Niềm vui và nỗi buồn của thợ đào Bitcoin tại Trung Quốc
Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giá của tiền mã hóa, các thợ mỏ Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Vào mùa đông năm 2017, đêm ở Nội Mông rất lạnh, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới âm 20 độ C. Trong một "mỏ" hoang vắng, Feng Sheng, một thợ đào Bitcoin đến từ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đã đi ngủ sớm trong một căn phòng có giường tầng, ngủ được bảy hoặc tám người vì không có trò giải trí.
Cơn sốt Bitcoin đã đưa anh chàng từ miền Nam ấm áp đến vùng đất hoang lạnh giá này. Vào năm 2017, giá Bitcoin đã tăng từ 1.000 USD vào đầu năm lên 13.000 USD vào cuối năm, tức là tăng hơn 10 lần. Feng Sheng chỉ là một trong vô số người "đào tiền mã hóa". Phía sau anh ta là một đội ngũ lớn, những người điên cuồng với Bitcoin, họ coi Bitcoin là “vàng kỹ thuật số”.
Bắt đầu từ nửa cuối năm 2020, các thợ đào Bitcoin dường như ngửi thấy mùi của ba năm trước. Sau khi giá Bitcoin vượt qua mức 10.000 USD, nó đã tăng liên tục, thậm chí vượt qua mốc 40.000 USD.
Sau khi trải qua “phong ba bão táp”, trước làn sóng tăng giá của thị trường Bitcoin như hiện nay, Feng Sheng nói với The Paper rằng: “Đào tiền mã hóa là công việc lâu dài. Cải tiến máy khai thác càng hiện đại, có kế hoạch đối phó với khu vực khai thác, giá điện càng chu toàn thì càng hạn chế được ảnh hưởng của thay đổi về giá tiền ảo sau này".
Mỏ đào mà Feng Sheng tìm đến là một khu đất hoang ở Nội Mông
Đào mỏ là một hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về chính sách. Vào tháng 9/2017, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và bảy bộ phận khác cùng ban hành "Thông báo về việc ngăn chặn đồng tiền điện tử", tạm dừng các hoạt động phát hành tiền mã hóa. Các sàn giao dịch trong nước dần dần bị đóng cửa và việc khai thác tiền mã hóa cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Do đặc điểm tiêu thụ điện năng quá lớn, chính phủ Trung Quốc đưa khai thác tiền mã hóa vào danh sách "các ngành bị loại bỏ".
Sổ cái của người khai thác: chi phí bao gồm tiền điện, phí lưu ký và chi máy khai thác
Theo các thợ đào mỏ, khai thác Bitcoin mất 12 tháng để hoàn vốn và giá máy khai thác Bitcoin tăng gấp đôi và vẫn đang thiếu hụt. Khi giá Bitcoin vượt qua mốc 30.000 USD và 40.000 USD, ngành công nghiệp khai thác Bitcoin cũng được đưa vào danh sách cơn sốt lần hai.
Năm 2015, Guo Li đến Tứ Xuyên để thị sát "mỏ đào". Vì đi vào mùa mưa, trên cao thường xuyên có những tảng đá lăn xuống đường.
"Thực sự rất nguy hiểm, tôi cảm thấy như mình đang chơi đùa với mạng sống của mình", Guo Li nhớ lại. Tuy nhiên, kể từ đó, Guo Li bắt đầu xây dựng mỏ khai thác Bitcoin.
"Mọi người đứng ngoài nhìn vào thường thấy ngành công nghiệp của chúng tôi mang lại lợi nhuận khá cao, nhưng thật ra đó là công việc vất vả. Mọi người đều phải làm việc rất chăm chỉ, rất nỗ lực." Guo Li nói.
Vào năm 2019, Liu Wu, một thợ đào Bitcoin đến từ Tô Châu, đã đầu tư một khoản tiền vào nền tảng khai thác đám mây với tâm lý “nếu thua lỗ thì coi như bị lừa đi”. Sau lần đầu tiên bán 2.000 nhân dân tệ Bitcoin, Liu Wu chính thức có ý tưởng tham gia vào ngành khai thác bitcoin.
Thu nhập của người đào mỏ là số phần thưởng Bitcoin trong mỗi khối được khai thác. Chi phí chủ yếu là tiền điện, phí lưu ký và chi phí mua máy khai thác. Chen Jiu, một thợ đào đến từ Giang Tô nói với The Paper rằng anh ấy có thể đào một Bitcoin mỗi tháng (theo giá thị trường hiện tại 38.000 USD) với tiền điện hàng tháng 60.000 NDT (hơn 9.000 USD).
