Niêm yết giá

Một du khách nước ngoài bị 'hét giá' 700.000 đồng khi mua 3 đôi tất ở chợ Bến Thành (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sau khi mặc cả, giá giảm xuống dưới cả chục lần, 60.000 đồng/3 đôi. Đấy không còn là câu chuyện của 'thuận mua vừa bán' mà là kiểu mua bán 'chặt chém', làm xấu xí hình ảnh của ngành du lịch, của du khách khi tới Việt Nam.

Video cảnh mua bán này được người khách Nhật Bản chia sẻ trên mạng xã hội ngày 17/8 và ngay lập tức được nhiều người chú ý, bình luận. Theo đó, vị khách vào chợ Bến Thành hỏi mua 3 đôi tất. Người bán phát giá 700.000 đồng, gần 235.000 đồng/ đôi. Vị khách mặc cả, giảm còn 20.000 đồng/ đôi, thấp hơn 10 lần so với giá ban đầu. Cũng trong đoạn video này, khi hỏi một ki-ốt khác, du khách nhận được lời mời gọi mua hàng một đôi tất với mức giá 150.000 đồng.

Sau khi đoạn clip lan truyền trên mạng, nhiều người cho rằng, từ lâu chợ Bến Thành đã nổi tiếng với tình trạng “hét giá” trên trời. Và không chỉ riêng chợ Bến Thành, nhiều chợ truyền thống ở nhiều nơi, kể cả chợ Thương của TP Bắc Giang trước đây cũng nổi tiếng nói giá cao, nói thách nhiều… Không chỉ phát giá trên trời, khách còn rất sợ khi đến đây hỏi mà không mua hoặc mặc cả, trả giá thấp rất dễ bị chủ hàng buông lời dè bỉu, thậm chí chửi mắng, “đốt vía”…

Nhiều người nói giá thuê ki-ốt ở chợ cao, lượng người mua giảm nên đa số các hộ tiểu thương phải bán giá cao để bù vào giá thuê. Tuy nhiên, đấy không phải lý do, vì nói thách, sau giảm và đồng ý bán với giá giảm hơn 10 lần thì là “chặt chém”, cố tình nâng giá để bắt chẹt du khách.

Cứ bảo đi tới nơi nào, muốn biết đời sống dân sinh ra sao thì vào chợ khắc biết. Hay với du khách, đi tới chợ còn là nét văn hóa, điểm du lịch không thể không đến như khi tới TP Hồ Chí Minh, kiểu gì cũng ghé qua chợ Bến Thành. Vậy mà, với kiểu “hét giá” như này, chắc chắn, du khách lan truyền nhanh chóng và sẽ một đi, không trở lại.

Việc nói thách, bán với giá trên trời cụ thể với một đôi tất ở chợ Bến Thành không còn là câu chuyện của việc “thuận mua vừa bán” mà ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch, tới hình ảnh của đất nước Việt Nam đang được chúng ta quảng bá là thân thiện, mến khách.

Đó có lẽ cũng là lý do khiến chợ truyền thống ngày càng vắng khách, ế ẩm, du khách ngại vào, ngại va chạm với tiểu thương khi lỡ không mua được hàng. Trong khi các siêu thị, trung tâm thương mại công khai niêm yết giá, thậm chí cả xuất xứ, hạn sử dụng (nếu có) khiến người mua yên tâm hơn, dù giá có thể cao hơn mặt bằng đôi chút.

Nhiều người có điều kiện đi nước ngoài thường xuyên kể, ở các nước tiên tiến, họ niêm yết giá từ cái nhỏ nhất tới cái nhiều tiền, có giá trị. Nếu phát hiện ai không niêm yết giá hoặc bán giá cao so thực tế, giá cả chung sẽ bị xử lý, xử phạt nặng. Vì thế mà đi nước ngoài nhiều nhưng họ ít khi bị mua phải giá “cắt cổ”, “thuận mua vừa bán”.

Chúng ta có lực lượng quản lý thị thường, ngành công an kiểm tra, kiểm soát giá cả và hàng giả, nếu vi phạm thương hiệu. Có điều rất khó xử lý triệt để khi người buôn bán cố tình vi phạm và không có tâm khi bán hàng.

Trở lại câu chuyện ở chợ Bến Thành và rộng ra là các chợ truyền thống có từ lâu năm ở các địa phương, nếu niêm yết giá, đôi tất đó từ đầu để 20.000 đồng, hoặc có thể cao hơn nhưng có lẽ người dân, du khách vẫn mua, thậm chí mua nhiều hơn và như thế, không chỉ đơn thuần là thương mại, còn là văn hóa, kích cầu du lịch bền vững.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/410370/niem-yet-gia.html