền địa phương đề xuất lập dự toán và tiến hành xây dựng ngôi trường. Sau sáu tháng thi công, ngôi trường đã được hoàn thành trong niềm vui của cô, trò và người dân trên địa bàn. Theo đó, điểm Trường mầm non Huổi Quang 1 được xây dựng kiên cố, với sáu gian, rộng 232 m2, gồm: Bốn phòng học, hai phòng nghỉ của giáo viên, bếp, nhà vệ sinh, đường bê-tông, tường rào, cổng, với tổng số vốn đầu tư xây dựng là 1,8 tỷ đồng. Cùng với đó, ngành giáo dục của huyện Mường Chà và chính quyền xã đã hỗ trợ mua sắm các vật dụng học tập, đồ chơi, tạo cảnh quan môi trường đậm chất sư phạm để thu hút học sinh.
Ông Thào A Páo, Trưởng bản Huổi Quang 1, cho biết: Bộ đội Ðoàn 379 không chỉ giúp đồng bào xây dựng trường học, đường giao thông, bể lọc nước sạch, mà còn giúp người dân nhiều việc khác nữa. Vậy là từ nay về sau, các cháu nhỏ dưới 5 tuổi có chỗ để học, để vui chơi. "Dân bản chúng tôi sẽ nhớ mãi và biết ơn tình cảm mà bộ đội Ðoàn 379 dành cho", ông Thào A Páo nói.