Đào Bitcoin có lợi nhuận thế nào? Giá máy khai thác tăng cao mà vẫn hết hàng
Mỏ Bitcoin lớn tại Tứ Xuyên. Nguồn ảnh: EPA
"Trong một ngành công nghiệp truyền thống, phải mất ba năm để thu hồi chi phí đầu tư. Trong khi đó, khai thác Bitcoin về cơ bản sẽ thu hồi vốn trong vòng một năm, và chi phí được thu hồi ngay từ ngày đầu tiên vận hành máy khai thác, đó thực sự là cám dỗ,” Liu Wu nói. Anh Liu đã điều hành hàng chục máy khai thác tại các mỏ đào ở Tân Cương, Vân Nam và Tứ Xuyên.
Giá của máy khai thác Bitcoin thay đổi theo giá của Bitcoin. “Tôi đã mua 30 chiếc Shenma M20 68t với giá trung bình 6.500 NDT / chiếc vào mùa hè, và giờ nó đã tăng lên 14.500 NDT/ chiếc,” Chen Jiu nói với tờ The Paper.
Khi thị trường Bitcoin tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, việc đào Bitcoin đã trở thành một "mỏ vàng" thực sự. Số lượng người mới và các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày một nhiều khiến cho việc tìm kiếm các máy khai thác Bitcoin trên thị trường trở nên khó khăn. Hiện tại, máy khai thác mới nhất S19pro do Bitmain sản xuất có giá 27.700 NDT. Và việc mua được chiếc máy mới nhất cũng không hề dễ dàng. Với mức giá trên, theo thị trường hiện tại, khai thác Bitcoin chỉ cần 6 tháng là có thể hoàn vốn.
Vì vậy, đối với các thợ đào, cơ hội gia nhập ngành đào tiền mã hóa là rất quan trọng.
“Năm 2017, giá máy cao ngất ngưởng khi giá Bitcoin là 20.000 USD nhưng lại giảm mạnh trong những tháng tiếp theo nên việc chọn điểm mua vào là rất quan trọng,” thợ đào Long Tan nói.
Liu Wu cũng đề cập, "Năm nay nhiều người mới bước vào thị trường tiền mã hóa. Tôi đoán họ không kiếm nhiều khi thị trường đang phi mã, giá của máy khai thác cũng tương đối cao".
Thị trường biến động mạnh năm 2020: sự kiện giảm một nửa Halving và tăng phi mã cuối năm
Năm 2020, Bitcoin đã trải qua một giai đoạn thăng trầm. Dưới tác động kép của đại dịch và cuộc chiến giá dầu thô, giá Bitcoin đã giảm sâu trong hai ngày liên tiếp. Vào ngày 12/3, Bitcoin thậm chí còn chọc thủng đáy, giảm xuống dưới 4.000 USD, giảm hơn 50% so với mức giá cao nhất trong tháng 2.
"Mọi người đều rất lo lắng, những người bạn của tôi cũng gọi điện cho nhau để hỏi xem liệu đà lao dốc có tiếp tục không, nên bán hay tiếp tục chờ đợi, không ai có thể đưa ra câu trả lời,” chủ sở hữu mỏ Chen Xiaolong nói. Nhiều thợ đào bán nhỏ lẻ đã không thanh toán nổi tiền điện vào thời điểm đó và phải đóng máy.
Sự sụp đổ của Bitcoin năm 2018 đã ám ảnh tâm lý nhiều người khai thác Bitcoin lúc bấy giờ. Nhiều người suy sụp và lo sợ giá Bitcoin sẽ trở về con số 0.
Sự kiện được coi là gây nhiều biến động nhất cho thị trường tiền mã hóa năm 2020 đó chính là việc đồng Bitcoin giảm một nửa số lượng vào tháng 5 năm 2020 (được gọi là sự kiện Halving). Phần thưởng cho một khối Bitcoin khai thác được đã giảm từ 12,5 Bitcoin xuống 6,25 Bitcoin và thu nhập của các máy khai thác cũng bị giảm một nửa.
"Việc giảm một nửa số lượng Bitcoin là điều khó chịu nhất đối với các mỏ và thợ đào, vì sản lượng giảm một nửa ngay lập tức. Ban đầu, việc đào Bitcoin đòi hỏi chi phí điện là 30.000 NDT. Sau điểm giảm một nửa, giá khai thác ngay lập tức trở thành 60.000 NDT”, chủ mỏ Li Bo chia sẻ.
Từ sau thời điểm tháng 5/2020, giá Bitcoin không những hồi phục mà còn tăng phi mã với mức biến động chưa từng có. Từ 11.000 USD, nó đã tăng vọt lên hơn 20.000 USD, 30.000 USD và 40.000 USD.
Thợ đào Bitcoin giống như “chim di cư”: đi đi về về hai miền Tây Nam - Tây Bắc
Các "mỏ" đào Bitcoin ở Trung Quốc thường được đặt ở vùng núi lạnh hoặc gần các trạm thủy điện. Ảnh: Coininfo.
