Nikkei Asia: Triển vọng tăng trưởng ở các thị trường mới nổi châu Á vẫn rất sáng

Thế giới đang chứng kiến nhiều nền kinh tế 'vượt bão' thành công và ngày càng có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của họ.

Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự kết hợp của các yếu tố như đại dịch COVID-19, tình hình lạm phát và cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra một làn sóng biến động trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến khu vực châu Á và các thị trường mới nổi khác.

Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến nhiều nền kinh tế "vượt bão" thành công và ngày càng có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của họ.

* Thay đổi để "vượt bão"

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn 28% so với mức trung bình của toàn cầu trong năm nay và nhanh gấp đôi so với mức trung bình của năm 2023.

Có hai lý do dẫn đến điều này. Đầu tiên là khả năng quản lý an toàn vĩ mô tốt hơn của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong những năm qua. Nhìn chung, những nền kinh tế này đã kiểm soát vấn đề nợ của họ một cách cẩn trọng để đề phòng kịch bản khủng hoảng châu Á hồi năm 1997 quay lại.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã thả nổi đồng tiền tệ của họ và xây dựng bộ dự trữ ngoại hối, tạo ra một hệ thống có khả năng hỗ trợ lẫn nhau bằng cách giảm bớt rào cản thương mại thông qua các hiệp định khu vực.

Yếu tố thứ hai là sự thay đổi lớn về hình dạng kinh tế toàn cầu. 10 năm trước đây, vai trò kinh tế của các thị trường mới nổi phần lớn chỉ giới hạn ở khâu cung cấp lao động và hàng hóa giá rẻ cho các nền kinh tế phát triển, song nhiều năm tăng trưởng liên tục đã biến các thị trường này trở thành một lực lượng tiêu dùng toàn cầu theo đúng nghĩa.

Mức tiêu thụ của các thị trường mới nổi đã tăng gần gấp ba lần trong 12 năm qua, hiện lên tới khoảng 34.000 tỷ USD – tương đương 47% mức tiêu thụ toàn cầu. Điều đó có nghĩa là những quốc gia này chịu ít áp lực từ các điều kiện bất ổn kinh tế hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Biểu hiện rõ ràng nhất của khả năng phục hồi có thể thấy ở dòng vốn. Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất ở phương Tây, người ta chưa nhìn thấy sự lặp lại của "cơn giận dữ" xảy ra hồi năm 2013, với việc có tới 129 tỷ USD đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu cắt giảm chương trình mua trái phiếu.

Trong giai đoạn tháng 1-8/2022, với việc Fed tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán, dòng chảy vốn ra khỏi các quỹ trái phiếu và cổ phiếu của thị trường mới nổi chỉ ở mức 3,3 tỷ USD. Mặc dù vậy, số liệu này chưa phản ánh một thực tế là các quỹ có thu nhập cố định đã ghi nhận dòng chảy vốn ra tương đương khoảng 60 tỷ USD, khi lãi suất cơ bản (tại Mỹ) tăng, biến động tăng giá của đồng USD và sự bất ổn tiền tệ tại những nền kinh tế mới nổi.

* Triển vọng ngắn hạn vẫn khó khăn

Một số nền kinh tế mới nổi hoạt động tốt hơn những nền kinh tế khác. Khu vực Mỹ Latinh đã lường trước được sự bùng phát của lạm phát hiện nay và bắt đầu tăng lãi suất từ gần một năm trước, giúp đưa khu vực này vào vị thế vững chắc như hiện nay. Ngoài ra, các thành viên thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh của Trung Đông cũng ứng phó tốt, một phần nhờ vào giá năng lượng cao.

Trong khi đó, khu vực châu Á cũng cho thấy họ đã học được nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Các nền kinh tế của châu lục hiện có dự trữ ngoại hối lớn, nợ ngoại tệ ít hơn và khả năng tiếp cận thị trường vốn cởi mở hơn. Họ cũng rất cố gắng để dỡ bỏ các rào cản thương mại nội vùng và đang gặt hái thành quả dưới dạng lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn.

Trong bối cảnh kinh tế tụt dốc toàn cầu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Đông Nam Á lên 5%, giữa lúc nhiều nền kinh tế khác đang cảm nhận sức nóng từ bối cảnh vĩ mô toàn cầu rất biến động và không chắc chắn. Khu vực Trung và Đông Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột ở Ukraine và hiện cố gắng kiềm chế tỷ lệ lạm phát đang ở mức 15% đến 20%.

Một số nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, hỗ trợ từ IMF thường đi kèm nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng để giải quyết sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô.

Do đó, nhiều nhà đầu tư đã trở nên cảnh giác với triển vọng ngắn hạn của các thị trường mới nổi. Cuộc khảo sát tâm lý mới nhất của HSBC đối với các nhà đầu tư tổ chức vào tháng 8 và tháng 9/2022 cho thấy 41% số người được hỏi tỏ ra "bi quan" về triển vọng của các thị trường mới nổi trong ba tháng tới, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, trong khi nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái hoàn toàn ở các nền kinh tế châu Âu và Mỹ lần lượt đạt 94% và 84%, mức này đối với các nền kinh tế châu Á và Mỹ Latinh chỉ lần lượt là 33% và 50%. Trên thực tế, cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư có tâm lý tích cực đối với tất cả các loại tài sản ở châu Á, cũng như đối với Mỹ Latinh và Trung Đông.

Tuy nhiên, triển vọng lạc quan trong dài hạn ở các thị trường mới nổi không làm mờ đi những thách thức mà họ phải đối mặt. Trước hết, việc thắt chặt định lượng sẽ khiến vốn trở nên đắt và khó tiếp cận hơn, gây áp lực lên các quốc gia có gánh nặng nợ lớn - đặc biệt là các khoản vay bằng đồng USD - hoặc những quốc gia đang ghi nhận thâm hụt lớn. Từ góc độ kinh tế, phần lớn rủi ro địa chính trị tại các thị trường mới nổi nằm ở khả năng gia tăng rào cản thương mại. Thứ hai, thành công của hầu hết các thị trường mới nổi sẽ phụ thuộc vào triển vọng thương mại toàn cầu.

Sự gián đoạn đối với vấn đề thương mại toàn cầu, do các yếu tố như nguy cơ suy thoái xảy ra ở các thị trường phát triển, cuộc xung đột ở Ukraine và tâm lý bảo hộ thương mại, đang tiếp tục đè nặng lên phương Tây nói riêng và đe dọa các dây chuyền sản xuất và lắp ráp, vốn đã giúp hàng trăm triệu người nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống.

Ý tưởng cho rằng các thị trường mới nổi đã trở thành người làm chủ vận mệnh của chính họ trước đây có vẻ là cường điệu, nhưng giờ đây đã khác. Sau nhiều năm tăng trưởng và lập kế hoạch vĩ mô một cách cẩn trọng, vững chắc, một số thị trường đang được xem như một lựa chọn phòng thủ giữa lúc kinh tế toàn cầu biến động mạnh./.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nikkei-asia-trien-vong-tang-truong-o-cac-thi-truong-moi-noi-chau-a-van-rat-sang/263256.html