Niềm vui từ cây cầu thiện nguyện

Từ hảo tâm của các doanh nghiệp và nhóm thiện nguyện trong và ngoài huyện Mai Sơn, cùng quyên góp, ủng hộ nguồn kinh phí, nhân công, kỹ thuật..., cây cầu bê-tông bắc qua con suối Huổi Nhụng, trên địa phận bản Cáp Na, xã Nà Bó đã được thi công xây dựng, mang lại niềm vui cho đồng bào các dân tộc địa phương, bởi việc đi lại đã thuận lợi cả 4 mùa trong năm.

Khánh thành, bàn giao cầu thiện nguyện Cáp Na, xã Nà Bó.

Khánh thành, bàn giao cầu thiện nguyện Cáp Na, xã Nà Bó.

Trước đây, để ra tỉnh lộ 110, không chỉ bà con bản Cáp Na mà cả các bản Sơn Tra, Pá Hốc, Pù Tền (xã Tà Hộc) cũng phải đi qua con suối Huổi Nhụng. Vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về cuồn cuộn, khiến bà con nông dân và các cháu học sinh không thể qua suối, mà phải đi đường vòng mất rất nhiều thời gian. Năm 2017, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ làm cống thoát nước, hai bên bờ đắp đất làm cầu tạm để bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhưng đến tháng 9/2019, mưa lũ lớn lại cuốn phăng đoạn cống thoát nước, việc đi lại của bà con lại gặp trắc trở. Để giúp bà con tháo bỏ khó khăn, nhóm thiện nguyện "Ấm áp vùng cao" cùng Công ty TNHH Bình An, Công ty CP Đầu tư xây dựng Khang Việt và một số nhóm thiện nguyện tại Hà Nội đã kêu gọi các thành viên và nhà hảo tâm đóng góp gần 400 triệu đồng xây cây cầu mới bằng bê-tông kiên cố. Cảm kích trước việc làm đó, nhân dân các bản cũng bảo nhau góp vật liệu cùng hơn 400 công lao động, hỗ trợ lưu trú cho các đội thi công, nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình. Sau 2 tháng miệt mài lao động, công trình cầu cứng bằng bê-tông tại bản Cáp Na đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu dài 10 m, rộng 3,5 m, tải trọng 10 tấn, bảo đảm cho người dân có thể đi lại 4 mùa trong năm. Phát biểu tại lễ khánh thành cây cầu, chị Nguyễn Thanh Vân, Trưởng nhóm thiện nguyện “Ấm áp vùng cao”, xúc động: Cây cầu đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, giúp bà con đi lại dễ dàng, tạo diện mạo mới và mở ra hướng phát triển cho địa phương, mà còn là “cầu nối tương lai”, bởi giúp các em học sinh không bị gián đoạn khi đến trường học tập, rèn luyện. Cây cầu là minh chứng của sự sẻ chia, ủng hộ của hàng trăm tấm lòng từ mọi miền đất nước trao tặng bà con nhân dân các dân tộc vùng khó khăn.

Từ ngày có cây cầu, người dân các bản phấn khởi lắm, bởi việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Dù nắng hay mưa, người cao tuổi, trẻ em qua cầu rất an toàn; con đường nối ra tỉnh lộ 110 cũng gần hơn trước nhiều. Nhìn cây cầu mới vững chắc, ông Hàng A Su, Bí thư Chi bộ bản Cáp Na, nói: Chúng tôi cảm ơn những tấm lòng vàng đã ủng hộ kinh phí để xây dựng cây cầu giúp người dân đi lại trao đổi hàng hóa thuận lợi. Chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và phát huy hiệu quả hoạt động của cây cầu mới này. Còn ông Vì Văn Nam, bản Pù Tền, chia sẻ: Có cây cầu mới này, ai cũng vui mừng phấn khởi; những lúc mưa to, bà con trong bản không phải đi bộ đường vòng ra xã như trước; nông sản làm ra có xe ô tô vào tận nơi thu mua với giá cao hơn; trẻ con và người già sẽ không còn sợ mỗi lần đi qua suối mùa nước lũ; giao thông thuận tiện, đời sống cũng tốt lên rất nhiều.

Rời bản Cáp Na, chia tay bà con địa phương, chúng tôi xin dẫn lời thơ của chị Chử Thị Thanh Hương, thành viên nhóm thiện nguyện đọc tại buổi khánh thành cây cầu: “Hạnh phúc quá một miền quê/Có cầu, con chữ cận kề xóm thôn/Chăm đến lớp, nhìn sáng hơn/Bàn tay em sẽ dựng lên quê mình/Vui sao, vui thế ngỡ ngàng/Cây cầu đã nối bản làng - phố vui”. Một ngày không xa nữa, bà con địa phương nơi đây sẽ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xóa bỏ đói nghèo.

Thu Thảo

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/niem-vui-tu-cay-cau-thien-nguyen-30916