Nín thở lắng nghe 'Ai hát giữa rừng khuya'
Mở đầu tác phẩm 'Ai hát giữa rừng khuya', là lời kể của tác giả bằng góc nhìn thứ nhất khi thuật lại hiện tượng hết sức kì bí ở Nam Định.
Từ hai câu chuyện có vẻ không liên quan đến nhau nhưng cuối cùng lại được ghép thành bức tranh tổng thể đượm buồn mang đậm chất kinh dị trong “Ai hát giữa rừng khuya”, được tác giả TchyA viết cách hơn 80 năm.
Mở màn bí ẩn
Tác giả TchyA tên thật là Đái Đức Tuấn - một trong những nhà văn hiếm hoi trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 theo đuổi trường phái văn học kinh dị với “Ai hát giữa rừng khuya”, “Thần hổ”, “Kho vàng Sầm Sơn”... TchyA có lối hành văn độc đáo, cuốn hút độc giả ngay từ những trang sách đầu tiên tới trang cuối cùng.
Nhiều thập kỉ trôi qua, những câu chuyện kinh dị cũng dần dần thay đổi theo nhu cầu thị hiếu của độc giả. Song nếu so sánh với những tác phẩm cùng thể loại ngày nay, những câu chuyện của TchyA không mang nhiều yếu tố gây sợ nhưng chứa đựng trong đó một cốt truyện độc đáo, hồi hộp và không thể đoán trước.
Mở đầu tác phẩm là lời kể của tác giả bằng góc nhìn thứ nhất khi thuật lại hiện tượng hết sức kì bí ở Nam Định: “Nó là hai con ma, hai cái oan hồn uất ức của hai kẻ chịu tử hình, lâu ngày không tiêu đi được nên tụ lại thành bóng, hấp thụ mãi khí thiêng của trời đất, nên mỗi khi bị hoàn cảnh xúc động đến là hiện được lên ngay, hiện lên để diễn lại một tấn trò mà xưa kia, hai oan hồn đó thường diễn những giờ cao hứng”.
Đó là một lần người dẫn chuyện đến thăm bạn thân tại thành Nam và được anh bạn cho mục kích một cuộc “đấu võ” kì lạ chỉ diễn ra “sau một trận mưa trong một ngày gay gắt nắng”.
Hai “đấu sĩ” là “Hai cái bóng giống hệt như hai người, có tay chân, biết cử động, song chỉ vị không đầu” đang say sưa “diễn những đường võ cực kì bí hiểm, trông ngoạn mục và lý thú vô cùng”.
Bằng “đôi ba miếng côn quyền học lỏm”. Người kể lập tức nhận ra “bản lĩnh của hai oan hồn kia siêu quần, xuất chúng, ít người thời nay sánh kịp” và “chúng không có ý làm hại nhau, chỉ thi nhau trổ hết tài nghệ cho thỏa thích cho bõ nhớ nhung cái thời oanh liệt chúng từng sống, mà không được sống đến cùng”.
Tuy vậy thật kì lạ khi ai đó càng đến gần thì hình bóng hai “võ sĩ” lại càng mờ dần, càng lùi xa thì lại càng rõ, cũng không thể chụp ảnh lại được. Và đặc biệt nếu ai đó nói đến việc hai cái bóng này không còn đầu thì ngay lập tức chúng biến mất đột ngột như lúc hiện ra, như thể không muốn người đời gợi đến nỗi buồn của chúng vậy.
Chương đầu tiên của “Ai hát giữa rừng khuya” đã được mở ra như vậy, không một lời giải đáp cho câu chuyện kì bí trên và tạo ra cho độc giả một dấu hỏi lớn trong lòng để tiếp tục dõi theo từng trang sách tiếp theo.
Lần theo “tiếng hát”
Tại chương tiếp theo, tâm trí của người đọc được đưa đến hạt Đồng Giao và cùng hòa với thiên nhiên hoang sơ, hiểm trở nơi đây: “Ló đầu ra ngoài cửa sổ để nhìn phong cảnh, ta chỉ thấy mặt đá trơ trơ, dựng cao như bức tường, và toàn thị là một thứ cây sậy khẳng khiu, mọc ven sườn đá”.
Tại buổi tối nghỉ tại nhà người bạn, nhân vật kể chuyện một lần nữa được chứng kiến hiện tượng kì bí trong rừng sâu: “Liền lúc ấy, xa lắm, xa lắm, tôi thoáng nghe có tiếng đờn ca não ruột”.
Khi nói cho người bạn của mình và được khẳng định có tiếng hát ở trong rừng sâu bay ra, nhân vật tôi đã được Lão Cai Móm thuật lại mẩu chuyện thứ hai. Chuyện rằng, ba anh em nọ xuất thân từ gia đình có “mẹ là một nàng danh kỹ, một đời nổi danh tài tử, cha xuất thân là công tử con nhà thế phiệt”.
Vì vậy, ngay từ bé, cả ba anh em đã thừa hưởng tài năng nghệ thuật của bố mẹ. Nếu anh cả Văn Quản “khi lớn lên thì chiếm giải quán quân trong nghệ thuật bốn cung đàn đáy, cả vùng chẳng có ai đàn lịch sự và thánh thót não ruột hơn chàng” thì hai chị em Huyền Cơ và Oanh Cơ sở hữu thanh âm tuyệt mỹ.
Ở phần này, TchyA đã chú trọng miêu tả rõ nét về nàng Oanh Cơ, một người tài sắc vẹn toàn. May là, những tập tục phong kiến xưa đã giúp nàng tránh được sự nhòm ngó của người đời.
Tuy vậy, “hồng nhan thì bạc phận”, Oanh Cơ không thể thoát khỏi số phận nghiệt ngã của mình. Vào một lần phải đi qua vùng núi rừng hiểm trở nàng đã mất cả anh lẫn chị vì hổ vồ nhưng may mắn sống sót nhờ sự giúp đỡ của hiệp sĩ Lê Trọng Việt.
Trọng Việt không chỉ giúp đỡ Oanh Cơ trong lúc nàng chịu tang anh chị mà khi nàng ca nữ gặp nạn, chàng hiệp sĩ cũng không quản hiểm nguy đến cứu mạng nàng thêm lần nữa. Cảm tạ trước tấm lòng của Trọng Việt, Oanh Cơ đã xin theo chàng vào Nam Định để hết tang thì làm vợ… Tuy nhiên, hiệp sĩ Trọng Việt là ai, có nguồn gốc xuất thân như thế nào thì chưa được giải đáp nên tiếp tục khiến độc giả tò mò muốn vén màn bí mật.
Ở những chương cuối cùng tác giả mới chắp nối hai mẩu chuyện tưởng chừng không liên quan đến nhau thành một bức tranh tổng thể nhuốm màu bi thương từ đó tố cáo một xã hội đồng tiền lên ngôi và đạo đức giả.
Có lẽ đây là phần hồi hộp và cuốn hút nhất tác phẩm bởi lẽ những chi tiết riêng biệt lại được kết nối với nhau một cách logic, tinh tế và TchyA đưa người đọc qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Cùng với đó, từ việc tạo ra những bước ngoặt gấp và nhiều bất ngờ mà vẫn nhẹ nhàng nên dù được viết từ năm 1942, “Ai hát giữa rừng khuya” của TchyA không hề lạc hậu với độc giả hôm nay.
Cầm trên tay tác phẩm này và nhâm nhi từng con chữ trong một buổi tối tĩnh lặng sẽ đem đến cho người đọc những cảm nhận thật thi vị mà không kém phần… “giật gân”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nin-tho-lang-nghe-ai-hat-giua-rung-khuya-post643996.html