Niên vụ cà phê 2021-2022: Chưa trọn niềm vui

'Tôi trồng xen cà phê với cây điều. Khi tưới nước, bón phân cho cà phê thì cây điều cũng được hưởng lợi. Nhờ đó, 2 ha điều phát triển tốt, năng suất ổn định nhiều năm liền. Niên vụ vừa qua thu được 5,5 tấn điều và năm nay dự kiến thu khoảng trên 15 tấn cà phê, tăng khá so với năm trước. Với giá bán cà phê như hiện tại thì chắc chắn người trồng có lãi…'' - anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú chia sẻ niềm vui khi vào vụ thu hoạch cà phê năm nay.

Niềm vui được mùa, được giá

Tại Bình Phước, cà phê được nông dân trồng nhiều ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và Đồng Phú với tổng diện tích khoảng 16 ngàn ha. Đặc điểm của nông dân trồng cà phê ở Bình Phước là đa phần trồng xen trong vườn điều, cây ăn trái, nhằm tăng năng suất, thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nông trường 719, Công ty TNHH MTV 16 (Binh đoàn 16) huy động cán bộ, công nhân viên của đơn vị tập trung thu hái cà phê cho kịp thời vụ

Nông trường 719, Công ty TNHH MTV 16 (Binh đoàn 16) huy động cán bộ, công nhân viên của đơn vị tập trung thu hái cà phê cho kịp thời vụ

Thời điểm này đã bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2021-2022, đa phần nông dân đều phấn khởi vì năng suất tăng, giá bán cũng ở mức khá so với năm trước. Gia đình chị Thị Ba, ngụ xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng chuyên canh hơn 2 ha cà phê đã ghép cải tạo nên năng suất đạt cao. Chị Ba ước tính thu được khoảng 9 tấn cà phê nhân, tăng hơn 2 tấn so với vụ trước. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, chị Ba chia sẻ: "Cả chục năm nay, chưa năm nào tôi thấy giá cà phê khá như năm nay nên rất mừng, nguồn thu tăng thêm gần 100 triệu đồng nhờ được mùa, được giá".

Thượng tá Trần Lê Cường, Giám đốc Nông trường 719, Công ty TNHH MTV 16 (Binh đoàn 16) cho biết, diện tích cà phê của nông trường khoảng 171 ha, chủ yếu trên địa bàn các xã Bom Bo, Đường 10, huyện Bù Đăng. 70% là diện tích trồng xen trong vườn điều và phần lớn đều đã hơn 20 năm tuổi, nhưng vụ này năng suất vẫn đạt khá trên 13 tấn/ha, những khu vực chuyên canh khả năng đạt 20 tấn/ha.

Những năm trước, vào đầu vụ thu hoạch, giá cà phê trên thị trường thường sụt giảm, thế nhưng năm nay giá ở mức khá cao, nông trường thu mua sản phẩm của hộ nhận khoán theo giá thị trường, dao động từ 41.000-42.000 đồng/kg cà phê nhân khô, cà phê tươi từ 8.000-8.300 đồng/kg.

Vợ chồng em có hái cật lực cả tháng chưa chắc xong 3 ha, chưa kể bị thất thoát, giảm chất lượng. Ai có người chỉ giúp em với!

Anh ĐÀO GIA,
xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng than thở

Nỗi lo khan hiếm lao động

Hầu hết các hộ trồng cà phê đều rất phấn khởi khi năng suất vườn cây đạt khá, đồng thời giá bán có nhiều tín hiệu khả quan hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tìm nhân công thu hoạch khá khó khăn, cộng với giá phân bón, xăng dầu tăng cao khiến nông dân thấp thỏm, gặp nhiều áp lực trước vụ mùa mới...

Lo lắng vì 3 ha cà phê đều đã vào kỳ thu hoạch, anh Đào Gia ở xã Đồng Nai phải đăng thông báo liên tục trên mạng xã hội tìm người hái cà phê. Các ưu đãi anh đưa ra khá hấp dẫn như: Bao chỗ ăn ở, điện, nước, tivi, wifi đầy đủ, bao xe đến, test Covid-19, thưởng thêm và bao xe về khi xong việc… nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng liên kết theo hình thức “vần đổi công” để thu hoạch cà phê cho kịp thời vụ

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng liên kết theo hình thức “vần đổi công” để thu hoạch cà phê cho kịp thời vụ

Ông Nguyễn Văn Thành Công ở xã Đường 10, huyện Bù Đăng cũng cho biết, chuẩn bị vào vụ thu hoạch, ông đã nhiều lần gọi điện cho thợ hái quen lâu năm ở các tỉnh An Giang, Bến Tre lên hái 2 ha cà phê nhưng bất thành do dịch Covid-19. Số khác thì đưa ra mức giá từ 1.800-2.000 đồng/kg cà phê tươi cho hình thức hái khoán là quá cao. Trong khi năm ngoái, ông khoán trắng vườn cho 5 lao động chỉ với giá 1.000 đồng/kg cà phê tươi. Họ hái rất chuyên nghiệp, nhiệt tình, cẩn thận, hạn chế gãy cành, tuốt lá xanh. Hái xong, họ còn ở lại dọn bồn cây, tỉa cành… đến gần tết mới về. Năm nay vì dịch bệnh, đi lại khó khăn nên nhân công cũ không lên, ông phải chạy khắp nơi tìm người mà chưa đủ.

Băn khoăn trước niên vụ mới

Ai đã từng trồng, chăm sóc cây cà phê cũng ý thức được rằng phân bón, nước tưới quan trọng như thế nào để cây có thể phát triển ổn định và cho năng suất cao. Tuy nhiên, hiện giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu đều tăng vọt dẫn đến chi phí đầu vào tăng, gây áp lực cho người trồng cà phê khi vụ mùa mới bắt đầu ngay sau thu hoạch.

Ông Hà Văn Tuấn ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng cho biết: “Đối với cà phê kinh doanh, để năng suất đạt được 3 tấn nhân/ha/năm thì phải bón ít nhất 200kg đạm nguyên chất, 80kg lân nguyên chất, 200kg kali và 10-15 tấn phân chuồng. So với cùng thời điểm năm trước, giá các loại phân bón đang ở mức rất cao, như phân DAP ở mức trên 20.000 đồng/kg; phân ure dao động từ 14.000-16.000 đồng/kg; kali cũng từ 13.500-16.000 đồng/kg… Với mức giá này, nhiều loại phân bón đã tăng hơn 80-100%, như vậy chi phí đầu vào cho vụ tới là quá cao”.

Sau khi thu hoạch cà phê xong còn phải cần rất nhiều nhân công làm các khâu như: Tỉa cành tạo tán, rửa vườn, làm bồn, bón phân, tưới nước… Riêng chi phí xăng, dầu bơm tưới 3-4 đợt cho cà phê cũng đội lên khi giá dầu tăng cao. Khoản thu nhập tăng thêm từ được mùa, được giá của vụ cà phê năm nay tính ra cũng chỉ đủ bù đắp chi phí đầu tư cho niên vụ mới.

Anh NGUYỄN VĂN NGHỊ,
thôn 3, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng

Huỳnh Nguyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/128534/nien-vu-ca-phe-2021-2022-chua-tron-niem-vui