Niềm vui trong những ngôi nhà mới giữa đại ngàn
Những ngày này, có mặt tại các bản vùng sâu, vùng xa biên giới huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chúng tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh cán bộ chiến sĩ (CBCS) công an 'vượt nắng, thắng mưa', gấp rút đẩy nhanh tiến độ làm nhà để kịp bàn giao cho các hộ nghèo đúng kế hoạch.
Tại các ngả đường vào bản, những chiến sĩ công an kiên trì, nhẫn nại vận chuyển vật liệu xây dựng đến các điểm nhà trên các mỏm đồi cheo leo để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho dân bản.
Không quản gian lao
Xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) có vị trí địa lý rất đặc biệt. Đây là xã duy nhất trong cả nước “một tiếng gà gáy ba nước (Việt Nam, Lào và Trung Quốc) cùng nghe”. Còn nhớ hơn chục năm trước, chúng tôi đã có chuyến công tác tại xã Sín Thầu. Thời điểm đó, sáng sớm đi từ Hà Nội thì đến tối mịt mới lên tới Điện Biên. Song từ TP Điện Biên Phủ vào Sín Thầu hết mấy ngày thì... không nói trước được. Bởi khi đó, đường sá còn rất khó khăn. Trên quãng đường gần 300km có rất nhiều con suối to mà nước rất sâu, xe gầm thấp không thể đi qua.
Ngoài ra, còn rất nhiều đoạn đường dốc cao, đường đất thịt trơn như mỡ - trời chỉ mưa nhỏ là không thể đi được. Trong chuyến công tác ấy, đoàn chúng tôi đã phải chia làm hai, một nửa đi xe U-oát cùng các anh Công an tỉnh vào xã; một nửa phải ngủ lại giữa rừng để... trông xe, chờ được xe ủi đến giải cứu.
Cho tới thời điểm hiện tại, cung đường vào xã Sín Thầu đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để vào được trung tâm các bản thì vẫn còn rất nan giải. Đặc biệt, những chuyến xe chở nguyên vật liệu như cát, gạch, xi măng, các cột, kèo, tôn chống nóng... từ trung tâm huyện Mường Nhé lên sẽ phải tập kết tại một điểm ven tỉnh lộ. Từ đó các chiến sĩ công an sẽ phải dùng xe máy, xe cải tiến, thậm chí phải “tăng bo” để đưa vào đến chân công trình.
Chúng tôi khởi hành từ ngày 28-4 thì suốt từ đó đến sáng 2-5, Mường Nhé ngày nào cũng mưa. Mà đã mưa thì con đường dẫn vào các bản đều trở thành những vũng sình, đất dẻo quánh, đi bộ cũng rất vất vả chứ chưa nói việc chuyên chở nguyên vật liệu đến công trình. Trước khi quyết tâm nhằm hướng bản Huổi Cắn (xã Mường Toong) thẳng tiến, chúng tôi đã được người dân bản địa cảnh báo khó có thể đi đến trung tâm bản trong điều kiện thời tiết mưa thế này, xe ô tô cũng không thể đi được. Để vào bản, chúng tôi sẽ phải vác theo máy móc tác nghiệp trên đoạn đường nhiều km.
May mắn, đến buổi chiều trời đã tạnh mưa. Sau khi di chuyển khoảng 10km tỉnh lộ, chúng tôi được ưu tiên lên xe máy của cán bộ Công an huyện vừa từ trong bản quay ra đón. Trên đường chở tôi vào bản, Đại úy Chang A Dì không quên dặn dò: “Anh chớ bám thật chắc nhé, đường đi khó lắm đấy”.
Sau vài chục mét đường khô ráo, những đoạn đường cua tay áo kèm đất ướt nhoét, trơn như mỡ hiện ra. Chiếc xe cứ hết vật sang trái lại ngả sang phải, có chỗ bánh xe quay tít mù làm chúng tôi phải xuống xe để đủn, còn Dì dùng chân đẩy mạnh để xe vọt khỏi chỗ sình. Cung đường chỉ khoảng 3km mà phải mất 30 phút trầy trật chúng tôi mới vào đến công trình đang xây dựng, quần áo bê bết bùn đất.
Tại công trường nhỏ này, chúng tôi gặp Thiếu tá Giàng A Minh, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé đã “nằm” tại bản nhiều ngày. Khuôn mặt anh đỏ như gấc chín, lưng áo ướt đầm đìa. Tạm nghỉ tay, Thiếu tá Minh tâm sự, đây là công trình do UBND xã làm chủ đầu tư, tuy nhiên do những điều kiện khách quan mà chưa thể triển khai xong nên Công an huyện đã nhận giúp đỡ một số khâu như: Vận chuyển nguyên vật liệu, đào móng, dựng cột...