Ở Trung Quốc, để có được mức điện giá rẻ, các mỏ khai thác về cơ bản được phân bố ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Tân Cương và Nội Mông.
Vân Nam, Tứ Xuyên và những nơi khác có giá điện rẻ nhất, nhưng nhược điểm là sự chênh lệch giữa thời kỳ ẩm ướt và thời kỳ khô hạn: mưa nhiều vào thời kỳ ẩm ướt giúp giá điện thấp, thời kỳ khô hạn làm giá điện tăng.
Vì vậy, để giảm chi phí, một số thợ mỏ cần giống như những “con chim di cư” theo mùa, chuyển máy khai thác đến Vân Nam, Tứ Xuyên và những nơi có nguồn thủy điện dồi dào, và chuyển máy khai thác đến Tân Cương, Nội Mông và những nơi khác vào mùa khô.
Theo Chen Jiu, “Chỉ có 10% -20% thợ mỏ không cần phải di cư, còn lại sẽ phải chuyển địa điểm liên tục. Tôi đang đào ở Tứ Xuyên trong một mùa mưa. Bây giờ, do không đủ lượng điện ở Tứ Xuyên trong mùa khô, tôi sẽ đến Tân Cương để đào. Sau đó lại chuyển về Tứ Xuyên.”
Việc di chuyển này cũng đồng nghĩa với việc chịu lỗ, đi đường phải mất cả tháng trời, máy khai thác không sản xuất được Bitcoin, tương đương với tình trạng đình trệ.
Để đáp ứng nhu cầu của thợ đào, nhiều chủ mỏ đã mở xưởng ở những khu vực có tài nguyên thủy điện. Chủ mỏ Guo Li thậm chí còn sở hữu các mỏ ở cả Tứ Xuyên và Nội Mông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các thợ mỏ. Điều đáng chú ý là xu hướng tăng giá Bitcoin dường như không mang lại nhiều thay đổi về lợi nhuận cho các mỏ.
Mong muốn và kế hoạch của thợ đào Bitcoin
Khai thác và tích trữ tiền mã hóa dường như là kế hoạch tất yếu của các thợ đào. Chen Jiu cho biết: “Tôi hy vọng giá Bitcoin sẽ tăng từ từ và cho chúng tôi thêm thời gian để khai thác. Bây giờ, ngay cả khi nó tăng lên 100.000 USD thì tôi cũng không có nhiều tiền mã hóa trong tay. Hãy để tôi thêm thời gian để đào và tích trữ”.
Chen Jiu cũng bày tỏ tiếc nuối khi anh ấy đã đào được gần 220 đồng Bitcoin trong vài năm qua, nhưng tiếc là anh ấy đã không tích trữ lâu dài, hầu hết anh đã bán vào trước thời gian thị trường đạt đỉnh năm 2017. Chen Jiu cũng đề cập rằng độ khó của việc khai thác đang tăng lên nhanh chóng, hiện tại, anh ấy chỉ có thể khai thác 1 Bitcoin với máy đào công suất 4800T một tháng, trong khi đó, thời gian trước, anh ấy có thể khai thác 6 Bitcoin mỗi tháng.
Long Tan không có kế hoạch mua máy khai thác Bitcoin trong thời điểm hiện tại. "Tôi có 500 máy, mùa nắng không có đủ điện. Gần đây chạy được gần 400 máy. Thế là tôi hài lòng rồi.”
Liu Wu, người sở hữu cả máy khai thác Ethereum và Bitcoin, dự định mua thêm máy khai thác Ethereum vì “giá máy khai thác Bitcoin hiện quá cao”.
Thợ đào Bitcoin có tin vào Bitcoin không?
Những con người này chấp nhận cuộc sống trong các vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh để canh giữ và vận hành hệ thống máy móc trị giá hàng triệu USD. Nguồn ảnh: NY Times.
Chen Xiaolong nói rằng niềm tin Bitcoin của anh ấy là "một đồng Bitcoin, một biệt thự" và anh ấy hy vọng sẽ để lại một số Bitcoin cho các con của mình. Thợ đào Liu Wu nói rằng anh ta sẽ thay đổi hướng đầu tư và không hoàn toàn tập trung vào Bitcoin.
Còn với Guo Li, niềm tin Bitcoin giống như niềm tin vào tình yêu khi còn trẻ vậy. “Khi bạn chơi lần đầu tiên, nếu giá tăng liên tục, bạn sẽ rất có niềm tin vào Bitcoin. Nếm trải một hai lần thất bại, thua lỗ, bạn có thể nghi ngờ cuộc sống. Thế nhưng nếu thất bại nhiều lần, bạn sẽ không còn để tâm nữa.”