Niềm vui trong những ngôi nhà mới
Cả cuộc đời lênh đênh sông nước, các hộ dân vạn chài ở xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) luôn mơ ước có một ngôi nhà nhỏ trên bờ. Giờ đây, niềm mong ước ấy đã thành hiện thực. Các hộ dân được cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà, tiến hành xây dựng và đến nay đã chuyển về nơi ở mới.
Những ngôi nhà khang trang của các hộ dân vạn chài tại khu tái định cư ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ.
67 năm lênh đênh sông nước trên chiếc thuyền chật hẹp chỉ vỏn vẹn hơn 3m2, giờ đây bà Nguyễn Thị Hoạt đã được ở trong căn nhà mới khang trang, rộng rãi. Từ nay, cuộc sống của bà sẽ đỡ vất vả hơn, không còn phập phồng nỗi lo những ngày mưa, gió. Hướng mắt nhìn về phía dòng sông Chu, bà Hoạt không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại những ngày tháng đã qua với bao ký ức buồn, vui lẫn lộn. Mới lên nhà mới được hơn 10 ngày, nhưng bà bảo mình như trẻ lại hàng chục tuổi, vì được thoải mái đi lại, nấu nướng, dọn dẹp trong căn nhà gần 80m2, vì lần đầu tiên trong đời, trời mưa mà được thảnh thơi ngồi trong nhà, không phải căng bạt, đội nón dầm mưa tát nước, giữ thuyền.
Tranh thủ cùng con chuẩn bị sách vở cho năm học mới, chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1982), tâm sự: Từ nhỏ đến khi trưởng thành chị chỉ gắn bó với con thuyền và dòng sông Chu. Lớn lên đi lấy chồng, do hoàn cảnh khó khăn nên chồng chị phải làm thuê cho các chủ tàu, còn chị thì thả đăng, bắt cá. Tối về hai vợ chồng, 3 đứa con cùng chen chúc trong con thuyền 8m2 chật hẹp. Cuộc sống chưa ăn bữa nay đã lo bữa mai, có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ sẽ có chỗ trú chân trên bờ nữa là một ngôi nhà khang trang, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách rộng rãi thế này. Vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền” nên hai cháu đầu gồm 1 gái, 1 trai (sinh năm 2005 và 2009) đều dở dang chuyện học hành. Lên bờ rồi, vợ chồng chị Hồng đang tính đến việc chuyển nghề, xin đi làm công ty, chăm lo cho con trai út (sinh năm 2016) được đến trường, vì Trường Tiểu học Thiệu Vũ cách nhà chỉ mấy trăm mét. Hy vọng có chỗ ở mới, cuộc sống của cả gia đình được tốt đẹp hơn, con cái thoát cảnh mù chữ, không còn phải nối tiếp nghề chài lưới như bố mẹ.
Cách nhà chị Hồng không xa, anh Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1980) đang tất bật lau dọn nhà cửa, bàn ghế, đồ nghề chuẩn bị khai trương quán nước giải khát cho cậu con trai. Như bao cư dân vạn chài ở xã Thiệu Vũ, gia đình anh Hậu cũng thuộc diện “3 đời” gắn bó với sông nước. Bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu năm anh gắn bó với con thuyền, lấy vợ, sinh con cũng ở trên thuyền. Lênh đênh sông nước nên việc đến trường kiếm con chữ đối với các anh chị em nhà Hậu là một điều “xa xỉ”. Mong muốn đời con không tủi nhục như đời bố, vợ chồng anh cố gắng dành dụm, chắt bóp cho các con được lên bờ đi học. Nay đây, mai đó, khi thuyền neo đậu ở Thiệu Minh, lúc sang Thiệu Phúc... nên các con anh Hậu cũng thường chuyển trường liên tục. Rồi biến cố xảy ra khi vào mùa mưa năm 2019, trong một lần chèo thuyền bắt cá, vợ anh Hậu bị lật thuyền khi mới 39 tuổi, để lại mình anh cảnh “gà trống” nuôi 4 con nhỏ cùng người mẹ già hơn 80 tuổi. Thế là, hai đứa lớn, cố lắm cũng chỉ học hết cấp 2, vất vả vào đời tìm kế mưu sinh. Nay được hỗ trợ làm nhà mới, bố con anh Hậu vui lắm. Từ nay, gia đình anh không còn phải phấp phỏng nỗi lo tìm chỗ trú chân mỗi khi nghe tin bão về. Và, quan trọng hơn, 2 cháu nhỏ đang độ tuổi đi học không còn phải “chạy trường” theo bố, sẽ chuyên tâm học hành tại Trường Tiểu học Thiệu Vũ; con trai thứ hai sẽ “lập nghiệp” tại gia với quán nước giải khát mới được khai trương. Còn anh Hậu sẽ tìm kiếm một công việc ổn định trên bờ, để có điều kiện chăm sóc mẹ già, bảo ban con cái...