“Trong các khâu này thì việc vận chuyển nguyên vật liệu là khó nhất. Anh em phải tranh thủ ngày nắng ráo để mang được hết. Song, cũng có hôm đang làm thì trời mưa, đường nát nhoét không thể dùng ô tô xe máy vận chuyển. CBCS đành phải cho vật liệu, cát, gạch vào bao, vác trên vai đi bộ vào, trông không khác gì một đàn... trâu đầm” - anh hóm hỉnh ví von.
Đường vào Huổi Cắn đã khó khăn như thế, song vẫn... chưa là gì so với bản Huổi Cấu (xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé). Xã cách huyện khoảng 30km, quãng đường đất chỉ có thể đi xe máy vào dài cả chục km. Lần đầu, do thiếu kinh nghiệm, có chiến sĩ ham chở nặng. Đến đoạn đường quá trơn, lại chở nặng nên chiếc xe bị “bốc đầu”, người và xe chổng ngược ra đằng sau. Rất may, chiến sĩ này không bị thương.
Khi nguyên vật liệu đã vào đến chân công trình, Thiếu tá Minh và CBCS Công an huyện cùng học viên của Học viện An ninh nhân dân lại tiếp tục tổ chức đào móng, san nền cho căn nhà. Vốn từ bé quen làm việc tay chân nên Thiếu tá Minh nhanh chóng xoay trần cùng với nam, nữ học viên để đào móng. Từng nhát cuốc, thuổng bổ xuống..., mồ hôi anh em vã ra như tắm. Móng công trình dần được hình thành, rồi việc đào lỗ chôn cọc cũng hết sức vất vả...
Trung tá Pờ Pờ Sơn, Phó trưởng Công an huyện phụ trách Công an huyện Mường Nhé nhớ lại. Khi anh cùng đồng đội chở vật liệu vào bản, do trời mưa đường trơn nên đã bị ngã. Bàn tay anh chống xuống đường đã bị thương, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng, không để bà con dân bản đợi, anh lại gắng gượng đứng dậy đi tiếp tới bản, đến nơi là bắt tay ngay vào việc dựng nhà, mải làm quên cả mệt, cả đau.
“Niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới”
Tại xã Leng Su Sìn, chúng tôi có mặt gia đình anh Lỳ Gó Po (và vợ là Sừng Trang Dê) tại bản Leng Su Sìn. Đây là một bản xinh đẹp, nằm khá gần đường tỉnh lộ. 100% người dân trong bản thuộc dân tộc Hà Nhì. Khi chúng tôi đến anh Po đang chơi đùa với một bé gái 3 tuổi, còn chị Dê đang ru đứa con nhỏ mới hơn 3 tháng tuổi ngủ.
Nhìn thấy chúng tôi, hai vợ chồng vui vẻ mời vào thăm nhà. Không để chúng tôi kịp uống hết chén nước, anh Po kể ngay, hôm nay là vừa tròn một tháng hai anh chị chuyển về ở tại căn nhà mới xây. Vốn trước kia đây chỉ là căn nhà tạm mà bố mẹ vợ anh Po dựng cách đây 4 năm - khi vợ chồng anh Po xin ra ở riêng.
“Cán bộ không biết đâu, do ít tiền mà vách căn nhà chỉ được dựng bằng tôn mỏng, khung gỗ tạp, mái lợp fibro xi-măng. Mùa hè thì nóng lắm, mùa đông lạnh thấu xương. Đã thế, ở được hơn một năm thì mái đã bị dột. Cứ khi trời mưa to là tôi phải lấy chậu hứng nước khắp nơi. Khi ấy chúng tôi mới có được cháu đầu, cháu ốm đau suốt...” - anh Po nói.
Chị Dê kể thêm: ‘Khi gia đình em được các anh cán bộ xã, công an xã đến khảo sát và quyết định sẽ dựng lại căn nhà mới bằng vật liệu tốt hai vợ chồng mừng đến mất ngủ. Thế rồi chỉ trong vòng tuần cuối tháng 3-2020, ngôi nhà vững chãi đã được dựng xong. Do được làm vật liệu tốt nên dù thời tiết nắng nóng song trong nhà vẫn rất mát. Mừng nhất là cháu thứ hai nhà em vừa sinh từ tháng 1 đã được ở nhà mới. Cháu rất ngoan, không quấy khóc nhiều như chị của cháu”.
