Niềm vui từ các khu tái định cư
Để phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, đã có hơn 20 nghìn nhân khẩu, phần lớn là người dân tộc thiểu số đã di chuyển đến 125 điểm tái định cư. Sau gần hai thập kỷ, cuộc sống của các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang đã ổn định và có nhiều khởi sắc.
Đất đã bén người
Ngôi nhà xây khang trang của bà Nguyễn Thị Đua nổi bật hẳn tại khu tái định cư thôn Ao Họ, xã Minh Hương (Hàm Yên). Bà Đua không giấu được sự vui mừng khi niềm mong mỏi bấy lâu của gia đình bà giờ đã thành hiện thực.
Bà Đua chia sẻ, khi chuyển về đây, những ngày đầu, cuộc sống có xáo trộn, nhưng được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân bản địa, gia đình đã bắt nhịp với cuộc sống mới. Được giao đất, giao rừng, bà bảo con cháu bắt tay vào trồng lúa, ngô, trồng rừng. Đồng thời, xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi lợn. Tận dụng lợi thế của địa phương, bà học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi vịt đặc sản Minh Hương… nhờ đó, đời sống của gia đình bà đã ngày một khấm khá lên. Năm 2020, gia đình xây được nhà mới khang trang, mua sắm được đầy đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, máy giặt…
Thôn Ao Họ có 16 hộ dân tái định cư. Nhờ yên tâm tập trung lao động sản xuất, ổn định cuộc sống mà vùng đất này đã và đang đổi thay từng ngày, những ngôi nhà xây mọc san sát nhau thay cho những ngôi nhà cũ kỹ. Đường vào thôn rộng thênh thang, sạch đẹp. Đến nay, 100% số hộ tái định cư trong thôn có phương tiện nghe nhìn, trên 90% số hộ sắm được xe máy. Đặc biệt, nhờ chuyển đến nơi ở mới con em các hộ dân trong thôn có điều kiện học tập tốt hơn, nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Năm 2004, 58 hộ đồng bào dân tộc Mông, xã Thúy Loa (Na Hang) về định cư tại thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Trước đây, gia đình ông Lý A Cải ở thôn Mỹ Hoa là hộ nghèo, nhưng giờ đây cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Gia đình ông đã được giao đất, mạnh dạn đầu tư trồng 6 mẫu chè, rồi ông nuôi thêm trâu, bò vỗ béo. Năm vừa rồi ông thu về trên 150 triệu đồng.
Mỹ Hoa hiện có 81 hộ dân, nhờ được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực trong lao động sản xuất, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Đến nay, thôn chỉ còn 7 hộ nghèo, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, 100% người dân được sử dụng nước sạch và được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% hộ dân trong thôn có ti vi, xe máy… Anh Lý Văn Tú, Trưởng thôn Mỹ Hoa tâm sự, thật khó để so sánh giữa nơi ở cũ với nơi ở mới. Quê cũ đất đai rộng hơn, nhưng chẳng biết canh tác nên vẫn thiếu đói liên miên. Nơi ở mới tuy có chật hẹp hơn, nhưng có đồi chè, có rừng trồng cây, hạ tầng được đầu tư cơ bản, nhiều hộ được vay vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, việc phát triển kinh tế thuận lợi hơn, điều kiện học tập của các cháu cũng tốt hơn trước, người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn...
Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Ngay sau khi tổ chức cho các hộ di chuyển về nơi tái định cư, công tác giao đất sản xuất, đất ở được đảm bảo thực hiện đúng quy định. Đồng thời, người dân được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm; hỗ trợ sản xuất và đời sống… Đến nay, toàn tỉnh đã giao đất ở cho 3.915 hộ, bình quân 300 m2/hộ và đất sản xuất nông nghiệp cho 15.041 nhân khẩu tái định cư, đạt trên 500 m2/nhân khẩu; 845 người được đào tạo nghề; 3.776 hộ được hỗ trợ kinh phí sản xuất; 5.573 hộ được hỗ trợ xây dựng hầm biogas, nhà vệ sinh tự hoại…
Ngoài ra, tại các khu tái định cư còn được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 531 công trình đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, thủy lợi… với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh ta được bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn nhằm hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nâng cao đời sống cho người dân.
Năm 2021, các khu tái định cư huyện Na Hang được đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình như nâng cấp đường giao thông Bản Nuầy, xã Năng Khả; đường trung tâm xã Yên Hoa đi bản Thác, đường Yên Hoa đi Khâu Tinh, đường xã Sơn Phú; đập thủy lợi thôn Nà Pục, kè thôn 18, xã Đà Vị; đập Không Cọ, xã Yên Hoa; đường điện 0,4 KV
Bản Thác, xã Yên Hoa… Nhờ nâng cấp và xây mới hạ tầng các khu tái định cư và các chính sách hậu tái định cư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được ổn định, kinh tế phát triển, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Ông Hoàng Văn Canh, thôn Nà Pục, xã Đà Vị (Na Hang) phấn khởi cho biết, về tái định cư tại thôn Nà Pục, gia đình ông và các hộ dân trong thôn được bố trí đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ lắp đặt bể biogas, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên cuộc sống ngày một tốt lên. Các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học… được đầu tư nâng cấp, xây mới giúp việc đi lại, phát triển kinh tế thuận lợi, con cháu được học tập trong những ngôi trường khang trang, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn mỗi khi ốm đau.
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho biết, đến nay các khu tái định cư đã cơ bản hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ cuộc sống của người dân. Các hộ gia đình từ ngày sống tập trung về khu tái định cư đã có cuộc sống ổn định hơn trước. Thời gian tới, ban tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Theo đó, ban sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện xây mới, nâng cấp các hạng mục công trình; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao kỹ thuật giúp người dân lựa chọn phương án sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại mỗi địa phương để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…