Niềm vui và nỗi niềm

Giữa trận đấu hôm qua của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam với Thái Lan, một đồng nghiệp gửi cho tôi tấm ảnh các bác sĩ chăm sóc cho hậu vệ Chương Thị Kiều bên đường biên. Vết trầy xước ở bắp đùi trái của Kiều loang một mảng lớn màu đỏ do máu chảy nhiều, các bác sĩ đội tuyển bóng đá nữ đã phải xử lý cầm máu cho cô. Đầu gối Kiều cũng quấn nhiều lớp băng trắng. Chương Thị Kiều sau đó vẫn tiếp tục thi đấu rất mạnh mẽ trên sân.

Câu chuyện về sự khó khăn của bóng đá nữ có từ lâu. Tôi đã đọc đâu đó cách đây cả chục năm về trường hợp các nữ cầu thủ, ngoài giờ đá bóng phải đi bán bánh mì dạo, làm thêm để kiếm tiền.

SEA Games 30 trên thực tế, đội tuyển bóng đá nữ được LĐBĐVN (VFF) chăm sóc tương đối chu đáo. Trước giải thầy trò HLV Mai Đức Chung được tập huấn tại Nhật Bản, vào giải thì chuyện ăn nghỉ luôn được quan tâm kịp thời, kỹ lưỡng. Đội cũng được nhận thưởng nhiều tỷ đồng trong hành trình ở SEA Games, một con số ao ước trước kia. Ngược lại, nỗ lực của các cô gái đá bóng thực sự khiến tất cả phải khâm phục và cảm động. Kiều và các đồng đội cho thấy các cô xứng đáng với sự tưởng thưởng, động viên từ mọi người.

Nhưng tôi cũng có hai trải nghiệm khác với bóng đá nữ. Gần nhất là trận đấu bán kết của Việt Nam với Philippines. Philippines là nước chủ nhà nên trận đấu thu hút rất đông CĐV, một bộ phận lớn là phụ nữ. Họ cổ vũ rất sôi nổi, cuồng nhiệt cho đối thủ của nữ Việt Nam. Và tôi chợt nhận ra bóng đá nữ cũng rất hấp dẫn, lại vui vẻ, thú vị cho dù về chuyên môn khó so được với bóng đá nam. Trải nghiệm khác là một trận đấu thuộc giải Vô địch bóng đá nữ quốc gia năm 2018. Trận đấu diễn ra trên sân Thiên Trường (Nam Định) với… 20 CĐV trên sân, chủ yếu là các cụ già tiện đường tập thể dục vào xem.

Hai câu chuyện này có gì liên hệ với nhau? Màn trình diễn của đội tuyển bóng đá nữ là một minh chứng sinh động cho tinh thần không từ bỏ của các VĐV Việt Nam như HLV Park Hang Seo từng nhắc tới khi nói về đội tuyển nam. Bóng đá nữ cũng thực sự có một giải đấu thành công, xét trên nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên tới đây khi trở về nước, họ sẽ lại đối diện với những khán đài trống vắng, kéo theo đó là những khó khăn trong đời thường.

Để có thể phát triển, bóng đá nữ cần những bước đi thực chất, huy động được nguồn lực đầu tư từ xã hội, thay vì chỉ trông đợi vào khoản tiền thưởng của một vài cá nhân hay đơn vị đôi lúc hoàn toàn do ngẫu hứng. Giải bóng đá nữ quốc gia 8 năm liền chỉ có một nhà tài trợ duy nhất là Thái Sơn Bắc, mà được vậy cũng chỉ bởi một phần ông bầu Trần Anh Tú là “người nhà”.

Muốn làm được điều đó, VFF và những người làm bóng đá nữ phải thực sự thuyết phục được khán giả, để họ thấy xem bóng đá nữ cũng hấp dẫn và đem lại niềm hứng khởi. Không chỉ Việt Nam, bóng đá nữ trên thế giới luôn kém được quan tâm hơn bóng đá nam. Nhưng nếu thực sự có cách làm, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn.

N.P

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/niem-vui-va-noi-niem-1495943.tpo