Vừa học xong bậc THPT thì Po và Dê xin hai bên gia đình cho cưới. Lấy nhau xong, gia đình nhà ngoại dựng tạm một căn nhà nhỏ, bên cạnh ngôi nhà của ông bà. Anh Po ngày ngày đi làm nương trồng lúa trồng ngô, chị Dê chăm con và nuôi vài con gà con vịt. Kinh tế gia đình rất khó khăn. Căn nhà dột nát nhiều năm mà không có tiền để sửa.
Với kinh phí khoảng 50 triệu đồng, ngôi nhà có chất lượng rất tốt. “Căn nhà rộng hơn 30m2, khung cột chắc chắn, mái lợp tôn lạnh, vách làm bằng tôn nhựa nhiều lớp cách nhiệt. Do khung nhà đã được thi công từ trước, chỉ việc ghép vào nên quá trình xây dựng tiết kiệm được rất nhiều thời gian” - Thượng úy Cà Văn Phương, Trưởng công an xã Leng Su Sìn chia sẻ.
Cũng theo anh Po, từ khi chuyển về căn nhà mới, hai vợ chồng rất phấn khởi, thầm cảm ơn các cấp các ngành đã quan tâm tới gia đình. Anh cũng quyết tâm sẽ làm việc chăm chỉ, tích cóp để sắm sửa thêm đồ đạc cho vợ con. “Khi nào có tiền trồng rừng, tiền bán ngô tôi sẽ mua gạch hoa về lát nền. Căn nhà vốn đã mát sẽ còn mát hơn” - anh Po hào hứng kể về dự định của mình.
Tạm biệt gia đình anh Po, chị Dê, chúng tôi di chuyển sang bản Huổi Cấu, xã Mường Toong. Tại đây chúng tôi được gặp anh Và A Mà cùng vợ là chị Hờ Thị Chu (cùng sinh năm 1998). Đứng cạnh ngôi nhà sắp hoàn thành, anh Mà rất vui.
Anh tâm sự, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mới học hết lớp 7, anh Mà phải nghỉ học, sau đó lấy vợ. 15 tuổi anh sinh cháu đầu lòng, đến nay vợ chồng anh đã có với nhau đến 4 mặt con. 6 miệng ăn chỉ dựa vào nương ngô nên thường xuyên bị thiếu đói. Cả gia đình chui rúc trong một căn nhà tuềnh toàng, không hơn cái... chuồng trâu là mấy. May mắn được Nhà nước hỗ trợ vật liệu, lực lượng Công an giúp cho việc xây nhà, chỉ vài hôm nữa là căn nhà sẽ hoàn thành.
Đến với các hộ nghèo những ngày này, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của rất nhiều người dân khi dọn đến ngôi nhà mới vừa xây. Ngoài những lời cảm ơn trực tiếp, qua những cánh thư tay, họ bày tỏ nỗi xúc động, sự biết ơn đến Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tỉnh Điện Biên...
Anh Chan Hừ Lòng (trú tại bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn) bày tỏ: “Gia đình tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đã có được ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ để ở ổn định làm ăn lâu dài. Gia đình tôi vô cùng hạnh phúc. Qua thư này, chúng tôi muốn bày tỏ tình cảm quý mến, lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi đối với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an... Gia đình chúng tôi nhận thấy việc làm này thể hiện sự quan tâm chăm lo tận tình chu đáo của các cấp lãnh đạo đối với đồng bào các dân tộc nói chung và đặc biệt là đồng bào còn khó khăn như chúng tôi nói riêng.
Nhân đây, tôi thay mặt gia đình xin hứa chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước tại địa phương, tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống không theo tà đạo, không truyền đạo trái pháp luật, không di cư tự do không xuất cảnh trái phép, tham gia vận động người thân cộng đồng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa bản làng trong sạch lành mạnh”...
Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo tại huyện Mường Nhé của Bộ Công an, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ tham mưu cho Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU ngày 4-10-2019 về chủ trương hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo ở Mường Nhé với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”.
Sẽ có hơn 1.000 hộ dân ở Mường Nhé được hưởng chính sách này. Riêng công an tỉnh nhận thi công 112 công trình và đã cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, Công an tỉnh còn huy động hàng trăm CBCS xuống bản giúp các sở, ngành, đơn vị, các xã trong công tác hỗ trợ làm nhà, cải tạo nhà cho hộ nghèo...
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/niem-vui-trong-nhung-ngoi-nha-moi-giua-dai-ngan-593986/