Niềm vui tuổi già khi đều đặn nhận lương hưu hàng tháng

Từng có ý định rút BHXH một lần, nhưng nghe lời khuyên của cán bộ BHXH và cân nhắc nhu cầu của bản thân, nhiều người đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện đóng những tháng còn thiếu để hưởng lương hưu.

Ông Trần Hoàng Thành (61 tuổi, phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vui và tự hào khi nói về việc bản thân đã được nhận lương hưu, với mức hơn 2,1 triệu đồng/tháng.

Từng là cán bộ chuyên trách cấp xã, sau hai nhiệm kỳ, ông Thành nghỉ công tác năm 2019, với tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc là 14 năm 8 tháng. Sau khi nghỉ làm 1 năm theo quy định, ông làm hồ sơ xin rút BHXH một lần, với số tiền dự kiến nhận về khoảng 90 triệu đồng cho toàn bộ quá trình đã đóng BHXH.

 Ông Trần Hoàng Thành khoe tin nhắn nhận lương hưu hàng tháng.

Ông Trần Hoàng Thành khoe tin nhắn nhận lương hưu hàng tháng.

Khi tiếp nhận hồ sơ hưởng BHXH một lần của ông Thành, cán bộ BHXH tỉnh Trà Vinh trực tiếp tư vấn, đưa ra lời khuyên không nên rút BHXH một lần, mà chuyển sang đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu hàng tháng khi đến tuổi.

“Tôi trước công tác tại phường 2, thành phố Trà Vinh, là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường. Sau hai nhiệm kỳ, tôi nghỉ công tác năm 2019 và tổng thời gian đóng BHXH là 14 năm 8 tháng. Lúc mới nghỉ, tôi cũng có ý định rút BHXH một lần. Sau 1 năm theo quy định, tôi làm đơn xin rút BHXH một lần và được số tiền được rút là khoảng 90 triệu đồng. Tuy nhiên lúc đó, chị Hồng Anh, cán bộ BHXH tỉnh tư vấn không nên rút BHXH một lần, mà chuyển sang đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu”, ông Trần Hoàng Thành kể.

Cán bộ BHXH tỉnh Trà Vinh tư vấn cụ thể cho ông Thành từng mức đóng BHXH một lần, số tiền sẽ đóng, mức hưởng khá chi tiết để cân nhắc.

“Tôi cân nhắc nhiều lần và cũng làm bài toán cụ thể thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút BHXH một lần. Thêm vợ động viên và chia sẻ, tôi quyết định đóng tiếp ở mức 4 triệu đồng. Sau 1 năm đóng theo quý, vào tháng 10/2021, tôi quyết định đóng một lần 37 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, với số tiền hơn 34 triệu đồng. Lúc đó tôi bán 5 chỉ vàng và gom một phần tiền tiết kiệm để đóng đủ số tiền này và được lĩnh lương hưu từ tháng 10/2021. Nay hàng tháng được nhận lương hưu tôi thấy rất thoải mái vì có một khoản về già. Quan trọng hơn là có thẻ BHYT để khám chữa bệnh”, ông Trần Hoàng Thành chia sẻ.

“Nếu sống thọ thì đây là khoản đầu tư hữu ích, nhưng quan trọng hơn là chủ động được cuộc sống. Hàng tháng khi điện thoại báo tin nhắn lương hưu đổ về tài khoản tôi cảm thấy rất vui và hữu ích. Giờ nghỉ ngơi, tôi có điều kiện thăm bạn bè, đi du lịch”, ông Thành nói thêm.

Theo quy định hiện hành, người tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên, đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu, sẽ được giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng. Với trường hợp đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động có thể đóng BHXH tự nguyện cho đủ số năm, hoặc đóng 1 lần cho số năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để có lương hưu.

Lương hưu được chi trả hàng tháng, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người hết tuổi lao động. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống người hưởng. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu, lần gần nhất là từ đầu năm 2022, và dự kiến từ 1/7/2023 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng với một số nhóm đang nhận lương hưu.

Người lao động nhận lương hưu còn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời, quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình).

Trường hợp người nhận lương hưu không may qua đời, thân nhân sẽ được hưởng chế độ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở, thân nhân còn được chi trả chế độ tuất một lần hoặc hàng tháng với nhiều quyền lợi.

1. Điều kiện hưởng lương hưu bảo hiểm

1.1 Đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc

Người lao động (NLĐ) đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1

Nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam, đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ.

Trường hợp 2

Nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đủ 55 tuổi 6 tháng (đối với nam) và đủ 50 tuổi 8 tháng (đối với nữ).

1.2 Đối với người tham gia BHXH tự nguyện

- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

- Điều kiện để người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu:

(1) Đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam.

(2) Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

2. Mức hưởng lương hưu đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc:

Mức lương hưu hàng tháng của NLĐ được tính như sau:

Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng X Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Trong đó:

**Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng được xác định như sau:

- Đối với lao động nam:

+ Đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45% (NLĐ nghỉ hưu năm 2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%)

+ Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.

Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.

- Đối với lao động nữ:

+ Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%.

+ Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.

Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.

Lưu ý: Trường hợp NLĐ hưởng lương hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/niem-vui-tuoi-gia-khi-deu-dan-nhan-luong-huu-hang-thang-d35105.html