28 hộ gia đình làng chài Thiệu Vũ là 28 hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng có “điểm chung” là cả cuộc đời “gắn” với sông nước, trên những con thuyền chật hẹp. Nếu không được sự quan tâm, tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ làm nhà của chính quyền địa phương, của Ủy ban MTTQ tỉnh, Caritas Giáo phận Thanh Hóa thì mơ ước về “một ngôi nhà” trên bờ, với những người dân vạn chài, có lẽ cũng mãi chỉ là ước mơ mà thôi.
Niềm vui của mẹ con chị Nguyễn Thị Hồng trong căn nhà mới khang trang tại khu tái định cư ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ.
Sau 4 tháng khởi công xây dựng, giờ đây 28 hộ với hơn 140 nhân khẩu được cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà đã hoàn thiện và chuyển đến ở trong những căn nhà mới tại khu tái định cư thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ. Nơi đây có đầy đủ các hạng mục công trình dân sinh, lại gần trung tâm xã, trường học, trạm y tế, nên rất thuận tiện cho đời sống, sinh hoạt của bà con. Các ngôi nhà được xây dựng theo mẫu thiết kế chung, mỗi nhà có tổng trị giá từ 200 đến 400 triệu đồng, trong đó Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, Caritas Giáo phận Thanh Hóa và huyện Thiệu Hóa hỗ trợ mỗi hộ 150 triệu đồng, giúp các gia đình xây dựng được những căn nhà khang trang, kiên cố.
Sau khi đưa bà con lên bờ, việc giải quyết bài toán “sinh kế” cho người dân vạn chài cũng là trăn trở của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thiệu Hóa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Lai, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Cùng với việc tuyên truyền để bà con thay đổi nhận thức, quyết tâm vươn lên thì điều quan trọng là phải giúp được các hộ học nghề - có “cần câu” thì mới “giữ chân” được bà con vốn cả đời quen với cuộc sống sông nước, giúp họ ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Khi 28 hộ lên bờ, huyện đã chỉ đạo xã Thiệu Vũ tiến hành rà soát, thống kê, phân loại đối tượng. Đối với người già, huyện sẽ tìm một số nghề phù hợp như mây giang xiên, làm lông mi giả để làm tại nhà; còn đối với 36 đối tượng đang trong độ tuổi lao động chưa có công ăn việc làm thì sẽ giới thiệu cho đi học nghề để làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy. Đối với trẻ em, sẽ có chính sách hỗ trợ các em đến trường. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo xã rà soát lại diện tích đất nông nghiệp dôi dư cho các hộ mượn sản xuất”.
Những đứa trẻ vạn chài trước đây thường lênh đênh trên thuyền theo bố mẹ mưu sinh, nay các em có không gian vui chơi ngay trước nhà, được học tập, có tương lai tươi sáng hơn. Nhiều hộ dân đã đổi nghề, tìm việc làm mới trên bờ phù hợp, có thu nhập ổn định hơn. Bắt đầu với ngày tháng mới trong niềm hân hoan, vui mừng, tràn đầy hy vọng, những hộ giáo dân nơi đây đã yên tâm “an cư, lạc nghiệp”, từng bước ổn định cuộc sống trong những căn nhà đại đoàn kết đầy ắp nghĩa tình.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/niem-vui-trong-nhung-ngoi-nha-moi/192731.htm