Nigeria đề ra lộ trình mới để giảm mức độ khí đốt bỏ về 0

Đốt bỏ khí là một kỹ thuật giải phóng khí mêtan vào khí quyển trong quá trình khai thác dầu. Trong nhiều năm, Nigeria đã cố gắng tìm cách chấm dứt việc này nhưng không đạt được quá nhiều thành công.

Sau khi không thể chấm dứt tình trạng đốt bỏ khí đốt vào năm 2020 như kế hoạch, Nigeria đã vạch ra một lộ trình mới để đạt được điều đó vào năm 2025, phù hợp với đề xuất của cộng đồng quốc tế. Thông báo được đưa ra bởi Timipre Silva, Bộ trưởng Bộ Dầu khí, trong một cuộc điều trần công khai về sự cần thiết phải chấm dứt tình trạng đốt bỏ khí đốt ở nước này, do Ủy ban Hỗn hợp về Tài nguyên Khí đốt của Hạ viện chủ trì.

Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi tin rằng, với tất cả các chương trình đã được lên kế hoạch, chúng tôi đang đi đúng hướng để đạt được việc loại bỏ hoàn toàn tình trạng đốt bỏ khí gas vào năm 2025. Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này".

Vị lãnh đạo này thừa nhận, các cơ chế được thực hiện trong những năm qua để chống lại nạn đốt bỏ khí gas chưa phát huy hiệu quả. Cần nhớ rằng một đạo luật về giải phóng khí này vào tự nhiên đã được thông qua vào tháng 4 năm 2019 và quy định các hình phạt tài chính cho mỗi triệu feet khối khí đốt hoặc phạt 28.000 USD đối với bất kỳ chủ sở hữu giấy phép nào cung cấp dữ liệu không chính xác về các chính sách đốt bỏ khí.

Một nhà máy xử lý khí đốt đã được đưa vào hoạt động vào tháng 12 năm ngoái. Vào năm 2019, chính phủ liên bang xác định 178 địa điểm đốt bỏ khí đốt để bán khí đốt với giá tối thiểu là 0,25 USD/nghìn feet khối. Mỗi năm, quốc gia này mất ít nhất 750 triệu USD từ việc đốt bỏ khí đốt tự nhiên.

Mặc dù mức độ đốt bỏ khí năm 2020 vẫn chưa được xác định, nhưng theo tiết lộ của NNPC vào tháng 9 năm ngoái, từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020, cả nước đã đốt bỏ trung bình khoảng 600,4 triệu feet khối khí mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng khí được sử dụng để phát điện trong các nhà máy điện công cộng trong cùng thời kỳ là 490,2 triệu feet khối mỗi ngày.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nigeria-de-ra-lo-trinh-moi-de-giam-muc-do-khi-dot-bo-ve-0-601043.html